Đừng áp đặt, đừng gây thêm áp lực cho con. Không nên xem mọi thứ đã chấm hết dù sự việc có nghiêm trọng đến mức độ nào đi nữa.
Ở tuổi dậy thì, nhiều đứa trẻ ít bộc lộ, ít tâm sự với ba mẹ, vì vậy nhiều khi các phụ huynh bất ngờ, bối rối với các vấn đề của con. Do đó, ba mẹ phải luôn gần gũi con. Với những bất thường tích cực (như bộc lộ năng khiếu, tính tốt…) cần động viên, hướng dẫn để trẻ phát huy; với các bất thường tiêu cực (buồn bực, cáu gắt, lơ đễnh, học sa sút…) phải tìm ra nguyên nhân và giúp đỡ con vượt qua.
Ảnh mang tính minh họa – PressFoto |
Một anh bạn của tôi khi phát hiện con gái học lớp Bảy “tỏ ra có bạn trai” (đi học thì “điệu đàng”, lén dùng điện thoại, hay quên sách vở…). Vợ anh quát tháo con gái hư thân mất nết, lẳng lơ… rồi đòi chuyển trường cho con. Thấy mẹ giận dữ, con bé hoảng sợ và bị sốc, nhân lúc đi học bé đã bỏ nhà đi mất.
Rất may là con bé về quê (cách thành phố chưa đầy trăm cây số) với ông bà nội. Mẹ anh, vốn là giáo viên, hiểu vấn đề và bà xử lý một cách tế nhị tâm lý và đưa cháu về với ba mẹ…
Nhưng có thể không phải trường hợp nào cũng kết thúc “có hậu” như vậy. Chuyện trẻ bỏ nhà đi hay tự tử vì lỡ làm mất tiền quỹ lớp, lỡ có thai, thi làm bài kém, học ở lại lớp… đó đây đã xảy ra.
Do đó, trong mọi trường hợp, ba mẹ cần bình tĩnh, phải đặt mình vào hoàn cảnh (tâm lý, lứa tuổi, điều kiện…) của con để suy xét, đừng áp đặt, đừng gây thêm áp lực cho con. Không nên xem mọi thứ đã chấm hết dù sự việc có nghiêm trọng đến mức độ nào đi nữa.
Ông bà xưa nói “mũi dại lái chịu đòn”, sai lầm của con bao giờ cũng có nguyên nhân từ ba mẹ, có điều ta có nhận ra hay không thôi. Do đó, tốt hơn hết là ba mẹ cùng giải quyết với trẻ, không có nghĩa là làm thay (hay gánh thay hậu quả) cho trẻ mà phải định hướng để trẻ nhận ra sai lầm và tự mình giải quyết hậu quả với sự giúp đỡ của ba mẹ.
Ảnh mang tính minh họa – Jcomp |
Dù trong những trường hợp rất nghiêm trọng, như phát hiện con gái vị thành niên có thai, con trai lỡ “quan hệ” với bạn gái “chưa đủ tuổi” hay con nghiện ma túy…, bên cạnh tích cực hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định, còn lại ba mẹ phải động viên tinh thần và giúp đỡ vật chất cho con để con sớm ổn định tâm lý, chấp nhận thực tế và dần vượt qua mặc cảm.
Một người ba khi phát hiện con bị nghiện, liền đưa đến trường cai nghiện, rồi gác lại việc làm ăn để thường xuyên thăm, động viên và giúp đỡ con (tặng sách, giúp đáp ứng các yêu cầu theo chương trình giáo dục của trường…). Cậu bé cảm động sự lo lắng của ba nên cũng quyết tâm cai nghiện và sau hơn một năm đã đi học lại với kết quả rất tốt.
Điều quan trọng là sau mỗi lỗi lầm, mỗi khó khăn, ba mẹ nên cho con thấy bài học thực tế cần phải ghi nhớ và tránh lặp lại ở những lần sau. Hãy giúp con trẻ thấy mỗi vấp ngã vẫn có ích, để con vững vàng hơn, bản lĩnh hơn.
Ngô Đồng Vũ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-con-vap-nga-a1476724.html” name=””]