Bom tấn âm nhạc của điện ảnh Việt 2022 theo chân Trịnh Công Sơn cùng các nàng thơ qua từng thời kỳ để vẽ nên chân dung vị nhạc sĩ vĩ đại của Tân nhạc Việt Nam.
Cuối thập niên 80, khi đang là sinh viên ở Paris, cô gái Nhật Bản Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam – trong đó có âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Lúc này, nhạc sĩ họ Trịnh đã ngoài 40 tuổi và chưa một lần kết hôn, dù trước đó xung quanh ông là biết bao nàng thơ. Michiko theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Luận án cao học và âm nhạc đã nhen nhóm một tình yêu đặc biệt, vượt khoảng cách ngôn ngữ, địa lý cũng như văn hóa. Michiko nhiều lần gọi điện từ Pháp về Việt Nam để trò chuyện với Trịnh Công Sơn. Và tới khi cô gái trẻ người Nhật gặp mặt trực tiếp tác giả mình ngưỡng mộ, tình yêu từ những cuộc gọi, những nốt nhạc hay câu chữ luận văn đã trở nên sâu đậm lúc nào không hay…
Đó là cảnh mở đầu của phim “Em và Trịnh”, bắt đầu cho câu chuyện tình giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cô gái trẻ Michiko Yoshii. Từ cuộc gặp gỡ tạo nên mối lương duyên kỳ lạ này, phim lật lại cuội nguồn từng sáng tác nổi tiếng nhất của Trịnh, cùng những nàng thơ hay những người bạn đã đi qua cuộc đời ông.
Với độ dài 136 phút, phim khắc họa cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ lúc trẻ với màn hóa thân của ca sĩ Avin Lu, tới khi bước vào tuổi trung niên do NSƯT Trần Lực đảm nhận. Cội nguồn cảm hứng phía sau mỗi sáng tác bất hủ của ông cùng những chuyện tình, mối tâm giao âm nhạc với các bóng hồng đi ngang đời ông như Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly và tất nhiên không thể thiếu Michiko Yoshii – nàng thơ đặc biệt nhất.
Phim dẫn dắt người xem bằng âm nhạc giàu cảm xúc. Những ca khúc của Trịnh Công Sơn vốn đã quá kinh điển và nhiều người có thể hát theo ngay mỗi khi giai điệu cất lên. Tuy nhiên, cái hay trong phim “Em và Trịnh” là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã kể chuyện bằng âm nhạc rất hiệu quả. Từ những câu hát “Ướt mi” đầy ma mị của Thanh Thúy, tới “Diễm xưa” một chiều mưa trong phân cảnh Bích Diễm hay “Nắng thủy tinh” đầy lãng mạn bên Dao Ánh đều cho thấy cuội nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn có thể viết nên những ca từ đẹp đến vậy, tình đến thế.
Mỗi nàng thơ hiện lên trong phim đầy vẻ sinh động và như những mảnh ghép tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ về âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thanh Thúy giống như màn đêm bí ẩn đầy cuốn hút khiến người ta tò mò. Bích Diễm kiêu kỳ như cơn mưa mùa hạ – đến bất chợt và đi cũng rất nhanh. Dao Ánh rực rỡ như bông hoa hướng dương mùa hạ luôn tỏa nắng thủy tinh. Khánh Ly là cơn gió heo may của mùa thu “loang vỉa hè”. Và Michiko, là đóa hoa hé nở trong khu vườn bí mật của Trịnh Công Sơn. Dàn diễn viên trẻ trong phim gồm Bùi Lan Hương, Hoàng Hà, Lan Thy, Nakatani Akari và Nhật Linh đã thể hiện vô cùng sinh động hình ảnh các bóng hồng đi qua cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn một bóng hồng nữa xuất hiện ở cuối phim hứa hẹn gây nhiều bất ngờ cho khán giả.
Bên cạnh các nàng thơ, nhóm bạn văn nghệ sĩ thời hoa niên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng để lại nhiều ấn tượng trong phim. Quãng thời gian ở Huế, Trịnh chơi thân với 4 người bạn và tất cả có chung “địa điểm bí mật” là Tuyệt Tình Cốc để sinh hoạt văn nghệ, tụ tập tại đây. Mỗi người có một tài năng nghệ thuật khác nhau, người nhiếp ảnh, người điêu khắc, người vẽ tranh nhưng gắn kết bởi một thời đại mà ở đó, thanh niên hết mình vì đam mê và lý tưởng, yêu hòa bình và lãng mạn, ghét chiến tranh.
Phục trang là điểm nhấn trong “Em và Trịnh”. Lấy bối cảnh giai đoạn trải dài từ thập niên 1960 – 1970 đến cuối những năm 1990, phục trang của các nhân vật được thiết kế rất bắt mắt, mang phong cách vintage, biến “Em và Trịnh” không chỉ là một “bom tấn âm nhạc” mà ngay cả phần thời trang cũng được dàn dựng vô cùng công phu. Trong khi Trịnh Công Sơn giữ phong cách lịch lãm, lãng tử từ thời trẻ cho tới trung niên, các nàng thơ hiện lên như tranh vẽ nhờ những bộ trang phục mang phong cách cổ điển.
“Em và Trịnh” có nhiều trường đoạn gây xúc động. Bên cạnh tình bạn, tình yêu của Trịnh Công Sơn, phim còn lột tả khía cạnh gia đình của nhạc sĩ qua mối quan hệ với mẹ và các em gái, cho thấy Trịnh Công Sơn là người sống rất tình cảm và sống vì tình cảm.
Trịnh Công Sơn đã rời “cõi tạm” được hơn 20 năm nhưng những giá trị vị nhạc sĩ để lại cho âm nhạc Việt Nam đã trở thành một di sản văn hóa vượt thời gian. Và nay, di sản ấy đã được đưa lên màn bạc đầy cảm xúc trong 136 phút với “Em và Trịnh” – về một cuộc đời nhạc sĩ tài hoa đầy chiêm nghiệm, và 95 phút với “Trịnh Công Sơn” – một chàng thanh niên nhiệt huyết, tràn đầy hơi thở thanh xuân. Đến cuối phim, dù ở phiên bản nào thì chân dung Trịnh Công Sơn đều hiện lên khiến cho mọi thứ trở nên vô thường, không biên giới, không rõ ràng về thời gian. Chỉ còn đó một người nhạc sĩ có tấm lòng, như ông đã viết trong bài hát Để gió cuốn đi: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.
Trịnh Công Sơn và Em và Trịnh có suất chiếu đặc biệt trên toàn quốc từ 19h ngày 10/6/2022 và cả ngày 11, 12/6/2022 trước khi ra rạp chính thức ngày 17/6/2022.
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/em-va-trinh-mot-doi-lang-man-cua-trinh-cong-son-20220610121446964.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]