Nhắc đến anh Bùi Nhựt Minh (sinh năm 1992, ở xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) hàng xóm đều thở dài “tội quá, thương nó quá”.
Vợ chồng bên nhau, bên con – một thời để nhớ của anh Minh |
Trước đây, anh Minh làm việc ở Phú Quốc. Anh và vợ là chị Nguyễn Thị Sang (sinh năm 1995) đều là nhân viên của một khách sạn lớn. Chủ khách sạn cho anh chị mượn một căn nhà ở thị trấn Dương Đông (Phú Quốc). Sáng, vợ chồng chở nhau đi ăn, uống cà phê rồi cùng vào ca làm. Tối, anh Minh lại chở vợ ra biển hóng mát. Thỉnh thoảng, vợ chồng cũng giận hờn, nhưng anh Minh hài hước chọc vợ là căn nhà lại ăm ắp tiếng cười. Niềm vui của vợ chồng nhân đôi khi con gái chào đời vào năm 2018. Vợ chồng trẻ bận bịu vừa đi làm, vừa chăm con, “cực mà vui lắm” – anh Minh nói.
Giữa năm 2020, mẹ anh Minh bệnh, ba người con đều ở xa. Vì vậy, anh Minh quyết định đưa vợ con về quê báo hiếu.
Những ngày đầu về quê anh Minh chưa xin được việc nên cuộc sống khá bấp bênh. Anh mua chiếc xe ba gác máy chở hàng thuê. Công việc quá vất vả với một người xưa nay chỉ làm việc ở phòng máy lạnh. Ngày ngày, anh ra ruộng, ra chợ, xuống bến sông bốc dỡ hàng nặng nhọc. Khó khăn, nhưng vợ chồng luôn động viên nhau “ráng một thời gian nữa sẽ ổn”.
Tháng 8/2020, chị Sang xin được việc tại Công ty Bảo vệ thực vật. Công việc, thu nhập của chị ổn định. Anh Minh cũng đã quen với công việc mới và rất đắt mối. Vợ chồng tràn đầy niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp.
Vậy mà, chỉ ba tháng sau, một buổi tối chị Sang than đau đầu nhiều. Anh Minh chở vợ nhập viện. Nằm hai ngày, anh thấy vợ càng nặng, lơ mơ, mất ý thức nên xin chuyển sang bệnh viện đa khoa tỉnh, rồi lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Ngày 12/12/2020, Facebook của anh Minh nhắc lại kỷ niệm một năm anh đưa vợ đi máy bay lần đầu (từ Phú Quốc du lịch TPHCM), cũng chính là ngày anh đồng hành với chị trong hành trình cuối cùng: từ Bệnh viện Chợ Rẫy về quê.
Chị Sang mất khi mới 25 tuổi, con gái mới hai tuổi. “Giờ tôi không nhớ những ngày đó tôi đã vượt qua như thế nào. Quá nhanh, quá đột ngột, đến nỗi tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra” – anh Minh nói.
Người ta chỉ thấy anh đứng chết lặng bên linh cữu vợ, gương mặt không bộc lộ nổi bất kỳ cảm xúc nào. Ngày đưa tang vợ, trong khi tất cả những người dự đều giàn giụa nước mắt khi nhìn di ảnh có nụ cười xinh đẹp của cô gái đương xuân. Anh Minh trong bộ khăn xô trắng bồng con gái nhỏ lê từng bước chân vô hồn, không rơi nước mắt. Thế nhưng, khi còn lại một mình, anh gục đầu lên mộ vợ, đôi vai run bần bật, tiếng nấc uất nghẹn như xé cả tâm can. Tối, ôm con vào lòng, con gái thỏ thẻ: “Ba ơi, sao tối mà mẹ không vào nhà?”. Sau câu hỏi ngây ngô của con, hai cha con ôm nhau khóc. Những ngày tháng đó, anh tựa vào con, tựa vào công việc và lấy con gái làm động lực để vượt qua nỗi đau quá lớn.
Điểm tựa của anh Bùi Nhựt Minh là con gái Sushi |
Hai năm sau, anh Minh cũng dần trở lại cuộc sống bình thường. Anh chia sẻ: “Mới đây, tôi đi Phú Quốc, vừa mới xuống bến tàu ở Rạch Giá, không hiểu sao nước mắt lại trào ra”. Bởi đó, bến tàu là nơi in dấu bao kỷ niệm của vợ chồng.
Về khách sạn cũ, đi ngang căn nhà cũ anh Minh cũng khóc. Hình ảnh vợ chồng anh ngồi ăn cơm, chiều vợ bồng con ra cửa ngóng chồng về vẫn như mới hôm qua. Anh xách xe chạy một vòng Phú Quốc, cung đường nào anh cũng bắt gặp hình bóng của vợ.
Là người sống nặng tình, có lẽ còn rất lâu, hoặc sẽ chẳng bao giờ nỗi đau mất vợ mất đi, nhưng anh Minh biết mình phải bước tiếp, phải đứng vững, phải lạc quan, bởi anh còn phải tròn trách nhiệm làm cha với cô con gái nhỏ, và làm con với cha mẹ già.
Thỉnh thoảng anh cũng lai rai với bạn bè sau một ngày làm việc. Nhưng hình ảnh quen thuộc nhất của anh là: ăn cơm với cha mẹ. Cuối tuần, anh Minh về nhà thật sớm, tắm cho con, diện đồ đẹp cho bé, cột tóc cho con và chở con đi ăn, đi chơi. Cha con vừa đi vừa hát vang như để “mẹ biết cha con mình vui, chắc mẹ cũng vui”.
Thuỳ Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/giot-le-dan-ong-nho-vo-nuoc-mat-lai-trao-ra-a1474112.html” name=””]