Lấy vợ 8 năm, tài sản của Hoàng tăng theo cấp số nhân, dù thu nhập của hai vợ chồng chỉ ở mức trung bình. Bạn bè hỏi, sao mà lên nhanh quá. Hoàng thủng thỉnh đáp: bí quyết là… lấy vợ keo.
Hoàng nói, tiết kiệm như Thủy – vợ anh – thì chỉ còn trong… “sách đỏ”. Mọi món tiền chi ra đều phải nằm trong kế hoạch. Mà kế hoạch chi tiêu của cô thì mỗi năm lại mỗi “xem xét lại để cắt giảm”.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Tirachardz |
Từ lúc cưới nhau, bữa cơm của gia đình Hoàng không bao giờ quá 50 ngàn đồng tiền chợ. Tiền gạo, gas, mắm muối đã quy vào một khoản riêng. Tiền chợ nghĩa là tiền mua rau, thịt, cá. Nhưng tuần nào cô cũng hăng hái về thăm ba mẹ chồng ở Đồng Nai, rồi hái rau, gom củ ngay trong vườn nhà hoặc trong xóm. Mang vác rau củ lên thành phố, cô lại phân chia cho cả tuần, nếu dư còn… rao bán trên mạng. Có khi, phần rau dư đem bán còn bù được tiền xăng xe về quê.
Qua từng năm chung sống, vật giá vẫn leo thang nhưng tiền chợ nhà Hoàng thì… giảm xuống. Thực tế, đến đầu năm 2023, Thủy “bật mí” rằng tiền chợ hằng tháng không bao giờ quá 2,5 triệu đồng. Số tiền đó chỉ bằng dăm ba lần “hẹn bạn” của Hoàng thời độc thân. Trong khi mỗi bữa ăn vẫn đủ thịt cá, rau trái.
Khoản chi Thủy rộng rãi nhất là chuyện học của con. Con thích học gì Thủy cũng đồng ý. Nhưng… học ở đâu, chọn thầy thế nào thì Thủy ra sức tìm hiểu. Kết quả, cô trở thành “chuyên gia chọn thầy” của cả xóm. Thủy có thể kể vanh vách là thầy nào, ở đâu, dạy thế nào, chi phí ra sao…
Theo Thủy, khoản chi phung phí nhất của các gia đình thường nằm ở các nhu cầu “bộc phát”, “hứng lên là mua”. Ở nhà Thủy, không món đồ nào được mua ngoài kế hoạch. Ban đầu, Hoàng rất bực khi bị tước tự do mua sắm. Nhưng vốn “dĩ hòa vi quý”, anh dần khoán trắng phần chi tiêu cho vợ.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock |
Thủy tiết kiệm đến “quái đản”, nhưng có chồng hợp tác nên cũng êm êm. Thế nhưng, lắm lúc, đồ đạc trong nhà… hư hỏng thình lình. Đồ thiết yếu hư hỏng thì đương nhiên phải thay mới. Nhưng không. Thủy vẫn tuyên bố: “Tháng này hết quota mua đồ rồi”. Hoàng kịch liệt phản đối. Tiết kiệm như thế thì quá… nô lệ đồng tiền. Nhà đâu nghèo đến mức phải nhịn coi ti vi hay nhịn nấu bếp. Thủy vẫn không nhượng bộ: “Ti vi cần thì coi trên điện thoại, tháng sau có đủ tiền tiết kiệm mới mua”.
Cái lần hư bếp cũng bị trì hoãn với cùng lý do. Và trong thời gian chờ đợi, cô lôi ra chiếc bếp gas mini bấy lâu nay vẫn cất hờ cho những lần cúp điện.
Nói đến khoản “tiền tiết kiệm”, Hoàng lại nhớ ra, dù đã chi tiêu trong kế hoạch nhưng Thủy luôn có ý thức cắt giảm từng khoản chi. Vậy nên, mỗi tháng cô lại dư ra một chút tiền. Khoản ấy, Thủy dành để thay thế đồ gia dụng. Nhưng khoản ấy không nhiều nên nếu đồ hư thì phải đợi gom đủ tiền mới mua hoặc nếu mua cái này thì… khỏi mua cái khác.
Thấy vợ nhọc nhằn tính toán, Hoàng từng đề nghị “sống như người ta”, không phải căn ke từng đồng nữa. Nhưng Thủy cự tuyệt.
Theo cô, anh chỉ cần sống theo nhu cầu của anh, nhu cầu nào không cần thiết thì… tự điều chỉnh. Còn việc chi tiêu thì… kệ vợ. Cô khẳng định cô chỉ thấy khổ nếu để thất thoát tài sản gia đình.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: PressFoto |
Hạnh phúc lớn nhất của Thủy là lúc ngồi tổng kết tài chính cuối năm. Từng khoản đã tăng lên thế nào, sẽ được đầu tư vô đâu…
Lần nào ngồi nghe vợ tổng kết, Hoàng cũng tá hỏa với khoản tích lũy của hai đứa. Tổng thu nhập mỗi tháng chưa tới 50 triệu đồng, nhưng mỗi năm Thủy tích cóp được hơn 400 triệu. Có năm, cô đem tiền đi mua một rẻo đất nhỏ ở quê, có năm cô đem gửi tiết kiệm, cũng có năm cô trích một phần để biếu bố mẹ chồng sửa sang lại chái bếp.
Hai vợ chồng nhiều lần xích mích chuyện chi tiêu, nhưng Hoàng nhận ra tiết kiệm đã “ăn vào máu” của Thủy. Hoàng nói, miễn đừng ảnh hưởng tới ai, còn lối sống của bạn đời có… kỳ lạ đến đâu anh vẫn thích nghi được, miễn mình hiểu và thấy được “tính thiện lương” trong đó.
Lộc Châu
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/khi-vo-biet-chi-tieu-a1484468.html” name=””]