Phần thi trang phục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả, tuy nhiên sau mỗi phần thi có thể để lại nhiều ý kiến trái chiều bởi còn những mẫu thiết kế chưa mang tính văn hóa hoặc chắp vá nhiều ý tưởng.
Sự kết hợp giữa áo yếm và áo bà ba gây tranh cãi (Ảnh: BTC)
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (Miss Universe Vietnam) và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam) là 2 cuộc thi sắc đẹp đầu tiên đầu tư tổ chức phần thi trang phục dân tộc để tìm ra mẫu thiết kế xuất sắc nhất cho đại diện Việt Nam dự cuộc thi quốc tế.
Việc ban tổ chức các cuộc thi đầu tư phần thi trang phục dân tộc thay vì phần thi áo tắm, trang phục dạ hội cho thấy mong muốn hướng đến các giá trị truyền thống. Tuy nhiên bên cạnh những mẫu thiết kế được đầu tư kỹ lưỡng, vẫn còn các thiết kế sơ sài, hoặc có khi quá đà.
Mới đây, khán giả được chiêm ngưỡng 60 bộ trang phục văn hóa dân tộc được lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử, dân gian, văn hóa các vùng miền, các danh lam thắng cảnh, các món ăn đặc sản… trong khuôn khổ cuộc thi Miss Grand Vietnam 2022 (Hoa hậu Hòa bình Việt Nam).
Mẫu thiết kế trang phục văn hóa dân tộc lấy cảm hứng từ ẩm thực không khoe được vóc dáng người mặc (Ảnh: BTC)
“Những mẫu thiết kế trang phục dân tộc dễ chiến thắng trên đấu trường quốc tế khi bộ trang phục đó đảm bảo yếu tố hoành tráng, dân tộc, văn hóa, chẳng hạn hình tượng Âu Cơ – Lạc Long Quân”, Nhà thiết kế VIỆT HÙNG.
Khá nhiều mẫu thiết kế được lấy cảm hứng từ văn hóa ẩm thực như bánh xèo, phở, bún nước lèo, hủ tiếu, mắm… được cho “ăn theo” trang phục bánh mì do H’Hen Niê thể hiện thành công trước đó.
Những bộ trang phục trong phần thi không có yếu tố mới lạ, ngược lại che mất đường cong quyến rũ, sự duyên dáng vốn có của người phụ nữ. Thậm chí, người mặc cảm thấy quá nặng nề khi khoác lên mình trang phục hàng chục ký và di chuyển khó khăn.
Một số bộ trang phục thiếu yếu tố văn hóa hoặc gây phản cảm như mặc áo bà ba ở trên nhưng lại để chân trần (không mặc quần truyền thống), hay sự kết hợp giữa áo yếm và áo bà ba gây phản cảm và không mang tính văn hóa.
Thêm một thiết kế gây tranh cãi khi áo bà ba ở trên, người mẫu đi chân trần ở dưới (Ảnh: BTC)
Nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực khác, nhà thiết kế Lê Long Dũng cho biết anh bất ngờ với các ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ khi thiết kế trang phục dân tộc.
“Không còn quanh quẩn hoa sen, áo bà ba, áo dài… ngày nay, trang phục dân tộc được các bạn trẻ mở rộng chủ đề, thậm chí mang tính đương đại” – Lê Long Dũng khẳng định.
Cũng đồng tình, theo nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, trang phục dân tộc không còn phát triển gói gọn trên nền tảng áo dài, áo bà ba hay áo tứ thân nữa… Tuy nhiên, nhận xét về khả năng sáng tạo của các bạn trẻ, anh nói “có bộ mang được yếu tố dân tộc, quê hương nhưng không thể hiện được trên trang phục. Còn những bộ rất thời trang nhưng xét về yếu tố dân tộc lại yếu”.
Một mẫu thiết kế được đánh giá cao về ý tưởng và tạo hình (Ảnh: BTC)
“Yếu tố giúp trang phục dân tộc chiến thắng trên trường quốc tế phụ thuộc vào tiêu chí của cuộc thi mỗi năm. Các mẫu cồng kềnh đi thi quốc tế sẽ bị chỉnh sửa nhiều vì kích thước lớn, dễ bị gãy. Còn những bộ đơn giản thì dễ bị chìm trên sân khấu lớn”, Nhà thiết kế Nguyễn Minh Tuấn.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/khi-trang-phuc-dan-toc-duoc-sang-tao-qua-da-20220927175841465.chn” name=””]