Không chỉ là việc tỉ phú Musk nhanh chóng bị mất 200 tỉ USD. Và đó không hẳn vì ông dành nhiều thời gian hơn cho Twitter. Chuyện gì khiến người giàu nhất thế giới bỗng chốc sụp đổ?
Sự giàu có luôn được đánh đồng với sự thông minh. Tuy nhiên, giữa cuộc chuyển động lớn của hệ thống tiền tệ trên toàn cầu trong đại dịch – chỉ cần một sự ảo tưởng quá mức về mình, đã khiến người giàu nhất thế giới mất 200 tỉ USD.
Tỉ phú Elon Musk là người giàu nhất thế giới nhờ đâu?
Câu chuyện của Hãng tin Bloomberg kể, bắt đầu từ các khoản thưởng của Musk. Đầu tiên, các khoản thưởng bằng cổ phiếu của Tesla vào năm 2009 và 2012 giúp củng cố cổ phần của Musk tại công ty xe hơi này.
Tỉ phú Elon Musk (Ảnh: REUTERS)
Sau đó, với tư cách là giám đốc điều hành Tesla, ông Musk đề ra mục tiêu đầy tham vọng: Tăng giá trị thị trường của Tesla lên 650 tỉ USD – ngang với mức của những gã khổng lồ công nghệ Amazon, Alphabet và Microsoft vào thời điểm đó. Nghĩ lớn và táo bạo, Musk tập trung vào Tesla trong một thời gian dài.
Nhờ tài lãnh đạo cùng những dòng tweet đao to búa lớn “đậm chất Musk”, giá cổ phiếu Tesla tăng vọt. Vào cuối năm 2020, Tesla đã giành được một vị trí đáng mơ ước trong Chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ).
Musk đạt được 11 trong tổng số 12 cột mốc đã đề ra với các chỉ tiêu về tài chính và giá trị vốn hóa. Và, dĩ nhiên Musk được đa số nhà đầu tư đồng ý thưởng 304 triệu USD bằng cổ phiếu Tesla.
Số tiền được thưởng chưa có tiền lệ cùng với các khoản vay sử dụng đòn bẩy cao. Từ đó tạo nền tảng cho một trong những cú tăng tài sản vĩ đại nhất trong lịch sử các nhà kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng chính gói thưởng trên mà sau này thành “tai họa” cho Musk. Gói thưởng hiện là một phần của vụ kiện ở Delaware của cổ đông. Họ cho rằng Musk được thưởng ưu đãi quá mức. Ông nên trả lại cho Tesla, vì các hoạt động của ông không như ý muốn.
Cái sảy có nảy cái ung?
Musk, 51 tuổi, đã bất ngờ xuất hiện trên bục nhân chứng tại phiên tòa ở Delaware vào giữa tháng 11-2022. Sự kiện diễn ra chỉ vài tuần sau khi hoàn tất việc mua lại Twitter.
Thẩm phán trong vụ kiện cổ đông đòi trả tiền, Kathaleen St. J. McCormick, cũng giám sát nhiều tháng tranh cãi pháp lý giữa Musk và Twitter về thỏa thuận này. Một Musk nhẹ nhàng miêu tả mình là một CEO miễn cưỡng và một người nghiện công việc. Đồng thời không có vai trò gì trong việc ấn định mức thưởng của mình.
Trong khi thẩm phán McCormick vẫn chưa đưa ra kết luận về vụ kiện, thì thị trường đã phán quyết. Cổ phiếu Tesla đã giảm 39% kể từ ngày 1-12-2022, gấp 5 lần mức giảm của Nasdaq 100 nặng về công nghệ.
Nhà sản xuất ô tô Tesla cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và không đạt được kỳ vọng giao hàng ngay cả sau khi giảm giá. Musk không còn là người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông chỉ còn ở mức 129,4 tỉ USD. Số tiền này đã giảm hơn 210 tỉ USD so với mức đỉnh, theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg.
Công ty Fidelity Investments, một nhà đầu tư của Twitter, đã định giá mạng truyền thông xã hội này thấp hơn một nửa so với số tiền mà Musk đã trả.
Tại thời điểm này, nền tảng tài sản của Musk là 42% quyền sở hữu với Space Exploration Technologies Corp. Đây là công ty phóng tên lửa do ông thành lập năm 2002, trước khi ông tham gia vào Tesla.
Giá trị của công ty tiếp tục tăng. Gần đây, Space Exploration đã huy động được 750 triệu USD với mức định giá 137 tỉ USD.
Con đường phía trước
Tất nhiên, ngay cả khi Tesla đang sa sút nghiêm trọng, Musk vẫn có con đường vượt qua tỉ phú Bernard Arnault của Pháp, hiện là người giàu nhất thế giới. Musk lại bắt đầu với SpaceX, một thế lực thống trị ngành công nghiệp vũ trụ vẫn còn non trẻ, giống như Tesla đã từng làm trong lĩnh vực xe điện.
Mới tuần trước, ông Chamath Palihapitiya, được biết đến với biệt danh “Vua SPAC” – SPAC là công ty vỏ bọc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mục đích mua lại một công ty tư nhân – đã dự đoán Starlink, sáng kiến kết nối Internet từ không gian của SpaceX sẽ ra mắt công chúng vào năm 2023, sớm hơn nhiều so với kế hoạch.
Động thái như vậy sẽ mang lại cho Musk một công ty giao dịch. Mục đích để thu hút các nhà đầu tư thuộc mọi lĩnh vực. Musk cho biết ông có kế hoạch dùng Twitter làm bàn đạp cho ứng dụng vạn vật có tên X. Ứng dụng này có thể giống với siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại, những tham vọng đó còn rất xa vời. Con đường trở lại của Musk với danh hiệu người giàu nhất thế giới xem ra rất chông chênh!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/elon-musk-khong-the-tro-thanh-nguoi-giau-nhat-the-gioi-lan-nua-20230112185419887.chn” name=””]