Họ bàn tán cô là đàn bà dại, bỏ gia đình hào môn chi cho cực thân. “Con mình còn bỏ được, đàn bà đó hết xài”…
Chồng có người mới, bạn tôi phải rời đi mà không thể mang con theo, đau khổ nào bằng (Ảnh minh hoạ) |
Tôi nhớ mãi buổi chiều muộn vài năm trước, Lan, cô bạn thân ở quê đứng trước cửa nhà tôi với chiếc ba lô cũ và dáng vẻ mệt nhọc. Tôi đã nghe chuyện Lan ly hôn. Hai người ra toà tranh chấp quyền nuôi con rất quyết liệt. Giờ gặp lại Lan trong bộ dạng xơ xác thế này, tôi biết niềm đau của bạn đã thấu đến tận cùng.
Tôi ôm chặt Lan, để mặc nước mắt bạn ướt vai áo. Tôi nói: “Mình sẽ nấu tô mì, bạn ăn rồi đi tắm, ngủ một giấc cho khoẻ. Khi nào thấy cần trải lòng thì mình sẵn sàng lắng nghe”. Lan lại rơi nước mắt…
Sau hai ngày ngủ li bì, Lan mới kể chuyện với tôi. Từ dạo lấy chồng, Lan chỉ ở nhà nội trợ. Nhà chồng giàu, nhưng cô không khác gì người giúp việc không lương. Chồng Lan có bồ, ba má chồng khuyên cô không nên ghen tuông. Đàn ông làm ăn lớn, ra ngoài phải có gái xinh cặp kè mới… đẳng cấp. Họ nói Lan ghen với hạng gái đó là hạ thấp nhân phẩm…
Lan nhẫn nhịn vì sợ uy ba má chồng. Nhẫn nhịn vì tiền sữa, tiền học của hai con cô đều phải xin chồng.
Rồi cũng tới bữa cô bồ của chồng tới nhà ghen ngược, mạt sát Lan không tiếc lời. Chồng mê người tình trẻ, đuổi Lan ra khỏi nhà. Ba má chồng thương Lan, nhưng ông bà chịu không nổi cảnh ông con trai ba ngày quậy một trận lớn, bốn ngày một trận nhỏ. Ông bà khuyên cô ly hôn cho yên nhà.
Lan sợ cảnh các con chịu cảnh mẹ ghẻ nên khi ra toà cô giành quyền nuôi con. Lan không chứng minh được khả năng kinh tế nên toà xử giao con cho nhà nội.
Ba má ruột của Lan không chấp nhận cô rời khỏi gia đình hào môn, khuyên cô nhẫn nhịn chờ chồng hồi tâm. Lúc ra toà, ông bà quyết liệt giúp cô giành quyền nuôi con.
Ba má Lan biết thông gia xem hai đứa cháu như báo vật, nên thua ở toà án địa phương thì tiếp tục ép Lan kháng án, làm đơn kiện xin đổi quyền nuôi con… Lan muốn buông xuôi nhưng ba má la mắng Lan, họ quyết thay cô tranh chấp đến cùng. Vì vậy mà Lan cô độc, chán ngán cảnh sống trong nhà ngoại.
Lan xin được việc ở công ty tư nhân. Thị xã nhỏ bé, nhiều người trong công ty biết vụ kiện tụng của cô. Họ bàn tán cô dại, bỏ gia đình hào môn chi cho cực thân. Nhịn nhục một chút rồi sau này thế nào cũng kế thừa gia sản nhà chồng…
Đau hơn, người ta nói cô lòng dạ độc ác, bỏ hai con cho nhà chồng để rảnh tay tìm tình mới. “Chẳng có người đàn bà nào lại bỏ con mình”, “Con còn bỏ được, loại đàn bà đó chỉ có theo trai”… Những câu nói sắc như dao khiến Lan nghẹt thở. Cô rời khỏi quê nhà, tìm đến tôi với hy vọng sẽ tránh được tiếng đời.
Mẹ chồng không thương, mẹ ruột cũng không ủng hộ, bạn tôi vô cùng cô đơn (Ảnh minh họa) |
Ở nhà tôi được một tuần, Lan nói muốn làm yaourt và nấu chè bán. Nhà tôi gần trường tiểu học, chiều nào cũng đông phụ huynh chờ đón con, Lan hy vọng sẽ bán được. Tôi đưa vốn cho Lan mua bán, hăng hái phụ bạn, nhưng tiền lãi mỗi ngày cũng không được bao nhiêu.
Chồng tôi nói giúp bạn phải giúp cần câu lớn hơn, chứ giúp con cá tí tẹo, bao giờ mới ổn định. Anh nói Lan nên ra ngoài thuê trọ. Anh sẽ tìm giúp công việc ở công ty của người bạn. Lan phải tự lực cánh sinh thì mới trưởng thành, mới mong tích góp cho tương lai. Khi ấy, người đời cũng sẽ nhìn Lan bằng đôi mắt khác…
Tôi giận chồng không cảm thông với bạn, nhưng nghĩ sâu xa, tôi biết chồng đúng. Lan dọn ra nhà trọ, tôi mua cho bạn từ nồi niêu tới tủ lạnh, giường ngủ.
Lan làm kế toán ở công ty bạn của chồng tôi. Thời gian sau, bạn thấy Lan chăm chỉ nên giao luôn nhiệm vụ thủ kho. Lan được tăng lương, còn được miễn phí chỗ ở.
Sau mấy năm, Lan đã tích góp mua được căn chung cư trả góp. Sắp tới, con trai lớn của Lan vào đại học, con nói sẽ lên thành phố ở với mẹ. Nhìn Lan hớn hở dọn dẹp, mua sắm, chuẩn bị đón con trai, tôi vui lây.
Sau ly hôn, để con lại nhà chồng là điều đau xót với mọi người mẹ. Nhưng đau hơn cả là những tiếng đời nghiệt ngã, khiến chị em thêm suy sụp. Đôi khi, cả người thân cũng làm ngơ. Phía trước không có đường đi, phía sau không còn đường lùi, người mẹ ấy cô đơn trong cuộc chiến hậu ly hôn.
Ly hôn không phải là chấm hết, cũng không là đường cùng, những người mẹ cần dũng cảm bước qua dư luận, dũng cảm làm lại từ đầu. Khi kinh tế vững vàng, khi đã độc lập, tự chủ… tôi tin cơ hội rồi sẽ đến với họ.
Mỹ Mỹ (Q.10, TPHCM)
Hậu ly hôn, để con cho cha nuôi con thì người mẹ là tồi tệ? Đàn ông nuôi con thì con thì chỉ toàn thiếu thốn, buồn tủi? Từ những vụ án giành con hậu ly hôn gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng “mẹ đâu con phải ở đấy”, “không thể cho con sống chung với dì ghẻ”… Mời bạn góp các ý kiến, câu chuyện quanh nội dung: “Hậu ly hôn con có nên ở với cha?”. Bài viết xin gửi về email: online@baophunu.org.vn |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hau-ly-hon-dan-ong-nuoi-con-de-con-o-voi-cha-me-bi-nem-da-khong-thuong-tiec-a1469380.html” name=””]