Khi rất nhiều ngôi sao mải mê chinh phục những cột mốc này, giải thưởng kia trong sự nghiệp thì suốt 32 năm đi hát, Hà Trần cứ đủng đỉnh dạo chỗ này một chút, chỗ kia một chút và ngó nghiêng xem có gì đặc biệt đang diễn ra.
Hà Trần luôn giữ tâm thế của một người quan sát. Trong sự nghiệp đã thế, trong đời sống càng như thế. Ở chị, có thể cảm nhận được “nghệ sĩ tính” rất mạnh. Hay nói đúng hơn là “mã gen” của gia đình đã được truyền sang chị trọn vẹn. Hành trình ca hát của Hà Trần dường như chỉ để trả lời cho câu hỏi lớn: “Mình muốn gì?” và “Mình có thể làm được gì?”. Cái gì thực sự muốn, thực sự thích, chị mới làm, không thì chẳng ai bắt ép được, cũng chẳng phải cố để chạy theo.
Với ca hát nói riêng và nghệ thuật nói chung, Hà Trần luôn là đứa trẻ đầy háo hức trước những điều mới mẻ, lạ lẫm. Quan trọng hơn, đứa trẻ ấy không để bị trói buộc trong bất kỳ định danh hay giới hạn nào. Từ buổi đầu chập chững với album Đánh thức tầm xuân hát cùng Bằng Kiều hay album đầu tay Em về tinh khôi cho đến thời hát Nhật thực của Ngọc Đại, Hà Trần luôn khiến người nghe bất ngờ mỗi khi xuất hiện. Giai đoạn sau này, dẫu là khi hát jazz, trở lại pop với 2 album của Đỗ Bảo và thử sức ở nhiều chất liệu nhạc khác mà dấu ấn đậm nét nhất phải kể đến Bản nguyên hay album mới nhất – Những con sông ngón tay, giọng hát Hà Trần vẫn đầy mị lực và đậm tính hiện sinh. Đó là sự pha trộn giữa những lời tình tự của một người nhiều trải nghiệm mà không kẻ cả; thái độ cởi mở của một trái tim trước những điều mới lạ, đẹp đẽ và sự rung cảm đặc biệt của một nghệ sĩ. Có lẽ không quá khi viết, mỗi lần xuất hiện, Hà Trần đều mang đến sự “tinh khôi” cho nhạc Việt đương đại.
Dẫu có rất nhiều dấu ấn, mỗi chặng đường, mỗi màu sắc rất đáng để tổng kết, để nhìn lại thì khi cần kết, Hà Trần lại… biến đâu mất. Hóa ra chị còn bận đi ngó nghiêng thế giới kỳ diệu ngoài kia, mở lòng thu nhận rồi tiếp tục hun đúc, sáng tạo. Hà Trần như một người gieo hạt cần mẫn chăm bón, niềm vui là thấy cây trưởng thành mỗi ngày chứ chẳng đợi ngày hái quả. Đến lúc hoa trái đơm đầy cành thì người gieo hạt ấy đang mướt mồ hôi trên một luống cày khác. |
Hà nói, Thiên hà tinh khôi – live show đầu tiên chị tự làm mừng sinh nhật tuổi 48 – là dịp để chị nhìn lại và tri ân thính giả. Đồng thời, có thể chị sẽ bước sang hành trình tiếp theo, bên cạnh âm nhạc. Có thể là thơ, là hội họa, là viết lách hay sáng tác… hoặc là gì đó mà chính chị cũng chưa biết được. Hóa ra, “tổng kết” với Hà là có thể bước sang một lãnh địa khác, là tiếp tục học từ những điều mình làm. Chị khiêm tốn thừa nhận, bản thân là người học trò, học mãi, đi mãi chẳng thấy hết những điều muốn học.
