Chính sự cả nể, gồng mình để theo lối cũ khiến nhiều nàng dâu khổ sở với “núi việc” ở nhà chồng.
Đọc bài Dâu trưởng sợ lễ tết, giỗ chạp nhà chồng trên báo Phụ Nữ online, tôi rất đồng cảm, vì chồng tôi cũng là con trưởng, đích tôn của dòng họ. Nhưng câu chuyện của tôi lại có kết quả khác, do khi mới về làm dâu, tôi đã chủ động tìm “lối thoát” cho mình.
Nhà chồng có 1 con trai, 3 con gái, tôi không có chị em bạn dâu mà so bì, ngay từ đầu tôi đã xác định việc lo chuyện nhà chồng là trách nhiệm của mình nên không thấy băn khoăn.
Nhờ dịch vụ nấu cỗ hỗ trợ mà việc lo giỗ chạp nhà chồng của tôi trở nên nhẹ nhàng (Ảnh minh họa) |
Mới cưới xong, mẹ chồng đã giao lại toàn bộ công việc của gia đình lại cho tôi cùng một cuốn sổ. Trong sổ ghi rõ một năm gia đình có 13 cái giỗ, làm lễ cúng Rằm vào tháng Một, tháng Bảy và tháng Mười, tổ chức tất niên vào ngày 30 tết…
Mẹ chồng nói rõ, tiền bạc thì cha mẹ lo toàn bộ nhưng việc sửa soạn chuẩn bị thì con phải làm. Mẹ dặn, chuẩn bị 1 đám giỗ phải mất 3 ngày để mời khách, lên thực đơn, đi chợ và nấu nướng. Nếu vậy, tôi sẽ phải xin nghỉ làm ít nhất 36 ngày trong một năm để lo việc giỗ chạp nhà chồng.
Điều này là không thể, vì tôi đi làm ăn lương thì phải làm việc, chứ không giống các chị ở nhà nội trợ. Ngay đám tiệc đầu tiên, sau khi tính toán, tôi đề xuất thuê dịch vụ hỗ trợ. Mẹ chồng tôi không đồng ý, bà sợ tốn kém và mọi việc không được chu tất.
Tôi phải thuyết phục để mình lo thử một đám giỗ theo cách mới xem như thế nào. Sau khi lên thực đơn, tôi chỉ cần gọi điện đặt cỗ, thuê bàn ghế và rạp. Trước một ngày, tôi tranh thủ đi mua trái cây đồ lễ để chồng đặt lên bàn thờ.
Đến ngày giỗ, tôi không phải nghỉ việc mà chỉ xin về sớm hơn giờ nghỉ trưa một chút. Nhưng sau lần đó, mẹ chồng không hề hài lòng. Mẹ bảo, mỗi lần mời giỗ đều phải gói phần thức ăn gửi cho họ hàng đem về, giờ ăn xong thì bên dịch vụ dọn sạch sẽ.
Về sau, tôi đặt thêm các phần thức ăn gửi về, gồm xôi và thịt theo ý muốn của mẹ chồng thì bà không phàn nàn nữa. Tất nhiên, thuê dịch vụ sẽ tốn kém hơn nên vợ chồng tôi sẽ bù thêm phần chi phí phát sinh. Vài năm gần đây, việc giỗ chạp của nhà chồng tôi được làm gọn nhẹ lại chứ không bày biện nhiều như trước.
Đến tết, thấy tôi đi chơi bình thường nhiều bà con họ hàng ngạc nhiên vì mọi người đều biết nhà chồng tôi cúng cỗ 3 lần một ngày. Năm đầu tiên về làm dâu, tôi còn lúng túng vì cả ngày xoay xở trong bếp vẫn không kịp để chuẩn bị mâm cúng.
Làm dâu trưởng phải xác định rõ trách nhiệm, và phải có kỹ năng tốt, để tinh thần thoải mái (Ảnh minh họa) |
Đến năm thứ hai, tôi đã rút kinh nghiệm và sắm ngay một chiếc tủ đông loại lớn. Thực phẩm được sơ chế sẵn, đóng gói theo bữa và chỉ cần đem rã đông rồi nấu. Tôi chỉ mất vài chục phút để chuẩn bị một mâm cơm cúng gồm 3 món canh, xào, mặn theo truyền thống nhà chồng. Việc dọn dẹp nhà cửa trước tết, tôi đều thuê dịch vụ làm, các loại thực phẩm sơ chế hoặc nấu sẵn được giao tận nhà, nên mọi việc trở nên đơn giản.
Tôi làm việc đến chiều 28 tết mới nghỉ, nhưng việc nhà vẫn trôi chảy, đâu vào đấy. Tất nhiên, tôi cũng phải mất một thời gian thuyết phục cha mẹ chồng. Ông bà phàn nàn thì tôi bày tỏ rõ quan điểm: đã giao việc cho con thì để con làm theo cách của mình, miễn sao kết quả tốt là được.
Rất may, cha mẹ chồng tôi dễ tính, chứ nhiều người khó tính vẫn cho rằng phải tự tay làm mới hiếu thảo, trân trọng người đã khuất. Món ăn nhà mua nguyên liệu và tự nấu mới ngon, mới đảm bảo vệ sinh…
Tôi nghĩ, chính sự cả nể, gồng mình để làm theo lối cũ khiến nhiều nàng dâu khổ sở vì “núi việc” nhà chồng. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy phải xác định rõ trách nhiệm để tinh thần thoải mái. Có khi sự bận rộn, tốn kém không làm bản thân mệt mỏi bằng ức chế trong lòng.
Hồ Nga
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/gio-chap-co-nhieu-co-nao-dau-truong-cung-nhan-tenh-a1484657.html” name=””]