Phương tiện xa xỉ mà gia tộc Gucci vẫn trân trọng cho đến ngày nay là một du thuyền cổ điển được đóng vào những năm 1920. Đây là một trong những du thuyền mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại với nhiều câu chuyện đầy bi kịch.
Du thuyền Creole trở nên nổi tiếng toàn thế giới sau khi được Maurizio Gucci mua lại. Nhưng cái chết bi thảm của Maurizio dường như càng phủ thêm sắc màu huyền bí xung quanh con thuyền vốn gắn liền với lắm sự kiện kịch tính này.
Creole là một du thuyền truyền kỳ, bởi lịch sử, huyền thoại u ám và sự gắn bó mật thiết với gia đình Gucci nổi tiếng. Theo nhiếp ảnh gia kỳ cựu Gilles Martin-Raget, Creole là “một con thuyền vượt mọi tiêu chuẩn về kích thước, thẩm mỹ và lịch sử” – Ảnh: Autoevolution
Gắn liền với chiến tranh và cái chết
Creole là du thuyền buồm đẹp nhất tại thời điểm ra mắt, năm 1927. Theo nhiếp ảnh gia kỳ cựu Gilles Martin-Raget, Creole là “một con thuyền nằm ngoài mọi tiêu chuẩn về kích thước, thẩm mỹ và lịch sử”.
Creole là một “cô nàng” xinh đẹp, một tuyệt tác không chỉ trong thời đại con thuyền ra đời, mà hào quang đó còn kéo dài đến hôm nay – Ảnh: Autoevolution
Alexander Smith Cochran, ông trùm sản xuất thảm người Mỹ, người được mệnh danh là “người đàn ông độc thân giàu nhất New York” thời đó, đã trở thành chủ nhân đầu tiên của con thuyền khi đó mang tên Vira.
Với độ cao khoảng 63m, Vira/Creole thực sự hùng vĩ và vẫn là một trong những du thuyền buồm lớn nhất thế giới đến tận ngày nay – Ảnh: Autoevolution
Nhưng Vira vừa ra đời đã gặp bất hạnh. Cochran yêu cầu chỉnh sửa nhiều chi tiết, như rút ngắn cột buồm, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, và còn mất an toàn khi thuyền trở nên tròng trành hơn.
Không chỉ làm hỏng thiết kế ban đầu, Cochran thậm chí còn không tận hưởng được quá lâu khi chỉ hai năm sau khi con thuyền được hạ thủy, ông đã qua đời ở tuổi 55.
Người chủ đầu tiên đã phá hoại thiết kế của con thuyền và qua đời sau khi sở hữu được hai năm vì bệnh tật – Ảnh: Boat International
Vira được bán cho một người chơi du thuyền là Maurice Pope, đổi tên thành Creole, theo tên món tráng miệng mà đầu bếp trên tàu của người chủ mới sáng tạo ra.
Năm 1937, Creole về tay nam tước người Anh Sir Connop Guthrie và được khôi phục về nguyên dạng ban đầu. Nhưng chưa được bao lâu, Thế chiến thứ hai nổ ra, du thuyền bị đưa đi phục vụ quân đội.
Sau thời gian phục vụ chiến tranh, Creole trở nên tàn tạ. Khi được trả về cho gia đình Guthrie cũng chẳng được ai đoái hoài vì lúc đó ông Connop đã qua đời.
Những tưởng có thể tìm được mái ấm mới, chẳng ngờ Creole đã trở thành nhân chứng cho một bi kịch không có lời giải – Ảnh: Milky Yachts
Đến năm 1948, ông trùm vận tải biển người Hy Lạp Stavros Niarchos đã mua lại và một lần nữa cho khôi phục nguyên dạng. Creole nhanh chóng trở thành vật sở hữu quý giá nhất của ông, nhưng cuối cùng, cũng trở thành nhân chứng thầm lặng cho một bi kịch đầy bí ẩn.
Những gì đã xảy ra vào đêm 3-5-1970 cho đến ngày nay vẫn không thực sự được làm rõ. Nhưng phiên bản được công nhận chính thức là Eugenia, vợ của Niarchos, đã tự sát bằng cách uống thuốc an thần quá liều, dù khám nghiệm tử thi cho thấy những dấu bầm tím nghiêm trọng trên người bà.
Có người cho rằng Eugenia đã phát hiện Niarchos đang tìm cách cưỡng đoạt em gái mình nên đã nổi giận và xảy ra xô xát. Nhưng câu chuyện chưa bao giờ được xác thực, chỉ có một điều chắc chắn là Creole đã trở thành con thuyền tang tóc chở thi thể của Eugenia về đất liền.
