Nếu được chồng phụ việc bếp núc, việc nhà, hạnh phúc của người đàn bà sẽ nhân lên rất nhiều so với thuê người giúp việc.
Về quê họp lớp, tôi được bạn bè mời ghé chơi nhà. Các bạn làm những món ăn quê đãi tôi. Nhìn vợ chồng bạn lăng xăng nhà bếp, cười nói rổn rảng, tôi thấy mình được chào đón thật lòng.
Nếu ngày hội lớp, bạn Hưng lớp trưởng mặc đồ vest đen lịch lãm lên phát biểu cảm nghĩ, tặng hoa, quà cho các thầy cô, thì về nhà, Hưng vào bếp với cái tạp dề màu nâu nhạt, trông cậu càng đáng yêu. Dáng cao lớn, hài hước, nhiệt tình với bạn bè, Hưng luôn chiếm cảm tình của tất cả mọi người.
Hưng vào bếp với cái tạp dề màu nâu nhạt, trông cậu thật đáng yêu (Ảnh minh họa) |
Tôi khen Hưng giỏi, biết nấu ăn, biết làm việc nhà, thật là nể bạn mình. Hưng hỏi tôi “Bộ chồng bạn không biết nấu ăn, không phụ việc nhà sao? Mình mà vậy là vợ hất ra khỏi nhà. Mà mình cũng tự giác lắm, thời này, việc nhà đâu của riêng ai”.
Tới nhà Thủy, cũng bắt gặp hình ảnh người đàn ông mặc tạp dề vào bếp nấu ăn. Anh ấy là chồng của Thủy – bạn tôi. Thủy nói, chồng bảo để tự tay anh nấu vài món đãi bạn thân của vợ từ TPHCM ra. Rồi chồng Thủy “đuổi” tôi và Thủy lên phòng khách, vì: “Hai bà lâu ngày mới gặp nhau bằng xương bằng thịt, tâm sự cho đã đi, nhớ đừng nói xấu tui nha”.
Tôi hỏi Thủy: “Chồng bà có hay vào bếp không? Hay ổng đang… diễn?”. Thủy cười lớn. “Ổng biết điều lắm, cái gì phụ được là sẵn lòng. Nấu ăn, rửa chén, lau chùi toilet. Vậy nên mới thương ổng nhiều nè”.
Nhìn bạn, nghĩ mình, tôi cảm thấy tủi thân ghê gớm. Họa hoằn lắm, chồng tôi mới phụ vợ. Anh ấy luôn nói câu “Đừng biến anh thành đàn bà”. Anh khác xa Hưng, khác xa chồng Thủy, và có lẽ cũng khác xa nhiều người đàn ông khác.
Những khi thấy tôi bận bịu, anh đề nghị tìm người giúp việc ba ngày trong tuần, mỗi ngày vài giờ đồng hồ. Có người phụ việc, đi làm về, vợ chỉ lo bếp núc mà thôi. Chồng tôi nói nghe nhẹ hều vậy đó.
Phụ nữ có bao việc không tên, nhỏ lẻ. Không phải việc gì cũng giao cho người giúp việc được. Nhưng điều quan trọng là vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà mới vui. Hạnh phúc đôi khi tạo ra từ xó bếp.
Hưng – chồng Thủy – và chồng tôi đều có khả năng kiếm tiền. Ba bà vợ của ba ông chồng cũng có khả năng kiếm tiền, nhưng tại sao chỉ chồng tôi không chịu vào bếp, không làm việc nhà, lại còn nói “Đừng biến anh thành đàn bà?”
Có phải ngay từ đầu tôi ôm đồm mọi việc trong nhà, tạo thói quen xấy cho chồng? Hay tại anh gia trưởng, cho rằng việc nhà là của đàn bà? Nghĩ về những người đàn ông vào bếp, tôi lại nghĩ về những người vợ của họ. Các cô ấy thật hạnh phúc.
Chồng tôi không phải người suốt ngày ngoài đường. Anh có thời gian ở nhà với vợ con. Anh thích chăm sóc cây, làm những việc “đàn ông” như sửa vòi nước, chạy xe mua cái này cái kia, nhưng tuyệt đối không vào chợ, vì “Đó là nơi sinh hoạt của đàn bà”.
Tôi phải thuê người giúp việc, chứ tội tình gì mà ôm hết việc nhà (Hình minh họa) |
Chồng đã nói thế, chắc tôi phải tìm người giúp việc theo giờ, chứ tội gì mà ôm đồm. Những mâu thuẫn, bất hòa về quan điểm giữa vợ chồng đều có cách giải quyết. Tôi không nhìn vào Hưng, vào chồng của Thủy mà so sánh với chồng mình nữa. Biết đâu họ cũng có những mảng tối mà tôi không biết. Nhưng nếu được chồng phụ việc bếp núc, việc nhà, hạnh phúc sẽ được nhân lên rất nhiều so với chuyện nhờ người giúp việc.
Mai Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dung-bien-anh-thanh-dan-ba-a1469299.html” name=””]