Đây là cách ông chủ Tesla và SpaceX phát hiện ra những tài năng hàng đầu mà không cần nhìn vào bằng cấp.
Elon Musk hiện là tỷ phú giàu nhất thế giới. Ông cho rằng “đại học về cơ bản là để giải trí chứ không phải để học”. Trong khi phần lớn các nhà lãnh đạo dựa vào bằng cấp để tìm kiếm nhân tài, thì Musk tin chắc rằng các kỹ năng quan trọng hơn rất nhiều lần.
Tesla và SpaceX hoạt động dựa trên việc thu hút và giữ chân những bộ óc thông minh nhất từ khắp nơi trên thế giới mà không cần quan tâm bằng cấp. Các ứng viên muốn làm việc cho Elon Musk không nhất thiết phải tốt nghiệp trường đại học danh giá. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng được nhận vào Tesla và SpaceX.
Trước khi được nhận, các ứng viên cần trải qua hai bài kiểm tra. Đó là quy trình đơn giản nhưng có thể phản ánh được nhiều điều ở một người.
1. Bài kiểm tra kỹ năng mềm
Mặc dù có nhiều tranh luận xung quanh việc học đại học, còn đối với Musk, trải nghiệm quan trọng hơn học vấn. Đúng hơn, trải nghiệm là một hình thức giáo dục. Trên thực tế, một báo cáo từ Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ đã chứng minh lý thuyết của ông chủ Tesla là có cơ sở.
Nghiên cứu của AACU cho thấy 3/4 nhà tuyển dụng tin rằng việc học đại học là cần thiết. Tuy nhiên, lý do không phải dựa trên chương trình giảng dạy mà là các kỹ năng mềm mà sinh viên học được.
Nói cách khác, giáo dục không chỉ giới hạn ở những gì được dạy trên giảng đường, mà là những gì được học qua những trải nghiệm trực tiếp. Do đó, trải nghiệm trực tiếp là phương tiện để khám phá tài năng và kiến thức của một người.
Một trong những câu hỏi mà Elon Musk thường hỏi ứng viên là: “Bạn đang đứng trên bề mặt Trái Đất. Sau đó, bạn bước 1.609 mét về phía Nam, 1.609 mét về phía Tây và 1.609 mét về phía Bắc. Nhưng cuối cùng, bạn vẫn đang ở chỗ ban đầu. Vậy bạn đang ở đâu?”.
Câu trả lời không quá khó, đó là Cực Bắc. Phần lớn ứng viên đều có thể giải quyết câu hỏi này. Các đường kinh tuyến trên Trái Đất sẽ tụ về hai điểm cực Bắc và cực Nam. Ở cực Bắc, đi về hướng nào thì đó cũng sẽ là hướng Nam. Khi đi theo miêu tả của Musk, bạn sẽ dừng lại ở nơi mình bắt đầu.
Tuy nhiên, câu hỏi chưa dừng lại ở đó. Musk lại làm khó họ thêm một lần nữa: “Ngoài ra còn ở đâu khác nữa?”. Và câu trả lời đúng thứ 2 là đâu đó gần cực Nam. Tuy nhiên, rất ít ứng viên đưa ra được câu trả lời này.
Thế nhưng, thực tế câu hỏi này không phải để loại trừ ứng viên mà là cho họ cơ hội để giải thích lý do đằng sau câu trả lời của mình. Đây là cách ông sử dụng để xem họ sẽ hành động như thế nào khi giải quyết vấn đề, cách họ đối mặt với thất bại, thất vọng cũng như cách họ xử lý thông tin mới.
2. Bài kiểm tra kinh nghiệm xử lý vấn đề
Elon Musk là nhà lãnh đạo áp dụng các quy trình và chiến lược kỹ thuật vào các khía cạnh khác của doanh nghiệp – và cuộc sống của mình. Theo quan điểm của Musk, đánh giá một ứng viên giống như việc kiểm tra sản phẩm trên diện rộng.
