Cả đời cố gắng “vì con cháu”, thế nhưng khi con trai duy nhất từ chối nhận thừa kế, ông Thành bà Phán lại rơi vào hoàn cảnh dở cười dở khóc.
Ông Thành ngồi ở góc hiên nhà hút thuốc như mọi ngày. Đã hơn 40 năm nay ông đều đặn hút một điếu thuốc ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng. Ai cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của ông như vậy khi đi ngang qua.
Phía trong nhà, bà Phán cũng đang ngồi trầm ngâm một mình trên bộ trường kỷ bằng gỗ đinh đắt tiền. Hai ông bà rủ nhau về hưu sớm khi nhà nước giảm biên chế đã được mấy năm nay.
Ngay sau khi về hưu, ông bà nhanh chóng cất một ngôi nhà mới khang trang nhất xóm, rồi mua một chiếc xe hơi để ở góc sân.
Ông Thành vẫn hay nói “cả đời cống hiến, nỗ lực vì con vì cháu, đến về già mới bắt đầu được hưởng thụ nhà cửa xe cộ đàng hoàng”. Ngày về nhà mới, ông Thành mời đến mấy chục mâm khách, đãi cỗ từ trưa đến tận tối muộn. Ai nấy đều trầm trồ trước cơ ngơi của ông bà.
Người lớn tuổi luôn có tâm lý tiết kiệm để thừa kế lại cho con (Ảnh minh họa) |
Nam là con trai duy nhất của ông Thành và bà Phán. Nam từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi nhất xóm. Từ cấp II rồi đến cấp III đã vào học tại các trường chuyên của tỉnh, rồi tốt nghiệp một trường đại học tốp đầu. Giờ Nam cũng đang làm quản lý tại một công ty nước ngoài.
Từ khi tốt nghiệp, Nam nhiều lần nói với ông bà rằng: “Ba mẹ có tiền thì cứ tiêu thoải mái, muốn đi đâu, ăn gì tùy ý. Đừng để dành cho con”. Cả ông Thành và bà Phán coi đó là lời nói thể hiện sự hiếu thảo của con trai nên lại càng ra sức tiết kiệm.
Cả cái xóm này ai cũng biết ông bà sống tằn tiện suốt mấy chục năm. Ngoài cuối tuần khi Nam đi học về ông bà mới dám mua ít thịt heo hay một con gà, còn lại chỉ thấy có cá khô, đậu hũ với lạc rang. Bà Phán vẫn hay bảo ăn thế cho khỏe, chứ ăn nhiều thịt không tốt.
Ông bà vẫn đi làm hằng ngày cùng nhau trên một chiếc xe Wave đã gần 20 năm tuổi. Ông Thành có một chiếc xe Future khác trùm mền trong nhà, chỉ dùng đến mỗi khi đi ăn tiệc. Lần nào lấy xe ra sử dụng là lần đó ông mất nửa ngày để rửa xe, lau sáng bóng rồi lại mang vào nhà trùm mền cẩn thận.
Nghe đâu cuối tuần vừa rồi ông bà gọi gấp Nam về và mời thêm mấy người thân khác trong nhà sang dùng cơm. Sau bữa cơm, ông Thành dõng dạc tuyên bố:
– Hôm nay, trước sự chứng kiến của các chú, các bác, tôi tuyên bố để lại nhà cửa, xe cộ cho thằng Nam thừa kế. Vợ chông tôi tằn tiện cả một đời, nay mới có được chút ít cho con. Còn thằng Nam, thu xếp công việc trên thành phố về ở với ba mẹ, không phải ở trọ tạm bợ nữa. Muốn làm trong cơ quan nhà nước ba mẹ tìm người lo. Rồi nhanh chóng lấy vợ sinh con để ba mẹ có cháu bế.
Chờ ông Thành nói hết, Nam tiếp lời:
– Thưa ba mẹ, ba mẹ nuôi con đến khi trưởng thành là đủ rồi. Giờ ba mẹ phải sống cuộc sống của ba mẹ. Còn con sống cuộc đời của con. Căn nhà trên thành phố con đã vay mượn mua xong rồi. Con cũng có dự dự định về sự nghiệp riêng. Sắp tới, con có thể ra nước ngoài công tác mấy năm theo phân công của công ty. Phần tài sản của ba mẹ, ba mẹ để lại dưỡng già. Con xin không nhận. Bây giờ, muốn ăn gì ba mẹ mua, cần đồ đạc gì ba mẹ sắm, muốn đi đâu ba mẹ đi…
Khi con cái độc lập khỏi bố mẹ, không ít người rơi vào trạng thái hụt hẫng (Ảnh minh họa) |
Nghe xong, cả ông Thành và bà Phán đều lặng im, thẫn thờ. Sáng hôm sau, Nam trở lại thành phố từ sớm. Ông Thành nhìn bà Phán mà không nói nên lời. Trong góc sân, chiếc xe hơi giờ giống như một vật trưng bày. Ở tuổi này, có nhiều thứ muốn nhưng ông bà cũng chẳng thể làm được nữa rồi…
C.A
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-con-trai-duy-nhat-tu-choi-quyen-thua-ke-a1477750.html” name=””]