Trung Quốc đã ban bố báo động đỏ, mức cảnh báo cao nhất, đối với hồ nước ngọt lớn nhất nước này khi mực nước hồ xuống mức thấp chưa từng có.
Đây là hậu quả của nhiều tháng nắng hạn kéo dài liên tục ở nhiều vùng, nhất là ở lưu vực sông Trường Giang.
Hồ Phàn Dương, dài 173 km, diện tích mặt nước hơn 3.283 km², đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và xả lũ của sông Trường Giang, đã bị hạn hán nghiêm trọng từ tháng 6.
Báo động đỏ được đưa ra khi trong 3 tháng liền, cơ quan chức năng tỉnh Giang Tây đo được mực nước tại các điểm quan trắc chính ở hồ Phàn Dương từ 19,43 mét giảm xuống còn 7,1 mét, nhiều nơi bị trơ đáy. Vào mùa đông, hồ là nơi nhiều loài chim di trú bay đến và có nhiều loại thủy sản quý. Theo dự báo của Trung tâm quan trắc nước Giang Tây, mực nước ở hồ Phàn Dương tiếp tục giảm trong những ngày tới, khi lượng mưa vẫn ở mức tối thiểu. Từ tháng 7, lượng mưa thấp hơn 60% so cùng kỳ năm 2021.
Mực nước hồ chứa nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử. (Ảnh: China News Service)
Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8. Đợt khô hạn kéo dài chưa từng có trên lưu vực sông Trường Giang làm sản lượng thủy điện giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến vụ sản xuất nông nghiệp chính trong năm, khiến Trung Quốc phải bỏ ra hàng tỷ USD để khắc phục hậu quả và hỗ trợ nông dân.
Gần đây, mưa lớn làm giảm tình trạng hạn hán ở các tỉnh thành khu vực Tây Nam, nhưng ở miền Trung, tình trạng khô hạn vẫn kéo dài. Riêng ở tỉnh Giang Tây, tình trạng khô hạn đã diễn ra trong hơn 2 tháng qua. Tại tỉnh An Huy lân cận, 10 hồ chứa lớn cũng rơi vào mực nước chết.
Những hồ chứa rơi vào mực nước chết nghĩa là không đủ nước để xả xuống khu vực hạ lưu. Tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, mực nước xuống thấp kỷ lục, khiến cơ quan chức năng nước này đặc biệt lo lắng về việc thiếu nước phục sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh thành ở vùng hạ lưu.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ho-chua-nuoc-ngot-lon-nhat-kho-can-trung-quoc-ra-bao-dong-do-20220924082525166.chn” name=””]