Hàn Quốc sẽ sử dụng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tự phát triển, phân tích và so sánh giọng nói của tội phạm lừa đảo qua điện thoại (voice phishing) nhằm hỗ trợ Cảnh sát bắt giữ nhanh tội phạm.
Theo Đài KBS, để phổ cập việc này, trong thời gian qua, Cơ quan Pháp y quốc gia Hàn Quốc (NFS) đã sử dụng mô hình phân tích giọng nói do Nga và Anh phát triển để tiến hành công tác giám định giọng nói cần thiết cho việc điều tra tội phạm lừa đảo qua điện thoại.
Tuy nhiên, mô hình này sử dụng tiếng nước ngoài, nên mức độ chính xác với nhóm tội phạm sử dụng tiếng Hàn chỉ dừng ở mức 30%. Ngoài ra, các tổ chức tội phạm lừa đảo qua điện thoại thường phân chia theo vai trò, như người giả làm điều tra viên, người giả làm công tố viên, nhưng mô hình này chưa có chức năng phân loại những người dính líu tới hành vi phạm tội.
Ảnh minh họa.
Để khắc phục điều này, Trung tâm Phân tích dữ liệu tổng hợp của Bộ Hành chính và An toàn đã phối hợp với NFS để phát triển mô hình mới, nâng cao mức độ chính xác khi phân biệt giọng nói trong các cuộc điện thoại lừa đảo qua mạng, và phân chia nhóm những người có dính líu tới hành vi phạm tội, phân loại nhóm tội phạm…
Cơ quan Pháp y quốc gia sẽ chia sẻ mô hình mới với Cơ quan Cảnh sát quốc gia để đẩy nhanh tốc độ điều tra và bắt giữ sớm tội phạm lừa đảo qua điện thoại, đồng thời áp dụng vào toàn bộ quá trình điều tra tội phạm lừa đảo liên quan đến giọng nói, giả danh cơ quan chức năng, lừa đảo tiền đặt cọc thuê nhà…
Các file âm thanh của tội phạm lừa đảo qua điện thoại được phân tích bằng mô hình trên sẽ được đăng tải trên trang chủ của Cơ quan giám sát tài chính (FSC). Mô hình này dự kiến sẽ được giới thiệu tại nước ngoài thông qua các sự kiện quốc tế trong nửa cuối năm 2023./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/han-quoc-dung-ai-de-dieu-tra-toi-pham-lua-dao-qua-dien-thoai-20230223162652655.chn” name=””]