Niềm vui năm mới không nhất thiết phải xuất phát từ việc mua sắm đồ mới.
Thời điểm năm mới cận kề, mọi người thường nô nức đi mua sắm quần áo mới để diện vào dịp lễ. Cô Lam, chủ doanh nghiệp Bamboo Straw Girl tại Singapore cho biết: “Thời xưa mọi người không có điều kiện mua quần áo thường xuyên. Vì vậy, khi điều kiện sống tốt hơn, họ cố gắng mua nhưng mua đồ thật chất lượng để có thể diện được suốt năm”.
Tuy nhiên, việc mua sắm quần áo vào các dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán dần trở thành một hoạt động có phần mất kiểm soát. Không ít người mua đồ một cách ngẫu hứng, rồi nhanh chóng bỏ xó khi mới sử dụng được một lần.
Thời trang là một trong các ngành có lượng khí thải nhà kính cao nhất thế giới. Lượng nước trung bình để sản xuất 1 chiếc áo phông là 2700 lít và 1 chiếc quần bò là 6900 lít. Do đó, việc mua sắm ồ ạt và không cần thiết gây ra áp lực lên khí hậu và môi trường.
Tin vui là thế hệ trẻ ngày nay đã nhận thức được tác động tiêu cực của thời trang đến môi trường và bắt đầu áp dụng các xu hướng mua sắm bền vững.
Tại Singapore, một nhóm bạn trẻ bắt đầu áp dụng các cách đón Tết thân thiện với môi trường. Thay vì sắm sửa quần áo mới, họ chọn mua đồ secondhand và tái sử dụng vải để làm bao lì xì.
Chan Kah Mun, một phụ nữ 24 tuổi cho biết cô đã không mua quần áo mới để mặc vào dịp Tết Nguyên đán trong vài năm qua. Cô đã chọn những bộ đồ secondhand mới mua trong vài tuần trước đó để mặc trong dịp lễ. “Nhiều người coi đồ secondhand là đồ cũ, nhưng với tôi nó vẫn giống như đồ mới” – Chan nói.
Mẹ Chan phản ứng gay gắt khi lần đầu tiên thấy con mặc quần áo cũ. Bà quan ngại về chất lượng của trang phục vì không biết chủ nhân trước đó của chúng là ai, và bộ quần áo đó đã lưu lạc qua những đâu. Sau một thời gian chứng minh rằng những bộ quần áo này hoàn toàn sạch sẽ và có chất lượng tốt, mẹ Chan bắt đầu chấp nhận việc con mặc quần áo cũ.
Tại Singapore, đồ secondhand có thể được trao đổi thông qua nhiều cách khác nhau. Ví dụ các cửa hàng bán đồ secondhand với giá trung bình khoảng 4 đô Sing (khoảng 71 nghìn đồng) cho mỗi chiếc. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhóm Telegram được thành lập và mọi người bắt đầu trao đổi quần áo đã sử dụng của mình với bạn bè trên các nhóm này.
Mua sắm có ý thức hơn
Chan cho biết: “Tôi không mua hàng online quá nhiều mà cố gắng đi mua hàng trực tiếp thường xuyên hơn. Hoạt động giao hàng tạo ra lượng khí thải khủng khiếp”. Hiện cô đang đóng vai trò là nhà sáng tạo tại studio How Light Falls.
Studio này sẽ trích một phần tiền để quyên góp cho các hoạt động, phong trào về bình đẳng giới, công bằng xã hội và hành động vì khí hậu.
Bà Jen Teo, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Singapore Environment Council, cho biết, hội đồng quan sát thấy nhiều người mua quần áo từ các cửa hàng đồ cũ và quyên góp quần áo cũ của họ cho tổ chức từ thiện thay vì vứt bỏ chúng. Nhóm ủng hộ môi trường xanh ZeroWasteSg cũng nhận ra việc tiêu dùng có ý thức trong dịp Tết Nguyên đán đang tăng trưởng trong những năm gần đây.
Để chạy theo xu hướng bền vững với môi trường, các cửa hàng đã sáng tạo ra nhiều chiến dịch đổi trả quần áo cũ. Ví dụ cửa hàng thời trang Swapaholic cho phép khách hàng đổi quần áo cũ của họ lấy quần áo cũ do khách hàng khác mang đến. Sau đó, họ được tích một số điểm nhất định dựa trên món đồ mà họ đã đổi và có thể sử dụng số điểm của mình để đổi sang những quần áo đã qua sử dụng khác tại cửa hàng.
Trong tháng cận Tết Nguyên đán, số lượng khách hàng đến Swapaholic tăng khoảng 30% và doanh số của cửa hàng tăng 16%.
Một số biện pháp giảm thiểu rác thải khác
Bên cạnh việc không mua quần áo mới, Chan còn tái chế rác thải bao bì từ những năm trước, như sử dụng hộp bánh trung thu cũ để đựng đồ trang điểm.
Tương tự, cô Lam cùng gia đình đã duy trì thói quen sử dụng e-hongbao (tặng tiền lì xì online) và bao lì xì tái chế từ vải trong vài năm qua. Bên cạnh đó, cô cũng dùng những chiếc hộp có thể tái sử dụng để đựng thực phẩm tươi sống và nguyên liệu khi đi chợ.
Tuy nhiên, cô nhấn mạnh rằng, bền vững không nằm ở việc mua đồ secondhand hay sử dụng bao lì xì bằng vải. Thay vào đó, bền vững liên quan đến cách bạn sử dụng đồ đạc và phương pháp tránh lãng phí.
Ví dụ, nếu một người được tặng nhiều bao lì xì từ các công ty tiếp thị, anh ta nên sử dụng bao được tăng thay vì mua bao mới. Nếu mua quần áo mới, hãy chắc chắn bạn có thể mặc nó lâu dài được. Điều này không chỉ có lợi cho môi trường mà còn cho chính bản thân bạn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/gioi-tre-singapore-don-tet-chuan-xanh-tu-quan-ao-da-qua-su-dung-den-bao-li-xi-lam-bang-vai-tai-che-20230123131530458.chn” name=””]