Nhiều người hâm mộ chi một khoản tiền khổng lồ mua album ủng hộ idol, sưu tập thẻ in hình thần tượng với hy vọng đổi lại một lần gặp gỡ với idol bằng xương bằng thịt. Thế nhưng, đằng sau đó là cả một vấn nạn về môi trường mà ngành công nghiệp này đang phải gồng mình giải quyết.
Lượng album vật lý khổng lồ thải ra môi trường mỗi mùa comeback
Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc hiện đang sản xuất lượng CD khổng lồ. Các đĩa nhạc được người hâm mộ mua đóng vai trò lớn trong việc nâng cao vị trí của nhóm nhạc họ yêu thích trên các bảng xếp hạng, thêm vào đó là cơ hội củng cố độ nổi tiếng cho thần tượng trên các phương tiện truyền thông.
Điều quan trọng ở đây là doanh số tiêu thụ không phản ánh trung thực số lượng người nghe nhạc. Một bộ phận người hâm mộ mua album để ủng hộ thần tượng, thu thập photo card (thẻ bo góc in ảnh thần tượng) đính kèm trong album.
Photocard – yếu tố ngẫu nhiên giúp tăng lượng tiêu thụ album được tận dụng triệt để
Quan trọng hơn, với mỗi album được thanh toán, người hâm mộ có cơ hội đăng kí tham gia sự kiện gặp gỡ thần tượng (fansign). Điều này đồng nghĩa với việc mua càng nhiều album sẽ cơ hội được gặp gỡ thần tượng càng cao. Lợi dụng việc này, nhiều người chỉ mua album để săn “vé” gặp thần tượng rồi vứt bỏ dưới danh nghĩa “quyên góp” cho các tổ chức từ thiện.
“Năm nay, tôi tiêu khoảng 5 triệu won (tương đương khoảng 87,3 triệu đồng) mua album để đổi lấy tấm vé tham gia fansign. Biết là sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường nhưng đó là cách duy nhất để tôi có thể gặp thần tượng của mình bằng xương bằng thịt”, một fan nữ ngoài 30 tuổi cho biết.
Nhiều fan đã phải mua lượng album khổng lồ chỉ để tìm kiếm chiếc vé quý hiếm được giao lưu với thần tượng ở khoảng cách gần.
Thống kê đến từ Circle Chart cho biết có tới 35 triệu bản album vật lý được bán bởi top 400 nhà phát hành trong nửa đầu năm nay, ghi nhận sự gia tăng hơn 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tia sáng” nào cho ngành công nghiệp âm nhạc xứ sở kim chi?
Lượng CD khổng lồ trên gây ra vấn nạn đầy nan giải cho môi trường. Các công ty giải trí hiện đang tìm phương án thay thế nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề trên.
Ngày 29/7 vừa qua, J-Hope, thành viên thuộc nhóm nhạc đình đám BTS đã cho ra mắt “Jack In The Box” dưới dạng album kĩ thuật số (digital album) thông qua ứng dụng Weverse. Trong album này, người mua sẽ được cung cấp một mã QR kết nối với các tệp âm nhạc và hình ảnh để theo dõi sản phẩm.
Ngày 26/7, công ty quản lý của BTS, HYPE cho biết họ đã thành lập ủy ban quản lý môi trường, xã hội (ESG), bày tỏ mong muốn cung cấp nhiều album kỹ thuật số hơn trong tương lai.
Hiện cũng đã có một số công ty khởi nghiệp nội địa tại Hàn đã và đang hỗ trợ các nhóm nhạc nhỏ chưa có ứng dụng riêng. Thành lập năm 2019, Nemoz Lab sản xuất các album có kích thước chỉ bằng thẻ tín dụng cho người hâm mộ có chứa mã kết nối với tệp nhạc kỹ thuật số trên ứng dụng Nemoz. Các nghệ sĩ đã phát hành album Nemoz: TRI.BE, Just B, MCND, Blitzers, Lee Bo-ram, Sunye.
Một số nỗ lực nhằm giảm gánh nặng lên môi trường khác cũng được đưa ra, có thể kể đến việc sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường cho album như giấy hay nhựa sinh học có khả năng phân huỷ (biodegradable plastic). Mới đây, Công ty giải trí JYP, quản lý những ngôi sao lớn như Twice, Stray Kids vừa trở thành người tiên phong tại ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc tham gia vào RE100.
RE100 là sáng kiến toàn cầu do tổ chức phi lợi nhuận quốc tế The Climate Group cùng tổ chức CDP sáng lập nhằm kêu gọi các công ty trong danh sách Global Fortune 500 cùng thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Các bảng xếp hạng âm nhạc cũng đang đón nhận sự thay đổi này, bằng cách tính các album kỹ thuật số vào kỷ lục bán album.
Vào năm 2017, G-Dragon từng bị thách thức vị thế thống lĩnh album vật lý do phát hành album “Kwon Ji Yong” trong ổ USB flash thay vì CD. Khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc tuyên bố rằng chúng sẽ không được tính vào doanh số bán album mà thay vào đó chỉ được tính vào doanh số tiêu thụ các bản kỹ thuật số và bảng xếp hạng bài hát kỹ thuật số cũng như các lượt tải xuống.
Sau khi nhận về nhiều chỉ trích, Gaon Chart (mới đổi tên thành Circle Chart) đã thay đổi quy định để tính cả các album kỹ thuật số vào doanh số chứ không chỉ lượt tải xuống kỹ thuật số như trước.
Jeon Su-jin, Giám đốc điều hành của Nemoz Lab, cho biết: “Các công nghệ mới được cung cấp với mức giá hợp lý, tiên tiến hơn. Không chỉ thân thiện với môi trường hơn, những loại album mới còn giúp nâng cao trải nghiệm âm nhạc cho người dùng”.
Bên cạnh đó, ngành giải trí quốc tế gần đây ghi nhận sự lên ngôi của xu hướng mới với hình thức NFT (các mã thông báo không thể thay thế). Nhiều nhạc sĩ đã phát hành các bài hát hoặc đĩa đơn NFT và hiện đang tìm cách để có thể phát hành toàn bộ album qua hình thức này.
Kings of Leon là một ví dụ điển hình cho hình thức này. Ban nhạc này là người tiên phong phát hành toàn bộ album NFT vào tháng Ba năm ngoái với tên gọi “When You See Yourself”.
Ngày 26/8 tới, nhóm nhạc đến từ Anh Quốc, Muse sẽ ra mắt của một NFT album “Will of the People”. Được biết, album này đủ điều kiện để được đứng vào BXH chính thức của Vương quốc Anh. Tháng 4 năm ngoái, BXH này đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm định để bao gồm cả các sản phẩm NFT.
“Album kỹ thuật số nên trở thành một lựa chọn bền vững, lâu dài. Nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc có thể dẫn đầu xu thế bởi sức lan tỏa ảnh hưởng của chúng trên khắp thế giới”, bà Lee Da-yeon, một nhà vận động thuộc KPOP4PLANET, người thuộc cộng đồng người hâm mộ thúc đẩy nhận thức về môi trường trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc cho biết.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/k-pop-tim-thay-hy-vong-cho-van-nan-rac-cd-2022082415184818.chn” name=””]