Khi cơm không lành canh không ngọt, Facebook trở thành nơi trút nỗi tức giận của các cô gái Việt vào những chàng trai ngoại quốc. Có rất nhiều kiểu “lên Phây bóc phốt” trai Tây.
Yêu xong rồi phá
Các hội nhóm yêu trai Tây từng là nơi hữu ích để chị em tâm sự về cú sốc văn hóa khi yêu người ngoại quốc, chia sẻ về những cú lừa, giúp vạch mặt không ít người ngoại quốc dụ dỗ bạn tình quay video gợi cảm để bán cho các trang web đen nước ngoài. Vậy nhưng một số nhóm dần bát nháo với nhiều vụ việc mà “nạn nhân” bị réo tên mỗi ngày, bị đặt điều, bêu xấu, biến thành chỗ “bóc phốt”. Những người đàn ông nước ngoài được đưa lên bàn tán, chê bai khi cô gái hết yêu.
Phốt của những ông Tây thường bị “bóc” là bắt cá nhiều tay, mắc bệnh đường tình dục. Không cần quen biết, các thành viên khác nhào vào chê ngoại hình khổ chủ bị “bóc”: “Già quá”, “Ông ngoại này người Việt thử xem có ai ngó không”, “Nhìn bần tiện quá”…
Có cô kể lể như thể tường tận chuyện ông Tây này bắt cá hai tay ra sao. Từ đó, vô số tranh cãi nổ ra giữa những cô gái tình địch. Họ vào trang Facebook của nhau soi mói từng hình ảnh rồi gửi lên hội nhóm “bóc phốt”. Muốn thắng khi cãi nhau, các cô không từ thủ đoạn nào, tiêu biểu nhất là quay sang nói xấu tình địch của người yêu cũ, coi như “ăn không được phá cho hôi”.
Cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam đã lan truyền tin tức về các hội nhóm “bốc phốt” trai Tây trên Facebook. Nhiều người ngoại quốc thử báo cáo nội dung xấu (report) với Facebook để tránh hình ảnh thông tin riêng tư của mình bị đăng công khai, nhưng hầu như không khả dụng. Có nhiều người dọa kiện các cô gái tung thông tin của mình, nhưng rồi vẫn đâu vào đó. Khi nhóm này bị report nhiều và Facebook vô hiệu hóa, thì nhóm khác mọc lên. Người dọa kiện cũng chẳng biết kiện ai, vì toàn những tài khoản vô danh tạo ra hội nhóm.
Vậy là một số người đàn ông ngoại quốc bị “bóc phốt” cũng lập hội nhóm để nói xấu phụ nữ Việt. Họ cũng đăng hình ảnh của những người con gái mình từng cặp kè rồi chê họ đào mỏ, trộm cắp… Họ dùng cách các cô gái hay làm: đăng ảnh các cô và tin nhắn cắt cúp để “chụp mũ” theo ý đồ muốn “bóc”. Sau một thời gian bị phản đối từ các cô gái Việt, hội nhóm kiểu này thường ẩn đi, chỉ hiện khi có thành viên ngoại quốc của nhóm chia sẻ.
Đến lượt bị “bóc phốt”, các cô gái đã “rén” hơn trước, sợ người nước ngoài dọa kiện, họ quay ra “bóc phốt” tình địch cũ. Những cuộc chiến này có mức độ sát thương không hề nhỏ. Nhiều cô gái không ngờ vì chuyện tình yêu lỡ dở với người ngoại quốc mà trở thành tâm điểm cho người khác lăng nhục. Nhiều dịch vụ đọc trộm tin nhắn hay hack tài khoản Facebook nhanh chóng chui vào các nhóm để quảng cáo.
Do hăng máu cãi nhau với tình địch, cả người thân của chị em cũng trở thành nạn nhân. Ví như, vì sự cự cãi của cô con gái với người yêu ngoại quốc, bỗng một ngày hình ảnh một bà mẹ nọ bị tình địch của con gái đem ra “bóc phốt”, chê bai tơi tả. Bà mẹ còn bị tình địch của con nhắn tin “mắng vốn” bằng lời lẽ thô tục.
Quản trị viên các nhóm không ngăn chặn các hành vi bắt nạt trên mạng, mà còn khuyến khích xung đột. Một số quản trị viên dùng lời lẽ thô tục đáp trả những ý kiến đóng góp, bởi vì càng nhiều cuộc cãi nhau, nhóm càng xôm tụ, họ càng dễ quảng cáo bán hàng. Dễ dàng thấy trong các bài đăng tải lời khích mua hàng như “Da xấu quá, xài sản phẩm abc này đi”, “Tôi cắt duyên chỗ này xong tôi lấy chồng ngoại ngay” hay “Đặt bàn ở bar này có nhiều trai Tây lắm”…
Hình ảnh, thông tin của người khác, các cuộc cãi cọ trở thành công cụ giúp hội nhóm tăng tương tác. Vậy nên, nhiều quản trị viên cố tình “mồi” cho thành viên cãi nhau. Các nhóm đã đông người theo dõi thì kín đáo hơn, vì nếu bị report nhiều quá sẽ “sập nhóm”, các quản trị viên mất mối làm ăn.
Các cô gái rủ nhau “bóc phốt” trai Tây |
Mạt sát nhau, coi chừng “dính” luật
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nạn nhân của việc bắt nạt trên mạng sống khốn khổ với các di chứng. Nghiên cứu của tổ chức ADL (Activities of daily living), cho thấy 23% người bị bắt nạt mắc phải chứng mất ngủ, khó khăn khi tập trung và thường xuyên cảm thấy lo sợ. Rất hiếm mạng xã hội chịu trách nhiệm với các vụ việc bắt nạt trên mạng, vì vậy, 16% người bị bắt nạt trên mạng chịu hậu quả nặng nề và tự tìm đường lui. Có người phải đổi chỗ ở, có người rơi vào trầm cảm, từ đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm.
Từ ngày 1/10/2022, Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực. Tại khoản 1, điều 19 nghị định này đề cập đến một trường hợp phổ biến trên không gian mạng hiện nay đó là các thông tin có nội dung làm nhục, vu khống người khác, gây xáo trộn dư luận. Luật An ninh mạng cũng có những điều khoản cụ thể xử lý kẻ phát ngôn các nội dung về bí mật đời tư, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của người khác.
Mỹ Huyền
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/het-yeu-len-mang-boc-phot-cho-vui-a1475539.html” name=””]