Bài phỏng vấn này được thực hiện trước khi có thông báo tạm hoãn live show của Hà Trần. Theo chia sẻ của chị và ê kíp, đây là quyết định chẳng đặng đừng vì “nhà sản xuất không còn đủ năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu mang đến một live concert tầm vóc như mong đợi của nghệ sĩ, khán giả và bản thân chị”. Một cơn bão thông tin ập đến như vết dầu loang trên mặt nước, rằng: “Hà Trần không phải quá nổi tiếng”, rằng “dù Hà có là diva thì xu hướng âm nhạc hiện đã thay đổi”, rằng “Hà không tự lượng sức”…
Với người chị thân thiết trong nghề – Nghệ sĩ nhân dân Thanh Lam |
Tôi không cho là vậy. Hà là người quan sát nhưng không tách biệt, thong dong nhưng cũng đầy kỷ luật và cầu toàn. Hà đã đợi 32 năm mới tự làm live show, để được như ý nguyện thì niềm háo hức ấy lớn đến độ chỉ mong “hát” lên để cùng chia sẻ. Tuy nhiên, một nghệ sĩ trân quý thính giả sẽ luôn khước từ sự qua loa, đại khái.
“Tôi thích vai trò người quan sát”
Phóng viên: Hơn 3 thập niên đi hát, từng thực hiện không ít đêm nhạc quy mô khác nhau nhưng phải đến thời điểm này, chị mới quyết định làm live show riêng. Là vì bây giờ chị mới sẵn sàng hay vì đây mới là thời điểm chị thấy bản thân đang ở độ “chín” nhất?
Ca sĩ Trần Thu Hà: Cái duyên nó đến lúc nào thôi. Live show lần này tôi không biết liệu có được “thiên thời” hay không nhưng chắc chắn “địa lợi, nhân hòa” là có. Chẳng bao giờ có thể tụ họp đủ đầy những con người này trong cùng một thời điểm để sáng tạo và ca hát cùng nhau. Chỉ nhìn dàn khách mời, tôi đã cảm thấy phấn chấn, tích cực, tràn đầy niềm vui; chưa kể đến đội ngũ sản xuất đằng sau nữa.
Cùng các ca sĩ trẻ |
* Ở những quãng đường khác nhau của sự nghiệp và cả trong đời sống, có lúc nào, dẫu chỉ là khoảnh khắc, chị nhìn ra các đồng nghiệp, chứng kiến sự thăng hoa và thành tựu của họ rồi bất chợt so sánh?
– Nếu so sánh, hẳn tôi đã cố gắng làm gì đó giống thế, đầy đủ tích ô các cột mốc, tiêu chuẩn, mục tiêu… của ngôi sao. Nhưng tôi đã không “vận hành” như vậy từ trẻ. Tôi dành nhiều quan sát và quan tâm đến những cá nhân/nghệ sĩ làm được điều người khác không làm được, tạo chuẩn mực mới và thành tựu riêng mà không lệ thuộc vào quy chuẩn chung. Rất nhiều người trong số họ xuất thân từ mảng indie. Tôi trân trọng những đồng nghiệp dày thành tựu, nhiều thành tích nhưng tôi có sân chơi của tôi.
* Nhạc sĩ Trần Tiến từng chia sẻ về trải nghiệm và sự “vất vả” khi theo nghề, sau đó là vượt qua cái tên lớn của anh mình – Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu. Hẳn chị cũng có những trải nghiệm và nỗi vất vả tương tự, thậm chí là gấp nhiều lần như thế?
– Sao tôi lại không cảm thấy như thế nhỉ? Có lẽ đây là điểm khác nhau giữa các thế hệ và thời đại chăng? Tôi cảm thấy con nhà nòi đã là một xuất phát điểm ưu thế hơn bạn bè cùng trang lứa nên tôi ít hỏi, ít nhờ chú và ba để tìm hiểu xem tôi là ai đã. Với những cái “thừa kế” sẵn trong mã gen, bạn cần thời gian cho bản thân tự biết sẽ mọc trổ gì từ đó.
