“Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn” bị chê kịch bản vô lý, chắp vá nội dung và diễn xuất kém.
Mới đây, bộ phim Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn cũng lấy cảm hứng từ hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng đã ra mắt, nhưng nhận nhiều phản ứng tiêu cực.
Phim tập hợp dàn diễn viên tiếng tăm như Trì Trọng Thụy trở lại với vai diễn Đường Tam Tạng ở tuổi 70. Nam diễn viên Lê Diệu Tường, từng được yêu thích với vai Bát Giới trong Tây du ký của TVB cũng nhận lời xuất hiện trong Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, khán giả cho rằng đoàn phim đã lợi dụng tên tuổi của hai nghệ sĩ làm chiêu trò gây chú ý. Vai trò của họ trong phim không quan trọng, thời lượng xuất hiện ít.
Trì Trọng Thụy vào vai Đường Tăng ở tuổi 70. Ảnh: Sohu.
Lê Diệu Trường cũng trở lại với vai Bát Giới trong Tây du ký 2022.
Bộ phim còn bị đánh giá thấp về nội dung. Trong đó, Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn bắt đầu bằng việc Tôn Ngộ Không (Trần Tín Triết đóng) bị giam ở núi Ngũ Hành Sơn do đại náo thiên cung. Đại Thánh được Thái Bạch Kim Tinh yêu cầu thực hiện sứ mệnh bảo vệ và hộ tống chuỗi ngọc nguyên thần đến nơi chỉ định. Trong quá trình đó, Tôn Ngộ Không trải qua nhiều khó khăn, đánh bại yêu quái, gặp gỡ Đường Tăng, Trư Bát Giới…
Tuy nhiên, theo Sohu, trước đó Tôn Ngộ Không còn là Tề Thiên Đại Thánh, đánh bại thiên binh thiên tướng, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, sức mạnh giảm sút, phép thuật kém đi nhiều. Thiết lập nhân vật bị đánh giá là thiếu logic, gượng gạo.
“Kịch bản chắp vá từ nhiều bộ phim chuyển thể Tây du ký nổi bật trước đây. Phim làm giảm sức mạnh của Tôn Ngộ Không, sự xuất hiện của hai nhân vật Bát Giới và Đường Tăng gượng gạo, gần như không cần thiết với vai trò kém quan trọng”, Sohu bình luận.
Bên cạnh đó, biên kịch còn sắp xếp cho Tôn Ngộ Không gặp gỡ định mệnh của mình và có mối tình day dứt với yêu quái xinh đẹp Họa Âm (Phó Mộng Ni đóng). Cô đồng hành cùng Tôn Ngộ Không trong suốt chặng đường đưa chuỗi ngọc nguyên thần về núi Phương Thôn. Tuy nhiên, trong một lần đại chiến với quái vật, Họa Âm đã đỡ đòn giúp Tôn Ngộ Không và bị thương nặng. Chứng kiến sự ra đi của người yêu trong vòng tay mình, Tôn Ngộ Không bộc lộ sức mạnh đánh bại quái vật.
Theo Sohu, nhà sản xuất muốn thêm yếu tố tình yêu vào để câu chuyện của Đại mộng Tây du: Ngũ Hành Sơn có không khí lãng mạn, bên cạnh những cảnh chiến đấu hoành tráng. Khía cạnh này đã được Châu Tinh Trì khai thác thành công trong Đại thoại tây du. Tuy nhiên, cách xây dựng tình tiết của Đại mộng tây du thiếu chỉn chu và việc đặt tình yêu vào nhân vật Tôn Ngộ Không bị đánh giá thiếu hợp lý, không tự nhiên, khó chấp nhận khi cải biên quá đà.
Tôn Ngộ Không giảm sút mạnh, diễn xuất không có điểm nhấn.
Tôn Ngộ Không phải lòng yêu quái Họa Âm.
Trên diễn đàn Douban, nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng với nội dung, kỹ xảo của Đại mộng tây du: Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, công chúng cho rằng các nhà làm phim nên tìm đề tài mới, thay vì cố cải biên một tác phẩm đã quá quen thuộc với người xem, dẫn đến chất lượng không được đảm bảo.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/khi-ton-ngo-khong-phai-long-yeu-quai-20220925105503005.chn” name=””]