Cây cao bóng cả là để che chở chứ không phải là chỗ nương tựa cả đời cho lớp trẻ chỉ biết sống dựa dẫm, ích kỷ.
Bệnh tật bủa vây: khớp, đau tim cấp độ II, bị cườm mắt… bây giờ, niềm vui của bà Thanh Huyền (75 tuổi, Q.Gò Vấp, TPHCM) là gọi điện thoại, tám chuyện với bạn già.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Huyền tiếc hồi còn trẻ đã không đi đó đi đây cho thỏa. “Giờ chân cẳng, mắt mũi vầy thì đi đâu được nữa” – bà than. Bà kể hồi có chồng, có con thì lo mua bán, lo cho gia đình. Đến lúc 55 tuổi, tưởng được nghỉ hưu để đi chùa, đi chơi với nhóm bạn già thì cũng không đành khi con dâu trúng thầu bán nước ở một bến xe.
Nghĩ mình sau này sống nhờ con dâu và cháu nội, bà ra sức phụ giúp trong ngoài. Ngày thì phụ buôn bán, chiều tối về, bà phụ tắm rửa, cho cháu ăn. Ngày qua, tháng lại, bà cố nén cơn “thèm đi” và hưởng thụ như các bạn già khác. Đến lúc sức khỏe bà suy yếu, con dâu than phiền mẹ chồng khó tính, đẩy sang cho em chồng nuôi. “Giờ, cháu nội tôi đi làm. Hôm nào nó ở nhà thì ôm điện thoại trong phòng suốt, ba mẹ nó còn không thấy mặt nó, nói chi đến mình” – bà Huyền chua chát nói.
Cũng vì thương con, lo cho cháu mà ông Văn Hùng (Q.10, TPHCM) mới rơi vào cảnh gia đạo bất an. Con trai lớn nhờ sang Mỹ giúp giữ con để hai vợ chồng đi làm nail, vợ chồng ông không nỡ từ chối. Không biết tiếng Anh, lại lạ nước lạ cái, vợ chồng ông chỉ lủi thủi trong nhà, phụ lo cơm nước, giữ cháu. Ông bà nhớ nhà, nhớ những món ngon ở quê nhà nhưng đành kìm nén vì “bên này mắc mà không ngon gì hết”.
Ông nào ngờ trong thời gian ông đi “công tác”, chưa về được vì kẹt dịch COVID-19, đứa con trai út ở nhà đã gây nợ bạc tỷ vì cá độ đá banh, vợ con giận đã bỏ về nhà ngoại. Con ông đang chờ ông về từng ngày để… bán nhà trả nợ.
Chính vì quan niệm “Trẻ cậy cha, già cậy con”, nhiều bậc cha mẹ dốc hết sức lực, tiền của chăm cho con, lo cho cháu, mong về sau được con cháu phụng dưỡng tuổi già. Vì lẽ đó mà ông bà quên đi bệnh tật lẫn niềm vui của bản thân. Tâm lý trên dẫn đến việc nhiều đứa con ỷ lại, nghĩ rằng chăm cháu là trách nhiệm của ông bà khi mình nuôi cha mẹ, không việc gì phải bàn cãi. Cũng chính tư duy đó đã gây ra nhiều vấn đề mà ta hay dán nhãn là mâu thuẫn thế hệ, xung đột nàng dâu – mẹ chồng…
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Ảnh hưởng văn hóa của đất nước chồng mình, chị Thanh Thủy (sống tại Amsterdam, Hà Lan) cho biết, ở Hà Lan, ngay từ nhỏ, trẻ đã được giáo dục và rèn luyện ý thức, trách nhiệm cá nhân; con cái không được phép quấy rầy đến tuổi già của cha mẹ. Con chỉ nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình khi không còn cách nào khác. Cha mẹ có thể chăm cháu giúp con chỉ hai, ba ngày trong tuần và không phải chăm cả ngày.
