“Nếu hệ thống Trái Đất tiến vào vùng hỗn loạn về hành vi, chúng ta sẽ hết hy vọng sửa chữa vấn đề”.
Loài người không chỉ đang làm Trái Đất ấm dần lên, chúng ta còn đang khiến khí hậu trở nên hỗn loạn, một nghiên cứu mới cho hay.
Một công trình khoa học mới được công bố vào hôm 21/4 đã cố vẽ ra một bức tranh đầy đủ về những tác động tiềm tàng của hoạt động con người đối với khí hậu. Đáng buồn là, bức tranh đó không được tươi sáng cho lắm, đặc biệt nếu chúng ta không làm gì để giảm thiểu biến đổi khí hậu và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Biến đổi khí hậu đang tạo ra các hiện tượng cực đoan. Trong hình là cơn bão Michael – cơn bão cấp 5 đầu tiên đổ bộ vào vùng Cán Chảo Florida.
Nghiên cứu được tiến hành bởi một nhóm các nhà khoa học tại Khoa Vật lý và Thiên văn học, Đại học Porto, Bồ Đào Nha.
Orfeu Bertolami – một thành viên nhóm nghiên cứu – cho hay: “Những dấu hiệu của biến đổi khí hậu rất rõ ràng (hạn hán, sóng nhiệt, các hiện tượng cực đoan…). Nếu hệ thống Trái Đất tiến vào vùng hỗn loạn về hành vi, chúng ta sẽ hết hy vọng sửa chữa vấn đề“.
Trái Đất đều đặn chứng kiến những sự thay đổi lớn về khí hậu, chuyển dịch qua lại giữa những trạng thái cân bằng ổn định. Những sự chuyển dịch này thường được gây ra bởi yếu tố bên ngoài như sự thay đổi trong quỹ đạo hành tinh hoặc một đợt gia tăng mạnh trong hoạt động núi lửa.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây cho thấy chúng ta đang tiến vào một giai đoạn chuyển dịch mới bị gây ra bởi tác động của con người, nhất là bởi các hoạt động tạo ra khí thải carbon. Trong giai đoạn này, các hình mẫu thời tiết sẽ biến động nhanh chóng và khôn lường, vô cùng khó dự đoán.
Theo đó, các nhà khoa học gợi ý rằng hoạt động của con người trong vài chục năm nữa sẽ có vai trò to lớn trong việc quyết định kiểu khí hậu tương lai mà chúng ta phải đối mặt. Việc kiểm soát khí thải sẽ dẫn tới kết quả khác so với việc chúng ta tiếp tục xả thải với tốc độ hiện nay.
Sử dụng một số mô hình tính toán, nghiên cứu cho thấy mức độ phát thải và dân số loài người sẽ đạt giới hạn cực điểm vào một giai đoạn nào đó trong tương lai. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, khí hậu Trái Đất sẽ ổn định ở mức nhiệt mới cao hơn. Mặc dù điều này khá tệ với con người khi thời tiết nóng hơn, mực nước biển dâng cao… ít ra nó còn dễ đoán và ổn định.
Biến đổi khí hậu dẫn đến các dạng thời tiết cực đoan như nắng nóng và sóng nhiệt, với nhiệt độ không khí trên mức 40 độ C ở nhiều vùng.
Nhưng trong trường hợp xấu nhất, khí hậu Trái Đất sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn đúng nghĩa, tức là hoàn toàn không thể dự đoán được. Khi đó, mùa màng sẽ thay đổi một cách điên rồ theo khung thời gian thập kỷ hoặc thậm chí là theo năm.
Một số năm sẽ diễn ra những hiện tượng thời tiết vô cùng cực đoan, trong khi có năm lại hết sức yên bình. Nhiệt độ cũng sẽ thất thường từ mức rất lạnh sang mức rất nóng từ năm này sang năm khác.
Cuối cùng, sự kiểm soát và hướng khí hậu Trái Đất đến trạng thái cân bằng sẽ là bất khả thi, đe dọa sự sinh tồn của mọi loài sinh vật trên hành tinh, không chỉ nhân loại. Các hệ quả đối với sinh quyển sẽ tác động trực tiếp đến đời sống con người như mất mùa, đói kém, thiên tai… và chúng ta không thể đảo ngược quá trình đó nếu đã đi quá xa.
Nguồn: Livescience
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/khoa-hoc-canh-bao-trai-dat-se-tro-thanh-hanh-tinh-hon-loan-voi-hau-qua-tan-khoc-lieu-co-phai-do-con-nguoi-huy-hoai-2022052622301364.chn” name=””]