Tối qua 29/05 KOC VIETNAM 2022 đã khép lại với một đêm mãn nhãn người xem mở ra một làn sóng mới trong “nghề review” – công cụ thúc đẩy doanh thu cho nhà bán và cái nhìn thực tế cho khách hàng.
Sau 8 tập phát sóng, đêm qua KOC VIETNAM 2022 đã đi vào chung kết, vị trí quán quân thuộc về Call Duy Me – thí sinh nhận được sự kỳ vọng của Ban giám khảo cũng như sự yêu mến của cộng đồng. Sau mỗi tập KOC là sự thay đổi, lột xác và trưởng thành của dàn thí sinh KOC mùa đầu tiên. Đây là cũng là sân chơi chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam cho một nghề thời gian gần đây trở thành xu hướng trên thế giới.
Influencer Marketing Hub và đối tác Refersion mới đây đã ra mắt báo cáo về thị trường marketing influencer. Báo cáo được thực hiện với sự tham gia của hơn 2000 agency, thương hiệu và các chuyên gia có liên quan để xác định quan điểm của họ đối với thị trường mới nổi này.
Bất chấp những lo ngại ban đầu rằng hoạt động marketing nói chung và influencer marketing nói riêng có thể giảm do Covid-19, trên thực tế thị trường vẫn ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Thị trường về marketing influencer dự kiến có thể đạt giá trị 16,4 tỷ USD trong năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất của Influencer Marketing Hub, thị trường về Marketing Influencer sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2022. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này, Mỹ là thị trường chứng kiến sự phát triển nhanh chóng. Mặc dù có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số công ty tham gia vào thị trường vẫn tăng khoảng 30% (từ 5.600 công ty năm 2020 lên 7.300 công ty vào năm 2021).
Các dịch vụ/công ty liên quan đến Influencer Marketing đã tăng 26% vào năm 2021, lên 18.900 trên toàn thế giới. Mức tăng trưởng cao nhất ở Hoa Kỳ, với mức tăng 30% về các cơ quan, nền tảng và dịch vụ có ảnh hưởng. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng chứng kiến mức tăng trưởng lớn từ 2.750 công ty năm 2019 lên gần 5.000 công ty vào năm 2021. Có thể thấy, làn sóng sử dụng celeb, đến influencer (macro & micro influencer, KOL) đang là xu thế chung của thế giới và các công ty ngày càng chú trọng đến phương thức này.
Social e-commerce (Thương mại điện tử xã hội) có thể có nhiều hình thức, từ các nền tảng chuyên mua hàng theo nhóm đến mạng xã hội tích hợp cơ chế bán hàng cho đến những người bán nhỏ hơn giao tiếp trực tiếp với khách hàng thông qua các tính năng trò chuyện, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của họ.
Theo báo cáo của Bain & Co, tiềm năng về thị trường này ở Đông Nam Á rất lớn khi lượng dân số trẻ hiểu biết về công nghệ ngày càng gia tăng. Thời gian dành cho mạng xã hội của khu vực Đông Nam Á cũng cao hơn mức trung bình, điều này làm cho sự thành công của social e-commerce có thể dễ dàng hơn.
Miếng bánh ngon mang tên KOC tại Việt Nam
Tại Việt Nam, thuật ngữ KOC tuy còn khá mới mẻ nhưng đã được rất nhiều chuyên gia trong ngành nhận định là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai sắp tới. Công nghệ phát triển, biến chuyển sau đại dịch kéo theo hành vi mua sắm của con người thay đổi, cùng với sự bùng nổ và phát triển của ngành công nghiệp livestream, bán hàng online qua các sàn thương mại điện tử và kênh mạng xã hội, KOC đã dần khẳng định được vai trò cùng vị thế của mình trong việc tiếp thị sản phẩm đến với người tiêu dùng.
KOC có nhiều lợi thế và ưu điểm để phát triển quy mô lớn trong tương lai
Với sự nhạy bén trong việc nhìn nhận thị trường và chiến lược phát triển những xu hướng mới, VCCorp đã cùng Lazada Việt Nam phối hợp đồng tổ chức chương trình KOC VIETNAM 2022 nhằm tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho dàn KOC đầu tiên. Từ đây, các KOC sẽ trở thành cầu nối giữa các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng, đồng thời là công cụ thúc đẩy doanh thu cho nhà bán và cái nhìn thực tế hơn về sản phẩm cho khách hàng.
Cái bắt tay cả nhà cùng vui
Có rất nhiều yếu tố khiến làn sóng KOC trở thành tiềm năng trong tương lai. Đầu tiên là tối ưu chi phí quảng cáo. KOC không tốn tiền trả phí “đặt hàng” hay tính thêm chi phí quảng bá sản phẩm trên mỗi nội dung đăng. Các thương hiệu có thể cung cấp sản phẩm để KOC trải nghiệm và trả hoa hồng trên mỗi sản phẩm mà KOC giới thiệu, chi phí này tiết kiệm hơn rất nhiều so với những hình thức quảng cáo thông thường, đồng thời tạo nên hiệu quả chuyển đổi tốt hơn do lượng theo dõi KOC chủ yếu là những người đã có nhu cầu – một hình thức marketing khôn ngoan và hiệu quả.
Bên cạnh đó, KOC cũng là những người mang đến đánh giá và trải nghiệm thực tế về sản phẩm cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng có khả năng nhận ra một nội dung quảng cáo mang tính giới thiệu và một nội dung đánh giá dựa trên trải nghiệm và việc trải nghiệm đương nhiên rồi sẽ mang lại chỉ số lòng tin để ảnh hưởng đến quyết định mua hàng cao hơn.
Về phía KOC cũng nhận được rất nhiều quyền lợi hấp dẫn như mức thu nhập tương xứng, cơ hội trải nghiệm và làm việc cùng nhiều nhãn hàng khác nhau, cơ hội phát triển bản thân trong nhiều lĩnh vực ngành hàng, phát triển các kỹ năng làm việc như công nghệ livestream, sáng tạo nội dung để thu hút người xem…
Đặc biệt, thông qua KOC VIETNAM 2022, các KOC tham dự sẽ được đào tạo bài bản, trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để xây dựng hành trình nghề nghiệp nghiêm túc và lâu dài.
Với mục tiêu đặt bệ phóng cho doanh nghiệp, sân chơi chuyên nghiệp cho KOC và khách hàng mua được sản phẩm ưng ý, VCCorp đã kết hợp với Lazada mang lại một show truyền hình thực tế thu hút công chúng suốt thời gian diễn ra. Cuộc thi KOC VIETNAM 2022 đã thành công vượt mong đợi với mức độ phủ sóng lớn trên hơn 150 website báo chí, 35 fanpage hợp tác cùng 17 triệu lượt xem – con số đáng ngưỡng mộ sau một show truyền hình thường thấy là điều kiện tiền đề cho KOC những mùa tiếp theo và những sân chơi lớn hơn cho ngành nghề đầy tiềm năng này.
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/koc-vietnam-2022-17-trieu-view-va-cai-bat-tay-ca-nha-cung-vui-20220530211933627.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]