Đi đám cưới là phải vui, phải mừng nhưng giữa thời buổi mà kiếm miếng ăn còn khó thì mỗi lần thiệp hồng trao tay là nỗi lo lại càng tăng thêm.
Sau một thời gian dài bị trì hoãn vì đại dịch, năm 2022 bỗng trở thành năm bùng nổ của tiệc cưới. Thế nhưng, đen đủi thay, nó lại rơi đúng vào thời điểm lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm. Và thế là, những câu chuyện đau đầu quanh chuyện đi đám cưới bắt đầu xảy ra…
Dành cả thanh xuân đi đám cưới
Mới từ đầu năm đến nay, Issy Berkey (27 tuổi), đến từ bang New York, Mỹ, đã nhận được 10 lời mời tham dự đám cưới, trong đó có 8 đám tổ chức ở nơi xa, buộc cô nàng phải di chuyển ra khỏi tiểu bang.
Nhà tư vấn trẻ tuổi này quyết định không tham dự một đám vì nơi tổ chức ở tận nước Ý xa xôi. Vé máy bay nằm ngoài khả năng chi trả của cô.
Ảnh minh họa.
Tờ Bloomberg cho hay, theo dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng gần đây nhất, chi phí vé máy bay trung bình đã tăng 33% trong tháng 4 so với 1 năm trước đó và gần 19% so với tháng trước.
“Tôi nhận ra rằng từ chối lời mời dễ dàng hơn là tham dự”, Issy nói.
Tuy nhiên, cô vẫn dự định sẽ tham dự 8 đám cưới khác, ở các địa điểm từ Arizona đến Canada, rồi cả Chicago, cộng với các bữa tiệc đòi hỏi phải di chuyển thêm trong một số trường hợp. Tổng chi phí ước tính 20.000 USD (tương đương khoảng 460 triệu đồng).
“Khoản tiền ấy không nằm trong kế hoạch tài chính của tôi. Nhưng tôi là một người tiết kiệm nên tôi chỉ còn cách cắt giảm các chi phí khác để có tiền tham dự các đám cưới này”, Issy cho biết.
Theo thống kê của trang The Wedding Report, ước tính có khoảng 2,5 triệu đám cưới diễn ra ở Mỹ trong năm nay. Con số này đạt kỷ lục kể từ năm 1984, sau khi nhiều cặp vợ chồng hoãn kết hôn do Covid-19 hoặc đính hôn trong đại dịch rồi làm đám cưới sau khi dịch đã bị khống chế.
Trong khi đó, 73% khách được mời tham gia cuộc khảo sát gần đây của Credit Karma cho biết lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tham dự đám cưới, buộc một số người phải vay nợ, sử dụng tiền tiết kiệm hoặc thậm chí là không đi.
Hiệu ứng tâm lý FOMO
Trước tiên, cần phải giải thích ngắn gọn rằng FOMO (Fear of missing out) là một hiệu ứng tâm lý khiến bạn luôn cảm thấy sợ bị bỏ lỡ cơ hội khi không chạy theo đám đông.
Theo khảo sát của Credit Karma, trung bình cứ một người Mỹ dự định sẽ tham dự 2,5 đám cưới trong năm nay và chi khoảng 1.000 USD cho mỗi đám cưới.
Hơn một nửa trong số họ cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn mức bình thường cho đám cưới, vì họ đã không được tham dự bất kỳ cuộc vui nào như thế trong suốt thời gian Covid-19 hoành hành.
Colleen McCreary, trưởng nhóm vận động tài chính tiêu dùng tại Credit Karma, cho biết: “Có rất nhiều lý do khiến mọi người cố gắng tham dự những bữa tiệc này. 30% trong số những người tham gia khảo sát cho biết họ sợ cảm giác bị bỏ lỡ (FOMO), dù không đủ khả năng chi trả. Đối với thế hệ Z, tỷ lệ đó là 50% và đối với thế hệ millennials, là 45%”.
FOMO là lý do tại sao Erin Scanlon ở Austin, bang Texas, Mỹ đang phải vật lộn với đám cưới sắp tới của người bạn thân nhất. Cô gái 24 tuổi làm việc trong lĩnh vực tiếp thị công nghệ đã được mời đến dự tiệc cưới ở Bắc Carolina.
“Mức chi phí quá lớn. Tôi thực sự không thể mua một chiếc vé máy bay với giá 800 USD (tương đương hơn 18 triệu đồng) vào tháng 6 và sau đó còn vé khứ hồi. Rồi đến tháng 7 lại một chuyến tương tự”, cô nói.
Đối với những đám cưới khác dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, Erin Scanlon và bạn trai đang cố gắng quyết định xem liệu 1 trong 2 người có nên đi thay vì đi cùng nhau để tiết kiệm tiền hay không. Giá vé máy bay cũng như tiền phòng khách sạn cao – trung bình tăng 23% so với năm ngoái – cho cô thấy rằng: “Lạm phát ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống hơn tôi nghĩ”.
Jeff Yu, ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, cũng không muốn bỏ lỡ ngày trọng đại của bạn bè. Chàng trai 28 tuổi làm việc tại một công ty khởi nghiệp công nghệ sẽ tham dự ít nhất 4 đám cưới trong năm nay, chưa tính các bữa tiệc độc thân.
Tất cả các đám cưới đều tổ chức ở thành phố khác, bao gồm Boston và Los Angeles, Yu ước tính anh phải chi từ 1.000 đến 1.500 USD (tương đương 23-34 triệu đồng) cho mỗi đám cưới.
“Đó là những người bạn mà chúng tôi đã không gặp trong nhiều năm. Vậy nên, rất khó để định giá cho điều đó”, anh nói.
Thắt lưng buộc bụng để có tiền đi đám cưới
Nhiều bạn trẻ đang phải tìm cách cắt giảm chi tiêu hàng ngày để có đủ tiền đi đám cưới. Nancy Nyström, hiện đang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ở New York, đang có ý định thăm người thân ở Florida khi cô tham dự đám cưới ở đó vào cuối năm nay.
Cô gái 29 tuổi này đã được mời tới tổng cộng 7 đám cưới và phải từ chối 3 đám vì chi phí quá lớn. Cô cũng phải từ chối lời mời tham dự một bữa tiệc độc thân có chi phí 800 USD.
“Tôi chỉ đang cố gắng quản lý chi tiêu mọi thứ hàng tháng”, cô nói. “Nó trở nên hơi nực cười rồi”.
Mariana Martinez, một nhà tư vấn kết nối gia đình của Wells Fargo, cho biết việc từ chối dự đám cưới là điều không hề dễ dàng. Nhưng nếu bạn dũng cảm trao đổi thẳng thắn về khó khăn trong chi phí có thể là một cách để làm sâu sắc thêm tình bạn. Bà cũng khuyên người trẻ Mỹ nên bố trí một khoản ngân sách hợp lý để trang trải chi phí dự các đám cưới (vé máy bay, phòng khách sạn, tiền mua quà tặng…), cũng như biết cách cắt giảm những khoản chi nào để bù đắp.
Nguồn: Bloomberg
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/khung-hoang-lam-phat-o-my-gia-ca-tang-cao-khien-nhieu-nguoi-khong-du-tien-di-dam-cuoi-20220614161513923.chn” name=””]