Như chị Thủy, ở tuổi U60, vợ chồng chị đang lên kế hoạch du lịch ở một số nước châu Á và thăm lại những địa điểm du lịch ở châu Âu mà cả hai đều thích. Chị dự kiến sẽ lên đường khi con học xong đại học. “Mình phải hưởng thụ chứ. Cả tuổi trẻ lo cho con rồi, giờ đến lúc mình phải yêu bản thân mình” – chị vui vẻ nói.
Còn nhớ, một người đàn ông bỗng nổi tiếng bất đắc dĩ khi được cả Trung Quốc biết đến. Ông là tác giả của quyển sách Hợp đồng cha con gây nhiều tranh luận và cả điều tiếng. Trong sách, ông kể rõ việc mình đã giao kết với con thế nào để không là một “công ty trách nhiệm vô thời hạn” – một bản hợp đồng ghi rõ quyền lợi – trách nhiệm của hai bên, giấy trắng mực đen hẳn hoi. Con ông, như bao “ông vua con” khác, vốn quen được bảo bọc, cưng chiều, nghĩ rằng cha chỉ dọa mình. Trong lúc bốc đồng và có cả sự oán giận của lứa tuổi đôi mươi, con ông ký ngay.
Đại khái, khi đã 20 tuổi, con có quyền ăn, ở miễn phí trong nhà; được vay tiền của cha mẹ để đi học tiếp. Con có trách nhiệm tự lo cho sức khỏe, tạo ra công ăn việc làm cho bản thân cũng như tài sản để lo cho vợ con về sau, tự nuôi nấng con cái… Cha mẹ có trách nhiệm tự lo cho sức khỏe và đời sống tinh thần khi về già, không cần con cấp dưỡng hay nuôi nấng lúc về chiều…
Thấy cha có vẻ nghiêm túc thực hiện hợp đồng và mè nheo với mẹ không được, “ông vua con” lúc này mới chấp nhận sự thật. “Chàng” chịu khó đi xin việc, làm công việc cấp thấp và tích lũy kinh nghiệm để xin được chỗ tốt hơn. “Chàng” cũng dần biết cách hoạch định tương lai và kế hoạch cho cuộc đời mình.
Từ một kẻ chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ, con trai ông lập được công ty riêng, mua được xe, nhà trước khi cưới vợ… Đến khi ngộ ra, hiểu được chân giá trị của bản hợp đồng, người con bảo dù sau này, khi đã thanh lý hợp đồng, anh cũng sẽ chăm sóc, phụng dưỡng lúc cha mẹ đã già yếu.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Quả là một cái kết có hậu dù trước đó nhiều lần người cha tưởng như không thể thực hiện được bản hợp đồng có một không hai này. Sức ép từ đứa con vốn được cưng như trứng mỏng, từ vợ ông, từ gia đình hai bên và từ cả xã hội. Nếu ngay từ nhỏ, đứa con trai đã được rèn cho ý thức tự lập thì đã không có bản hợp đồng lạ đời đó, cũng như không có sự ra đời của quyển sách.
Nhiều độc giả đã ồ lên khi học được kinh nghiệm từ người cha nghiêm khắc này nhưng việc áp dụng nó không hề dễ, có khi là đã quá muộn. Cuộc cách mạng thành công ở gia đình kể trên dù sao cũng chỉ là ở cấp độ nhỏ. Nếu muốn có sự thay đổi về ý thức trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi về già, nét văn hóa đó phải được giáo dục từ thuở nhỏ.
Sẽ không quá khó nếu ngay từ bây giờ, cha mẹ biết “thủ” về kinh tế lẫn sức khỏe để về già có thể sống độc lập, không bị tâm lý là gánh nặng cho con. Cây cao bóng cả là để che chở chứ không phải là chỗ nương tựa cả đời cho lớp trẻ chỉ biết sống dựa dẫm, ích kỷ mà quên đi bổn phận, sự hy sinh của cha mẹ.
Thủy Tiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hop-dong-cha-con-a1467260.html” name=””]