Sau cái tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi thầm biết ơn vì trong nhiều người từng quen, tôi đã gặp anh, “chọn” về làm con dâu của ba má anh.
30 năm, lần đầu tôi ăn tết xa nhà. Có lẽ, đây cũng là cái tết mở đầu cho những dịp tôi khó về nhà ba mẹ ruột đúng dịp giao thừa hay Mùng 1 tết.
“Xuất giá tòng phu”, tôi ngộ ra điều này khi kết hôn và bước vào một gia đình trọng truyền thống, lễ nghĩa. Tôi cần thay đổi đôi chỗ trong thói quen. Hay nói cách khác là tôi phải kiềm con người tự do, bản tính thích bay nhảy, lắm khi xuề xòa bên trong để giữ hòa khí. Cho nên mùa tết này, tôi đã sẵn tâm lý phải làm dâu, phải trải qua “kỳ đào tạo” của ba mẹ chồng.
Tôi ngồi xem ba chồng gói bánh chưng, nghe ông kể chuyện ngày xưa |
Dù trước khi cưới, tôi biết ba mẹ chồng không quá khó tính, nhưng thật lòng, tôi đã nghĩ sẽ khó vượt qua 10 ngày nghỉ tết ở… một nơi xa lạ. Thậm chí, tôi đinh ninh trong đêm giao thừa sẽ khắc khoải nhớ nhà, nhớ không khí tết ở quê kề bên ba mẹ và anh chị mà bật khóc. Bản thân hậu đậu, biết mình không làm được gì nhiều nên khi nghe nhà chồng nấu nhiều món ăn ngày tết, tôi càng thấy áp lực.
Vậy mà, thời gian tết ở nhà chồng trôi qua nhanh chóng. Tôi không nhớ nhà như tôi nghĩ, cũng không vất vả phải khóc ròng như bao cô dâu khác, đó là nhờ ba má chồng tâm lý, nhất là ba chồng. Ông xem con dâu như con cái trong nhà.
Lần đầu tiên tôi thức đêm xem vớt bánh và ăn miếng bánh nóng hổi |
Ông là bộ đội về hưu, điềm đạm, chuẩn mực và hay pha trò. Mọi thứ trong nhà đều do ông sắp xếp nhưng ông không độc quyền kiểu gia trưởng, mà luôn chủ động kêu con lại để chỉ dạy. Năm nay, lần đầu tiên ba chỉ chồng tôi cách lau dọn, sắp xếp mâm quả, ly chén lên bàn thờ gia tiên. Tôi biết ông chưa hoàn toàn ưng bụng cách sắp xếp của con trai út, nhưng ông vẫn khen là “có tiến bộ, có thể thay ba làm sau này nếu để ý thêm”.
Ba chồng tôi tâm lý, và cách ông tâm lý cũng không phải để lấy lòng ai mà chỉ muốn gia đình hòa thuận, con cái vui vẻ. Ông biết con dâu út năm đầu ăn tết xa quê nên hỏi han thường xuyên, không để con dâu thấy xa cách.
Lần ông ngồi gói bánh chưng, ông kể tôi nghe về cái tết thời niên thiếu, tiền bạc eo hẹp đến mức áo quần còn không đủ mặc. Với ông, cái bánh chưng nhiều thịt, nhiều đậu là thứ mà ông từng ao ước được ăn vào ngày tết. Ông bảo thời buổi bây giờ, kinh tế thị trường hiện đại, đồ ăn vô số kể, nên con cháu không còn hào hứng với bánh chưng, giò chả quê cha. Nhiều năm làm ăn không hết, con cháu có khi “rầy ngược” nhưng ông vẫn làm để giữ truyền thống cho gia đình, để các con cảm nhận được không khí ngày tết.
Ba chồng tôi sống tình cảm nên nhiều tâm sự. Nội chuyện tình nghĩa xóm làng phai nhạt cũng đủ để ông thấy buồn, tiếc mà kể hoài không hết những câu chuyện nhớ thương ngày xưa.
“Mới 2, 3 năm trước thôi, cứ hễ tới tết, hàng xóm kéo nhau đi phụ gói bánh chưng. Hết nhà này đến nhà khác, phụ gói xong thì các bà uống ly trà, các ông làm chén rượu. Tình quê coi vậy mà gắn bó keo sơn. Nay nhà nào lo nhà nấy, không còn qua lại với nhau, thấy sao mà xa cách, tết không còn vui!”, ông nói mà tay nâng niu từng cái bánh chưng nhỏ.
Món chả buông lơi làm ba chồng làm vô cùng thơm ngon |
Ba chồng tôi ít nói, chăm làm, nhưng đằng sau vẻ hài hước, tếu táo dễ chịu là nhiều nỗi lo cho con cháu. Ông sợ nhất 4 người con cùng dâu rể không biết yêu thương, đùm bọc nhau, nên trong mỗi bữa cơm, bữa uống trà sáng sớm, hễ có chuyện gì có thể lồng ghép, nhắc nhở, ông đều nói để các con ghi nhớ.
Nhiều người biết tôi ăn tết đầu tiên ở nhà chồng nên nhắn tin hỏi thăm, sợ tôi vất vả, buồn, lại không có thói quen chia sẻ trên mạng. Nhưng thật lòng, tôi chẳng có “drama” nào để kể. Có lẽ, vợ chồng tôi chưa có con, kinh tế ổn định, lại không phải lo toan tiền bạc cho nhà chồng nên phần nào nhẹ gánh.
Mà nếu có phải lo tiền bạc cho nhà chồng, giống như lo cho ba mẹ ruột của tôi, thì cũng chẳng phải căng thẳng, mệt mỏi, bởi mẹ chồng làm hết các việc như lau nhà, quét nhà, nấu cơm, rửa chén, đi chợ, lo ăn sáng.
Tôi phụ được việc nào thì phụ, bà không nặng lời một câu. Ba chồng thì chuyện trò, hỏi thăm, cứ đúng 5 giờ chiều có bình nước nóng để tôi mang đi tắm.
Sáng ngủ dậy, ông bà đã đợi tôi ăn sáng, hỏi thăm tôi ngủ ngon không. Mỗi bữa ăn đều hỏi có hợp không, có cần phải đổi món cho tôi dễ ăn không… Ông bà ân cần cho tôi cảm giác nhẹ nhàng hơn những ngày tết ở nhà ba mẹ ruột.
Cảnh hoàng hôn tôi chụp ở con sông cách nhà chồng 30km. Cũng nhờ ba mẹ chồng nhắc đi chơi, nên dịp tết vợ chồng tôi thăm thú được nhiều điểm. |
Đến Mùng 3, ba mẹ chồng bảo vợ chồng tôi Mùng 4 đi du xuân đi, tìm nơi nào du lịch đừng quá đông đúc mà ghé chơi. Tôi nhớ như in lời mẹ chồng nói với chồng: “Năm sau vợ con sinh, tết này tranh thủ đi chơi, ở nhà nhiều có khi lại cần ra ngoài hít thở không khí. Đi đi, chẳng phải ngại gì ba mẹ”.
Thế là vợ chồng tôi lên xe đi về biển Vũng Tàu, Phan Thiết, Mũi Né tận hưởng kỳ nghỉ tết trọn vẹn. Tôi thấy mình may mắn khi về làm dâu ở nhà anh, may mắn khi ba mẹ chồng tâm lý và thấy hiểu tâm tư vợ chồng trẻ.
Bài, ảnh: Khánh An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ky-nghi-tet-nha-chong-day-bat-ngo-a1484075.html” name=””]