Tính tới 12h đêm 30/10 (theo giờ địa phương), hơn 90 người được khẳng định là đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ sập cầu treo tại bang miền Tây Gujarat của Ấn Độ. Vụ việc xảy ra sau khi cây cầu này mới được tu sửa và mở cửa đón khách tham quan trở lại.
Tai nạn xảy ra vào tối Chủ nhật 30/10 khi cây cầu treo bắc qua đập Machhu, tại thị trấn Morbi của bang miền Tây Gujarat đón một lượng lớn người dân đi qua. Theo ước tính của các nhân chứng, ít nhất 150 người đang ở trên cầu khi vụ việc xảy ra. Việc một lượng lớn du khách đi qua cầu cùng lúc được cho là nguyên nhân khiến cầu quá tải và bị đổ sập.
Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, Bộ trưởng Lao động và Việc làm của bang Gujarat Brijesh Merja cho biết: “Tai nạn xảy ra vào khoảng 18h40 và cây cầu đã đổ sập xuống nước. Nhiều người đang có mặt trên cầu đã bị thương trong khi hầu hết đều rơi xuống nước phía dưới. Chúng tôi bắt đầu công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích, đưa những người bị thương tới bệnh viện”.
3 đội cứu hộ thuộc Lực lượng Phản ứng Thảm họa Quốc gia (NDRF) đã lập tức được điều động tới hiện trường để triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn và đưa các nạn nhân tới bệnh viện. Hải quân Ấn Độ cũng đã điều động một đội cứu hộ gồm 40 người cùng trang thiết bị tới triển khai công tác tìm kiếm.
Hiện trường vụ sập cầu treo tại bang Gujarat, Ấn Độ (Nguồn: ANI)
Trong tối cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc liên lạc với Thủ hiến bang Gujarat Bhupendra Patel, yêu cầu chính quyền địa phương “huy động khẩn cấp” các đội cứu hộ tới giải quyết hậu quả tai nạn. Thủ tướng Ấn Độ cũng đã thông báo sẽ cấp một khoản hỗ trợ trị giá 200.000 rupee (tương đương 2.500 USD) cho người thân của các nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập cầu và 50.000 rupee (625 USD) cho mỗi người bị thương. Số tiền này được trích từ Quỹ Cứu trợ Quốc gia của Thủ tướng Ấn Độ. Một đội điều tra đặc biệt gồm 5 thành viên cũng đã được lập ra để tìm nguyên nhân gây sập cầu.
Cây cầu treo vừa bị sập được một tiểu vương cai trị vùng đất này cho xây dựng từ đầu thế kỷ 19, khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh. Cây cầu rộng 1,25 mét và dài 233 mét, là công trình mang tính biểu tượng cho kiến trúc của thị trấn Morbi thời đó. Cây cầu mới được cho phép hoạt động trở lại từ hôm 26/10 sau 7 tháng tạm dừng đón khách để thực hiện tu sửa, làm mới. Một quan chức địa phương cho biết cây cầu được đưa vào sử dụng khi chưa được chính quyền cấp chứng nhận chất lượng và đủ tiêu chuẩn an toàn./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/hon-90-nguoi-da-thiet-mang-trong-vu-sap-cau-treo-tai-an-do-2022103110190213.chn” name=””]