Con yêu sớm cũng lo, con yêu muộn càng lo hơn, đó làm tâm lý chung của cha mẹ.
Mỗi lần nhận thiệp cưới mà chú rể bằng tuổi con trai, chị lại than thở (Ảnh minh họa) |
Nghe công ty tôi vừa tuyển nhân viên mới, chị gái đã sốt sắng gọi điện: “Dì xem có đứa nào được, làm mối cho cháu Nhân giúp chị”. Tôi vừa nghe đã bật cười bảo: “Thời buổi nào rồi mà chị còn tính chuyện mối lái, để tụi nhỏ tự do tìm hiểu yêu đương đi”.
Chị tỏ ý giận dỗi: “Để nó tự tìm thì biết khi nào mới lấy được vợ, ế như chú nó thì khổ”.
Nhà anh rể có năm anh em trai, trừ anh lấy vợ sớm thì các bác đều kết hôn khi đã 35 tuổi, riêng chú út hơn 40 tuổi vẫn chưa có ý định lập gia đình. Nhân – con trai cả của chị gái mới 25 tuổi nhưng chị cứ lo con bị “di truyền” gen lấy vợ muộn của nhà nội.
Trái ngược với thái độ hốt hoảng của mẹ thì Nhân thủng thẳng sống theo cách của mình. Cứ vài tháng một lần, cháu lại vi vu đi du lịch. Các buổi tối nằm lướt điện thoại rồi cày “deadline” tận khuya. Chị phàn nàn, con không hẹn hò gì, bao nhiêu tiền lương đều dành mua thức ăn và đồ dùng cho con mèo cưng của mình.
Thỉnh thoảng Nhân còn ship hàng nhờ mẹ trả tiền hộ rồi xin tiền đi đám cưới bạn. Nghe chị kể, tôi bảo: “Cháu con chưa lo được cho mình mà chị muốn nó lấy vợ sớm làm gì, chị định nuôi luôn vợ con nó hả”.
Chị gật gù nói: “Lấy vợ rồi nó ắt biết lo lắng, chứ cứ lông bông bao giờ mới ổn định”. Không chịu ngồi yên, chị cứ hỏi thăm chỗ này chỗ kia để tìm người mai mối cho con trai nhưng hết lần này đến lượt khác đều thất bại. Mỗi lần nhận được thiệp mời đám cưới mà chú rể bằng tuổi Nhân, chị lại than vắn thở dài chuyện con trai không chịu yêu.
Nghe chuyện của cháu, tôi lại nhớ cô bạn gái thân cách đây mấy chục năm. Lúc đó, bạn tôi mới học năm thứ ba đại học, chưa có mối tình vắt vai và mẹ tôi rất lo lắng. Cứ một tuần hai ba lần, bạn đều đặn rủ tôi đi ăn vặt.
Sau đó, tôi mới biết lý do, vì mẹ yêu cầu bạn đi chơi vào buổi tối để có cơ hội hẹn hò, mẹ còn cho tiền chi phí. Bạn tôi ra khỏi nhà cho mẹ vui lòng, chỉ biết đạp xe lòng vòng rủ mấy đứa bạn thân đi ăn chè rồi về.
Đến khi tốt nghiệp ra trường, bạn xin công tác ở xa nhà để khỏi bị mẹ giục lấy chồng, nhưng vẫn không thoát được. Một năm sau, bạn đồng ý lấy một người do mẹ chọn qua mai mối với tâm thế “cưới cho xong”.
Hôn nhân không hạnh phúc vì không có tình cảm lẫn sự hòa hợp, bạn làm mẹ đơn thân vào năm 23 tuổi. Vào thời đó, tuổi của bạn được xem là lớn khi con gái đều lấy chồng khi mới qua 20 tuổi. Đến năm 30 tuổi, bạn mới thật sự gặp được tình yêu của đời mình và đi thêm bước nữa.
Mặc cho mẹ lo lắng, cháu tôi vẫn thích nuôi mèo hơn là hẹn hò yêu đương. (Ảnh minh họa) |
Nhiều lần, bạn ao ước giá như mình không nghe lời mẹ để không phải đánh mất một đoạn thanh xuân dài. Bạn vẫn thường nói, yêu sớm hay muộn không quan trọng, chỉ cần yêu đúng người.
Tôi nghĩ, hôn nhân và tình yêu không phải là một cuộc chạy đua xem ai về đích sớm, mỗi người có một nhân duyên khác nhau. Cha mẹ chẳng thể sống thay con cái nên chuyện tình cảm hãy để con quyết định. Càng sốt sắng càng tạo áp lực lên con trẻ lẫn phụ huynh.
Người xưa nói “yên bề gia thất” mới là ổn định nhưng hiện tại, để làm được việc đó cần có kiến thức lẫn kinh nghiệm. Yêu muộn không có nghĩa là thất thế trong tình cảm mà đơn giản chưa gặp đúng người thôi.
Để xoa dịu nỗi lo lắng của chị, thỉnh thoảng có cặp đôi nào kết hôn viên mãn khi đã qua tuổi 40, tôi lấy làm minh chứng cho chị yên lòng. Nhưng chị vẫn bảo: “Con em chưa lớn, em chưa hiểu được nỗi lòng của người mẹ khi con yêu muộn đâu”.
Yến Linh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/dung-ngoi-khong-yen-lo-con-trai-e-vo-a1465592.html” name=””]