Các khu vườn trên mái không chỉ giúp giữ một lượng nước mưa đáng kể, tránh gây ngập úng đô thị mà còn chống nóng và thông gió cho toàn bộ ngôi nhà, hạn chế tiêu tốn điện năng.
Khi lối sống đô thị trở nên ăn sâu vào cuộc sống xã hội và công việc, nhiều người bắt đầu quên đi nhu cầu cần được tiếp cận với không gian xanh. Và ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy các thành phố xanh hơn sẽ tạo nên những thành phố khỏe mạnh hơn. Vì vậy, việc tạo không gian để phát triển đa dạng sinh học với mỗi ngôi nhà là rất quan trọng.
Do đó mới đây lãnh đạo một thành phố Basel ở phía tây Thụy Sĩ, đã yêu cầu các tòa nhà phải “xanh hóa” không gian tầng thượng, bổ sung các mảng không gian xanh để giúp giảm độ ẩm và làm mát các tòa nhà nhanh hơn trong những tháng hè.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc chống nóng, nhiều năm gần đây tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đã khiến chính quyền và người dân không khỏi đau đầu. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng việc này có thể được giải quyết đơn giản và hiệu quả bằng cách giải pháp tạo vườn trên mái, nó không chỉ giúp làm mát ngôi nhà mà còn là nơi giữ được một phần nước mưa, giảm thiểu tình trạng ngập úng đô thị.
Công trình mang tên SKB, thuộc kiểu nhà nông thôn trong thành phố Hội An (Quảng Nam), mái được làm bằng cỏ Cogon, mang một phong cách độc đáo thân thiện với môi trường cũng dựa trên những tiêu chí trên.
Diện tích xây dựng của ngôi nhà là 198m2 gồm 3 khu chính: Khu văn phòng, Khu phòng khách và Khu phòng riêng. Khu phòng khách liên kết trực tiếp với một quầy bar nhỏ, nơi có thể linh hoạt biến thành khu vực đào tạo nhân viên.
Quầy bar và phòng làm việc được ngăn cách bằng khoảng thông tầng trồng cây xanh, các bức vách làm bằng kính giúp cho ánh sáng lọt xuống từ khoảng thông tầng tràn vào các phòng, giúp hạn chế sử dụng điện năng thắp sáng. Đồng thời nhờ các dây leo rủ xuống cửa kính từ tầng 2, con người sẽ có cảm giác gần gũi với thiên nhiên, tinh thần sảng khoái hơn để có năng lượng làm việc.
Ngôi nhà hạn chế các bức tường bê tông nhiều nhất có thể, nội thất ưu tiên sử dụng gỗ để thân thiện và phù hợp với mái cỏ trên tầng 2.
Vách nhà hầu hết làm bằng kính, cửa gỗ lớn để không khí và ánh sáng tràn đến mọi ngóc ngách của ngôi nhà.
Nhà vệ sinh cũng thiết kế rèm trúc để hạn chế sự bí bách mà vẫn đảm bảo được sự riêng tư.
Tầng 2 có không gian mở ra sân vườn, là nơi vui chơi của lũ trẻ và tổ chức tiệc BBQ vào cuối tuần. Lấy cảm hứng từ những ngôi nhà nông thôn truyền thống 3 gian mái thái lợp bằng cỏ cogon hoàn toàn thân thiện với môi trường, chống nóng, dễ xây dựng, giá cả hợp lý và hoàn toàn ấm cúng.
Nhìn từ trên cao, phần mái của ngôi nhà được bao phủ bởi 30% cỏ cogon (một loại cỏ địa phương mọc hoang khắp mọi ngóc ngách ven biển Việt Nam). 70% diện tích còn lại trồng đầy đủ các loại cây xanh: rau, cây ăn quả nhiệt đới, hoa và thảm cỏ Nhật Bản.
Vào mùa mưa, một phần nước mưa sẽ được khu vườn trên tầng 2 giữ lại, phần còn lại sẽ được tưới xuống cây xanh trên mặt đất. Vào mùa hè, cây cối xung quanh ngôi nhà sẽ hoạt động như một máy điều hòa không khí tự nhiên.
Nhược điểm duy nhất của mái cỏ cogon là thời gian sử dụng không được lâu (từ 8 đến 10 năm). Vì vậy, các kiến trúc sư thiết kế một lớp hỗ trợ bê tông bên dưới. Vì vậy sự kết hợp giữa cỏ cogon + mái bê tông là giải pháp hữu hiệu nhất trong cả mùa mưa bão và chống nóng mùa hè.
Tán cây và sân vườn trước lầu, nơi gia chủ có thể vừa đọc sách vừa làm vườn. Đây là không gian hoàn hảo để dành thời gian cho gia đình. “Tôi rất ấn tượng với ngôi nhà, nó đưa tôi trở lại thời thơ ấu của mình, tôi cảm thấy không có ranh giới giữa trong nhà và ngoài trời”, chủ nhà cho biết.
[yeni-source src=”https://tienphong.vn/giua-mua-dich-gia-chu-lam-vuon-trong-rau-tren-mai-nha-post1364351.tpo” alt_src=”” name=””]