Cái chết của Eugenia đã kết thúc tình yêu của Niarchos dành cho Creole, và người ta bắt đầu truyền nhau đó là “con thuyền bị nguyền rủa”.
Creole được bán lại cho Chính phủ Đan Mạch vào năm 1977 để làm tàu huấn luyện cho thanh niên, bao gồm cả những người nghiện ma túy. Không rõ có vụ nào liên quan đến “cái chết trắng” hay không, nhưng do việc bảo trì quá tốn kém nên người ta gần như bỏ hoang Creole.
Dừng chân ở gia tộc Gucci
Năm 1983, Maurizio Gucci đã mua lại con thuyền và cho phục hồi lần nữa. Allegra Gucci, con gái út của Maurizio, mô tả với Boat International: Creole không phải là “một chiếc du thuyền cổ điển bình thường, mà là một du thuyền cổ điển khổng lồ”.
Chiếc thuyền cũ một lần nữa trở thành một phương tiện xa xỉ. Động cơ MTU đôi đảm bảo rằng Creole có thể đi thoải mái với tốc độ 11 hải lý/giờ (20km/h). Sáu phòng ngủ chứa được 11 khách được tạo nên từ những vật liệu quý giá nhất và vô số tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí, vách ngăn còn lát da động vật đắt đỏ. Có thông tin nói rằng chỉ riêng phòng ngủ đã tiêu tốn 800.000 euro.
Hiện tại, Creole đang thuộc sở hữu của Allegra Gucci – Ảnh: Boat International
Một lần nữa, bóng tối phủ lên Creole. Patrizia Reggiana, vợ của Maurizio, là một người rất mê tín. Bà thuyết phục chồng thuê một nhà ngoại cảm xua đuổi những linh hồn ma quỷ mà bà tin rằng đã ám con thuyền. Nhà ngoại cảm tuyên bố đã xua đuổi thế lực tà ác thành công, nhưng gia đình Gucci không tránh khỏi cảnh chia ly.
Maurizio bị kết tội đã mua Creole bằng số tiền bất hợp pháp. Thoát án, Maurizio ly hôn Patrizia, dốc hết tiền bạc vào tu sửa Creole. Trong khi ông tận hưởng sự xa hoa trên con thuyền và dường như chuẩn bị đi bước nữa với cô bạn thân của vợ cũ.
Patrizia trở nên ghen tị vì ông đã bỏ số tiền quá lớn cho Creole trong khi bà phải sống trong căn hộ bình thường với các con. Maurizio bị ám sát và Patrizia bị kết tội đã thuê người giết chồng cũ.
Bi kịch là vậy, nhưng hai cô con gái của Maurizio, những người thừa hưởng lại Creole, vẫn quyết bảo tồn con thuyền nguyên vẹn như sự hoài niệm về khoảng thời gian vui vẻ ngắn ngủi.
Dường như vụ sát hại Maurizio vào năm 1995 đã kết thúc chuỗi bi kịch mà Creole dính phải, chỉ còn lại một tuyệt tác trên biển vẫn đang được duy tu tốt dù tuổi đời đã gần trăm năm – Ảnh: Boat International
Cho đến ngày nay, Creole vẫn là một phần di sản của gia tộc Gucci, vẫn trong tình trạng tuyệt vời và tiếp tục là một trong những du thuyền buồm bằng gỗ ấn tượng nhất còn hoạt động sau một thế kỷ tồn tại.
Việc duy trì con thuyền buồm bằng gỗ và thép khổng lồ cùng 1.579m2 cánh buồm không hề đơn giản. Nhưng con gái của Maurizio vẫn quyết tâm bảo tồn vẻ đẹp nguyên thủy nhất, ngay cả màu sơn đen ban đầu. Bởi để làm ra một du thuyền mới quá đơn giản, nhưng con thuyền ấy cũng không còn lịch sử và ký ức gia tộc nữa. Thậm chí, Allegra còn cho Creole đi đua, chứng minh “bà đầm 95 tuổi” trị giá 20 triệu USD này vẫn hết sức phong độ – Ảnh: Boat International
Một số hình ảnh khác của Creole:
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/du-thuyen-cua-gia-toc-gucci-ca-doi-gan-voi-bi-kich-gan-tram-tuoi-van-sung-suc-20221003095253571.chn” name=””]