Đối với thế hệ tiếp nối, kế cận trong gia đình, tôi quan sát, nói chuyện xem bọn trẻ muốn gì; gợi ý, chia sẻ thông tin nhưng không can thiệp, không đẩy. Trừ phi tụi nhỏ hỏi ý kiến hoặc nhờ, tôi mới vào cuộc. Có nghĩa là với các thế hệ khác nhau trong gia đình, tôi đứng vai trò người quan sát kế thừa nhưng không đi theo người lớn và không gò ép người trẻ.
Một gia đình nghệ sĩ trước hết là cái nôi của tự do trong suy nghĩ, tự do sáng tạo, tự do biểu hiện nhân cách. Mình bước chân ra xã hội là đã có biết bao quy luật và thỏa hiệp phải dung hòa rồi.
Công thức của đặc biệt bắt đầu từ những nguyên liệu bình thường
* Ca hát, với chị, sau chừng ấy năm, là nghề nghiệp, là phương tiện biểu đạt bản thân hay còn chứa đựng những ý niệm nào khác?
– Ca hát giống như tấm thảm thần kỳ của thần đèn. Nó đưa tôi chu du thế giới và mở cửa nhiều thế giới khác. Sau 30 năm, tôi thấy mừng vì tuổi 18, ở ngưỡng bản lề cần quyết định nghề nghiệp, dù lúc đó ngay cả gia đình vẫn bán tín bán nghi khả năng thành công thì tôi đã quyết định… học tiếp nghề hát thay vì thi đại học báo chí hay viết văn.
* Khi ta làm một công việc nào đó quen thuộc và thành thạo, mọi thứ sẽ vào nếp, vì thế mà bớt đi sự bất ngờ, sự háo hức. Chị có bao giờ thấy chán mình trên sân khấu, chán giọng hát của bản thân? Những lúc như thế, chị thường làm gì để “ngoi” lên?
– Tôi thường chỉ chán môi trường tôi đang làm việc nếu môi trường đó không đòi hỏi gì thêm, không muốn gì khác, không thách thức tôi. Những lúc ấy, tôi sẽ lặn vào đời sống cá nhân hoặc di chuyển đến một chỗ khác tìm đội nhóm mới hoặc khai thác những khía cạnh khác của nghề. Tôi lên sân khấu mà không muốn hát, khán giả biết ngay. Khi đó, tôi rất đơ.
* Khoảng thời gian rời Việt Nam có phải là khoảng lặng cần thiết để chị nhìn lại chặng đường đã qua và bước tiếp? Ở sự lựa chọn này, tôi thấy dường như Hà Trần cũng là một phụ nữ, một bà mẹ Việt Nam rất truyền thống – sẵn sàng tạm gác sự nghiệp vì tương lai của con, của gia đình…
– Đó là những đoạn nạp năng lượng cân bằng giữa danh tiếng và vô danh, giữa người đặc biệt và người thường. Nếu ở Việt Nam để toàn thời gian làm người nổi tiếng chắc tôi sớm quắt queo như quả táo tàu. Nhiều người không hiểu công thức của sự đặc biệt thường bắt đầu từ những nguyên liệu bình thường.
* Không chỉ là nghệ sĩ trình diễn, chị còn viết nhạc, làm thơ, vẽ vời… Ở mỗi thực hành đó phải chăng là một bản thể Hà Trần khác nhau? Và việc tái khám phá bản thân trong những thực hành nghệ thuật đó mang đến cho chị những sự bất ngờ nào?
– Sự đa năng hoặc dùng đa phương tiện của nghệ sĩ là bình thường, là thuận. Như cụ Văn Cao chẳng hạn – cầm kỳ thi họa, sáng tác nhạc đủ cả mà cái gì cũng hay, cũng sắc sảo, cũng sáng chói. Tôi chỉ biết dùng một phương tiện là hơi kém. Bởi lẽ, mỗi phương tiện giúp mình hiểu giới hạn và khả năng của bản thân hơn.
