Không còn những buổi tiệc kéo dài, không còn thảm đỏ chen lấn, những nhân viên làm công việc hậu trường tại Hollywood lao đao trong dịch bệnh.
Một năm trước, nhiếp ảnh gia Alberto Rodriguez phải liên tục chen lấn mới có được một vị trí đẹp trên thảm đỏ. Anh chụp ảnh người nổi tiếng và bán lại. Nhưng đến năm nay, không chỉ Alberto mà nhiều nhân viên hậu trường sống nhờ các giải thưởng như Oscar, Grammy, Quả cầu vàng… phải đổi công việc.
Dịch COVID-19 buộc các giải thưởng chuyển sang hình thức tổ chức trực tuyến. Các sao được khuyến khích nhận giải tại nhà. Sự kiện cũng không bán vé cho khán giả.
Những sự kiện chuyển sang tổ chức trực tuyến khiến cánh nhiếp ảnh mất việc |
Cùng với những thay đổi, sự kiện thảm đỏ được không được tổ chức hoặc tổ chức với quy mô cực nhỏ gọn. Các bữa tiệc triền miên như mọi năm cũng bị hủy. Điều này khiến các nhân viên chuyên kiếm tiền từ các mùa lễ trao giải như nhân viên trải thảm đỏ, bảo vệ, bồi bàn, những người đóng vai fan cuồng – được thuê để la hét cho nghệ sĩ, tài xế lái xe đón khách, nhiếp ảnh gia… lâm vào cảnh thất nghiệp.
Alberto Rodriguez nói: “Buổi làm việc cuối cùng của tôi vào ngày 9 hoặc 10/3 năm ngoái, khi phim Mulan ra mắt. Cho đến hiện tại, tôi nghĩ buổi làm việc tiếp theo sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10 năm nay”.
Nhiếp ảnh gia nói anh đã mất hơn một nửa thu nhập mặc dù đã nhận công việc giao đồ ăn nhanh. Nhớ lại thời điểm năm 2020 – khi dịch xuất hiện, Alberto cho biết anh chỉ có 5 hoặc 6 ngày chụp ảnh tại các sự kiện, nếu không có dịch, số lượng ngày làm việc bình thường phải đến 200-240 ngày/năm.
Theo báo cáo của Hội đồng phát triển kinh tế Los Angeles năm 2013, mỗi năm, mùa giải Oscar “bơm” khoảng 130 triệu USD vào tổng thu nhập của thành phố. Do đó, khi mô hình tổ chức giải thay đổi, doanh thu của thành phố giảm, những người làm công việc hậu trường cũng phải vật lộn để kiếm sống.
One Events – công ty chuyên cung cấp nhân sự cho các sự kiện trao giải Oscar và Grammy, có trụ sở tại Los Angeles – cho hay doanh thu trong năm 2020 đã giảm 70%. “Chúng tôi thật sự gặp khó khăn, nhiều công ty khác hoạt động giống mô hình của chúng tôi đã không trụ vững”, giám đốc của One Events, Nickolas Potocic nói.
Công ty chuyên cung cấp thảm đỏ cho các sự kiện thua lỗ nặng vì dịch |
One Events cho biết công ty có một nhóm làm công việc tổ chức sự kiện. Nhóm này có 85 thành viên là các diễn viên, người mẫu, nhạc sĩ trẻ đang tìm kiếm cơ hội việc làm khi chưa nổi tiếng. Khi dịch bệnh bùng phát, họ không có công việc nên chuyển về nhà sống với ba mẹ, làm tạm việc khác hoặc thông báo bỏ việc. Công ty thay đổi hình thức kinh doanh, chuyển sang cung cấp bữa trưa và tối cho các sự kiện nhỏ để trụ lại.
Một công ty chuyên cung cấp thảm đỏ tiết lộ trong một mùa giải thưởng bình thường, họ phụ trách trải thảm cho 25 đến 50 sự kiện/tuần. Kỷ lục là 15 sự kiện/ngày. Giám đốc của công ty, anh Toni Kilicoglu cho biết vì dịch, doanh thu của đơn vị đã giảm 80%, và buộc phải chuyển sang cung cấp kính, màn che, phông nền lớn cho các sự kiện trực tuyến. “Thật buồn, thật chán nản nhưng chúng tôi không thể làm gì được. Chúng tôi cần chờ đợi và kiên nhẫn”.
Đứng trước nhà hát Dolby vắng vẻ, nơi sẽ tổ chức giải Oscar vào ngày 25/4 sắp tới, nhiếp ảnh gia Alberto Rodriguez nói thật khó tưởng tượng khi anh không được tham gia mùa giải thưởng như 20 năm qua. “Tôi sẽ phải mặc một bộ đồ lịch thiệp cả ngày khiến bản thân không thoải mái nhưng nó cho tôi cảm giác mình thuộc về ngành giải trí. Bây giờ, tôi rất nhớ cảm giác đó”, Alberto Rodriguez nói thêm.
Diễm Mi
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/giai-thuong-ao-nhan-vien-hau-truong-lao-dao-a1429711.html” name=””]