Cuộc phỏng vấn xin việc là một bài kiểm tra, nhưng thay vì đánh giá năng lực thực tế của ứng viên, nhiều công ty chỉ đơn giản kiểm tra kiến thức của ứng viên. Tuy nhiên, đây là một lỗ hổng chết người, vì có sự khác biệt lớn giữa việc ghi nhớ và hiểu biết.
Theo Elon Musk, nhà tuyển dụng nên đặt các ứng viên vào những câu hỏi yêu cầu trải nghiệm thực tế.
Để đáng giá đúng năng lực của ứng viên, nhà tuyển dụng chỉ cần đưa ra các bài kiểm tra (ví dụ: một nhiệm vụ hoặc bài tập) mà họ có thể gặp phải. Để có được một phép đo chính xác về khả năng của một người trong việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của vị trí, hãy đảm bảo rằng phạm vi của bài kiểm tra được giới hạn trong các nguồn lực cần thiết.
Musk không ngại chia sẻ bí quyết: “Tôi luôn hỏi họ cùng một câu thôi”, ông kể trong cuộc phỏng vấn năm 2017: “Kể cho tôi nghe một số vấn đề khó khăn nhất mà anh/chị đã đối mặt và cách giải quyết chúng”.
Bằng câu hỏi duy nhất này, cộng thêm kinh nghiệm và khả năng nhìn người, Musk đã chọn được khá nhiều tài năng cho Tesla lẫn các công ty khác như SpaceX.
“Chỉ có những người đã trực tiếp giải quyết được vấn đề mới biết chính xác khó khăn được xử lý như thế nào. Những ai đã đối mặt với khó khăn sẽ không quên cách vượt qua nó – Musk lý giải – Họ biết rành và kể vanh vách các tiểu tiết”.
Trong khi đó, những người không trung thực trong cuộc phỏng vấn thường chỉ nói chung chung, lan man và thiếu thuyết phục.
Phương pháp của Musk mới đây đã được chứng minh là đúng đắn và có hiệu quả về mặt khoa học. Trong bài nghiên cứu công bố tháng 12-2020 trên Tạp chí nghiên cứu ứng dụng trí nhớ và nhận thức, các nhà nghiên cứu đã gợi ý một cách để phát hiện ứng viên không trung thực.
Theo đó, nhà tuyển dụng chỉ cần yêu cầu nói thêm về vấn đề và đi sâu vào chi tiết. Người có năng lực và nói thật sẽ đi vào chi tiết thảo luận trong khi người nói dối sẽ chỉ nói chung chung, tránh sa vào chi tiết vì sợ lộ cái sai. Khoảng 70% trường hợp nói dối đã bị phát hiện nhờ phương pháp có tên AIM.
Cody Porter, một trong những nhà nghiên cứu về AIM và là Nghiên cứu viên giảng dạy cao cấp tại Đại học Portsmouth, đã viết trong một bài báo cho The Conversation: “Những chi tiết nhỏ do nhân chứng cung cấp là phần quan trọng của các cuộc điều tra pháp y”.
Bà nói thêm: “Người phỏng vấn nên hướng dẫn rõ ràng cho người được phỏng vấn rằng nếu họ cung cấp những lời khai dài hơn, chi tiết hơn về vụ việc, điều tra viên sẽ có thể nhận ra họ nói thật hay nói dối”.
Đương nhiên, không ai muốn thuê một người chỉ nói mà không làm. Vì vậy, nếu bạn muốn có được một công việc tốt, hãy làm mọi việc một cách thành thật nhất.
Nguồn:Tổng hợp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/elon-musk-tuyen-bo-khong-can-bang-dai-hoc-van-co-the-lam-cho-tesla-nhung-truoc-het-phai-vuot-qua-2-bai-kiem-tra-can-nao-nay-20220519154418996.chn” name=””]