Điều điện ảnh Việt đang thiếu và cần khắc phục là những bộ phim với dàn nhân vật đa chiều, có cả mặt xấu và mặt tốt.
Dù Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới nhưng ở nước ta vẫn tồn tại nhiều khuôn mẫu giới cũng như định kiến giới. Trong đó, có thể thấy điện ảnh cũng là một trong những lĩnh vực xuất hiện nhiều khuôn mẫu giới.
Phim Việt vẫn nặng khuôn mẫu giới
Từ những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam cho đến hôm nay, hầu hết các tác phẩm thành công đều có nhân vật trung tâm là phụ nữ. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam khi lấy phụ nữ làm chủ đề chính mới thể hiện được ý thức phái tính, còn tiếng nói nữ quyền, phá bỏ khuôn mẫu giới, cổ vũ bình đẳng giới hầu như chưa định hình.
Hình tượng người phụ nữ trong các bộ phim thường buồn. Các nhân vật nữ thường là những người hiền hậu, chịu thương chịu khó, đảm đang… nhưng bản thân họ cam chịu, nhịn nhục, bị hành hạ cả về thể xác lẫn nhân phẩm như trong Áo lụa Hà Đông (Lưu Huỳnh) hay chỉ biết tìm về quá khứ bom rơi đạn nổ mà thấy sung sướng hơn sống trong cảnh thanh bình như Người đàn bà mộng du (Nguyễn Thanh Vân), hoặc cố nén lòng để cho hạnh phúc trôi đi như Chuyện của Pao (Ngô Quang Hải)…
Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng 10”
Có thể kể ra một loạt bộ phim điện ảnh được sản xuất trong những năm 2000 trở lại đây như: Đời cát, Trái tim bé bỏng (Nguyễn Thanh Vân), Mê thảo thời vang bóng (Việt Linh), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình)…; không chỉ dòng phim tài trợ hay phim nghệ thuật mà ngay cả các bộ phim giải trí “ăn khách” như Gái nhảy, Lọ lem hè phố (Lê Hoàng), Những cô gái chân dài (Vũ Ngọc Đãng), Vũ điệu tử thần (Bùi Tuấn Dũng), Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn), Sài Gòn nhật thực (Othello Khánh)… vẫn hiển hiện hay thấp thoáng và nối dài thêm “danh sách” những số phận người phụ nữ buồn của điện ảnh Việt.
Những dấu hiệu chuyển biến
Phải đến thời gian gần đây, hình ảnh người phụ nữ Việt trong phim mới thực sự “lột xác”. Phụ nữ đã không còn lép vế sau đàn ông mà trở thành những người có vị trí quan trọng trong xã hội. Điển hình là những cô gái giỏi giang trong Bạn gái tôi là sếp (2017), Chị trợ lý của anh (2019)… Nếu phụ nữ xưa luôn ở thế bị động thì phụ nữ ngày nay đã khác, chủ động hơn, mạnh dạn hơn như nhân vật nữ trong các bộ phim: Em chưa 18 (2017), Chàng vợ của em (2018), Vu quy đại náo (2019), Cua lại vợ bầu (2019)...
Bên cạnh đó, những bộ phim như Mẹ chồng (2017) lấy bối cảnh những năm 50, Cô Ba Sài Gòn (2017) bối cảnh những năm 60 cũng toát lên được câu chuyện nữ quyền. Gần đây là phim điện ảnh 1990 có diễn viên chính là Nhã Phương, Lan Ngọc và Diễm My. Họ đóng vai nhóm bạn thân tuổi 30 đầy chênh vênh trong hôn nhân, tình yêu, sự nghiệp. Phụ nữ tuổi 30 ngày nay có lối sống hiện đại, biết chăm sóc bản thân và chăm chút vẻ ngoài chứ không còn nhắm mắt hy sinh tất cả cho gia đình hay người khác. Cả 3 nhân vật Linh Lan, Jessica Diễm và Nhã Ca đều là những phụ nữ điển hình, có thể dễ dàng tìm thấy trong đời sống.
Xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi những tư tưởng, lối sống văn minh hơn, đặc biệt là trong những quan niệm về giới. Trong đó, khuôn mẫu/định kiến giới luôn là một vấn đề nan giải cần được giải quyết cả trong nghệ thuật và xã hội. Sau năm 2010, khi trục điện ảnh bắt đầu xoay chiều sang hướng giải trí, khuôn mẫu giới trong điện ảnh thay đổi tích cực hơn cho nữ giới nhưng lại vô tình xây dựng hình tượng nam giới ngày càng tiêu cực. Màu sắc về nữ giới trong nhiều phim có sự thay đổi nhưng lại có phần quá lố khi khắc họa người nữ hoặc người nam với cách nhìn mới, thể hiện qua những phim “Chị chị em em”, “Em chưa 18” hay “Hai Phượng”, “Gái già lắm chiêu V”… Điểm chung giữa những tác phẩm này là nhân vật nữ đóng vai trò chính, dẫn dắt và làm chủ cả bộ phim. Ngược lại, nhân vật nam lại bị xây dựng tồi tệ, xấu xa hoặc vô dụng.
Việc hạ thấp các nhân vật nam trong phim không phải là cách kêu gọi bình đẳng giới đúng đắn và hiệu quả, lại càng không phải là phương cách gỡ bỏ những định kiến giới cho phụ nữ Việt. Dường như mọi người, mà ở đây là các nhà làm phim, đang cố gắng trở nên tiến bộ một cách sai lệch. Điều điện ảnh Việt đang thiếu và cần khắc phục là những bộ phim với dàn nhân vật đa chiều, có cả mặt xấu và mặt tốt.
Việc ít nhiều hướng trọng tâm đặc biệt vào phụ nữ, coi họ là những đối tượng đương đầu với sự bất bình đẳng giới là rất cần thiết, bởi vì họ là những người đã và đang bị phụ thuộc vào chế độ gia trưởng. Nhưng phải nhận ra rằng chúng ta cũng cần tập trung vào nam giới và vấn đề nam tính. Cả nam giới và phụ nữ phải thay đổi nếu muốn các mối quan hệ về giới trở nên công bằng và thích đáng hơn.
Đôi điều kiến nghị sửa đổi Luật Điện ảnh
Vấn đề bình đẳng giới được đề cập trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi một cách “khiêm tốn” tại khoản 1 điều 11: “Nghiêm cấm các hoạt động điện ảnh có nội dung vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định cụ thể hơn: “Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao bao gồm: … b) Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới” (khoản 6 điều 40). Thiết nghĩ, Luật điện ảnh sửa đổi nên quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề bình đẳng giới để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này có ý thức và nhận thức sâu sắc hơn, từ đó áp dụng cụ thể vào các tác phẩm điện ảnh.
Ngoài ra, cần có thêm quy định về việc ưu tiên các nhà làm phim nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam theo như khoản 1 điều 19 Luật Bình đẳng giới năm 2006. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự thảo Luật điện ảnh cần được thực hiện nghiêm túc, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/gop-y-du-thao-luat-dien-anh-sua-doi-can-quy-dinh-cu-the-hon-ve-van-de-binh-dang-gioi-20220607104333384.chn” name=””]