“Quả nào chín thì… tự rụng thôi!”
* Làm việc và chơi cùng người trẻ có phải là một trong những cách hiệu quả để chị nuôi dưỡng và tái tạo năng lượng bản thân?
– Tôi luôn cảm thấy dễ kết nối với người trẻ hơn. Lúc tôi học phổ thông cơ sở, dì ruột của tôi là hiệu trưởng trường mẫu giáo. Trưa nào tôi cũng về ăn cơm căng tin với cán bộ, giáo viên trong trường và phụ các cô trông trẻ. Đi trại hè, tôi hay được giao nhiệm vụ quản lý. Nên làm việc với người trẻ, tôi thấy bình thường và có chút gì đó quen thuộc. Các bạn thường nói tôi có năng lượng người mẹ. Sau chương trình Ca sĩ mặt nạ đi tour với một “đám đàn em”, đứa nào cũng gọi tôi là “ngoại” hoặc “mum” (mẹ) hoặc cô (cô giáo).
Phong thái thong dong của Hà Trần, một phần đến từ tính cách, phần còn lại đến từ sự rèn luyện để không bị hào quang hay trào lưu cuốn đi. Tôi đọc rất nhiều bài trả lời phỏng vấn của Hà Trần và nhận ra, theo thời gian, chị chẳng những không “mau với chứ, vội vàng lên với chứ” (Giục giã – Xuân Diệu) mà tốc độ càng đi ngược nhịp sống công nghệ hóa. Theo thời gian, tính cách ấy còn có thêm sự minh triết, tĩnh tại của một người sẵn sàng đón nhận mọi vọng động xảy đến, kể cả những điều không như ý. Có lần, Hà từng trả lời trên tờ Tiền phong, đại ý, mọi việc xảy đến đều có lý do, kể cả điều không như ý, để mình học được một bài học nào đó, miễn là đủ cởi mở. Live show tạm hoãn, chắc chắn chị sẽ buồn. Nhưng như “những con sông ngón tay”, những-bản-thể Hà Trần vẫn sẽ đan kết vào nhau, ôm ấp, vỗ về và tiếp tục thăng hoa. |
* Không ít ca sĩ tên tuổi chọn kết hợp cùng các ca sĩ trẻ nhằm minh chứng cho sự cập nhật, sự thức thời, thậm chí là sự bao dung trong sáng tạo của họ. Chị cũng dự định mang đến những đêm nhạc các gương mặt đầy sức hút. Sự kết hợp ấy thuộc phạm trù nào?
– Hầu như mọi người tham gia với tinh thần… rủ nhau hát chung. Nói thật, có tiền tấn chưa chắc mời được những gương mặt nghệ sĩ này cùng một lúc. Họ đắt show và đều có nhiều sự lựa chọn. Chưa nói đến việc nếu họ không thích “chủ nhà” thì… có rải tiền tấn ra mời cũng khó.
* 1 album mới, trong đó có vài bài do chị viết và còn nhiều dự án chưa được “bật mí”. Tất cả sự gặp nhau này là một sự tình cờ, là đến lúc cần làm hay là điểm rơi được sắp xếp để tạo nên 1 năm rực rỡ của Hà Trần?
– Tôi không biết điểm rơi nào là đúng. Vẫn luôn như vậy. Tôi cứ trồng cây, ươm một đống quả rồi cái gì chín thì… tự nó rụng thôi. Tôi không đặt mục tiêu về 1 năm rực rỡ. Với tôi, “một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” là đủ, chỉ cần mỗi ngày ta sống kiêu hãnh là chính mình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Thư Hiên (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ha-tran-moi-viec-xay-ra-deu-mang-den-mot-bai-hoc-nao-do-a1524656.html” name=””]