25 năm đã trôi qua kể từ khi Công nương Diana đột ngột qua đời trong vụ tai nạn giao thông, hàng triệu người hâm mộ vẫn không ngừng nhớ thương về bà.
Vào ngày 31/8, những người yêu mến cố Công nương Diana lại được dịp cùng nhau tưởng nhớ và tri ân về những di sản vĩ đại mà bông hồng nước Anh để lại cho đời. Sự ra đi đột ngột của bà khiến bao người tiếc thương nhưng họ không bao giờ quên những ký ức tươi đẹp về một vị Công nương tài sắc vẹn toàn, có tấm lòng bao dung nhân hậu.
Nhân kỷ niệm 25 năm ngày huyền thoại hoàng gia qua đời, hãy cùng nhìn lại những khoảnh khắc và dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời bà:
Thời niên thiếu không thể nào quên
Diana chào đời trong buổi chiều muộn ngày 1/7/1961 tại Sandringha, Norfolk (Anh). Tuy nhiên việc bà là một bé gái khiến cha mẹ khá thất vọng.
Những năm đầu đời, Công nương Diana sống trong sự yên vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, không khí gia đình Diana dần trở nên căng thẳng. Cha bà thích sống ở vùng thiên nhiên rộng lớn, thích câu cá săn bắn còn người mẹ lại muốn ở thành phố sôi động.
Diana thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã khi mới 4 tuổi. Lên 7 tuổi, gia đình tan vỡ, bố mẹ Diana ly hôn. Anh chị em của Công nương tương lai ở với bố. Họ đùm bọc, che chở cho nhau khi thiếu hơi ấm của mẹ.
Lớn hơn một chút, Diana học trường nội trú tại Riddlesworth Hall vào năm 1970. Buồn bã vì phải xa nhà, Diana từng nói với cha mình: “Nếu bố yêu con, bố sẽ không để con ở đây một mình”.
Đây là trường học chỉ dành riêng cho các nữ sinh. Sống xa nhà lại thiếu hơi ấm gia đình, cô bé Diana có tính cách nhút nhát, dễ tổn thương, khó hòa nhập với môi trường. Các môn như toán, lịch sử, địa lý, tiếng Pháp giống như cơn ác mộng với Diana ngày ấy.
Theo thời gian, những thế mạnh của Công nương Diana được bộc lộ. Bà yêu thích và đạt thành tích đáng nể ở các môn thể thao như bơi lội, tennis, khiêu vũ, múa ba lê…
Ít ai biết rằng, bà từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi bơi lội. Về sau, cha cho bà học trường West Heath Boarding School ở Kent. Tại đây, cố Công nương thể hiện năng khiếu âm nhạc rất tốt. Bên cạnh đó, bà còn nhận giải thưởng của trường West Health vì tinh thần cộng đồng.
Công nương Diana chụp trước cổng của ngôi nhà thơ ấu, gắn bó với bà trong một thời gian dài.
Năm 1976, cha Công nương Diana tái hôn. Ngôi nhà thân yêu ngày nào giờ không còn là chốn đi về của chị em bà vì sự hiện diện của mẹ kế. Năm 1977, bà rời West Health và học trường Institut Alpin Videmanette ở Thụy Sĩ.
Tháng 1/1980, các tay săn ảnh bắt đầu bám riết thiếu nữ 19 tuổi Diana sau khi tin tức bà hẹn hò với Thái tử Charles bị rò rỉ.
Diana lần đầu tiên gặp Thái tử Charles vào tháng 11/1977 trong một cuộc đi săn do gia đình Spencer tổ chức. Diana sở hữu vẻ ngoài hiền dịu lại xuất thân từ dòng họ quý tộc Spencer nên đã nhanh chóng được hoàng gia Anh chấm là người thích hợp trở thành vợ của Thái tử Charles.
Trước khi trở thành nàng dâu hoàng gia, Công nương Diana từng là người trông trẻ. Trong ảnh là bà chụp cùng hai em bé vào năm 1980.
Vào năm 1981, hoàng gia Anh thông báo về lễ đính hôn của Thái tử Charles với tiểu thư xinh đẹp nhà Spencer. Khi đó, bà Diana vẫn tiếp tục công việc của mình và thường xuyên bị cánh tay săn ảnh bám đuổi ở khắp mọi nơi. Cũng kể từ đây, cuộc đời của Công nương đã bước sang một trang hoàn toàn mới.
Vị Công nương được lòng dân chúng
Công nương Diana hỏi han một phù dâu nhí trong hôn lễ hoàng gia ngày 29/7/1981. Nàng dâu hoàng gia luôn lan tỏa trái tim ấm áp của mình ở khắp mọi nơi.
Hôn lễ thế kỷ của Thái tử Charles và Công nương Diana đã lập nhiều kỷ lục ấn tượng. Đây là đám cưới hoàng gia đầu tiên tổ chức tại nhà thờ St Paul’s kể từ năm 1501. Đã có khoảng 750 triệu người ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ theo dõi hôn lễ qua nhiều phương tiện khác nhau.
Không những vậy, khoảng 2 triệu người đã xếp hàng dọc đoạn đường từ điện Clarence House đến nhà thờ St Paul’s để ngắm nhìn cặp đôi hoàng gia trong lễ cưới thế kỷ. Đuôi váy dài 7,6m khiến trang phục mà Công nương Diana mặc trở thành chiếc váy cưới hoàng gia dài nhất trong lịch sử.
Bức ảnh ngủ gật nổi tiếng của Công nương Diana trong một sự kiện vào năm 1981. Khi đó bà đang mang thai Hoàng tử William được 2 tháng.
Là một nàng dâu mới với lịch trình hoạt động dày đặc chắc chắn sẽ khiến bà cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Chính vì vậy, người dân Vương quốc Anh rất thấu hiểu những khó khăn và áp lực mà nàng dâu hoàng gia này phải trải qua. Ở độ tuổi còn quá trẻ, những gánh nặng mà Công nương Diana mang trên mình có lẽ quá sức đối với bà.
Một người hâm mộ hôn bàn tay bà để thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn kính dành cho Công nương trong chuyến đi tới Melbourne, Australia.
Vương phi xứ Wales đã phá vỡ quy tắc hoàng gia tồn tại bấy lâu nay khi bà xóa bỏ mọi khoảng cách giữa mình với dân chúng. Đi đến đâu, bà đều nhận được sự đón chào và ủng hộ nồng nhiệt của đám đông khổng lồ. Sự thân thiện và dễ gần của bà là một trong lý do khiến mọi người gọi là “Công nương quốc dân”.
Công nương Diana để một em bé ngồi trong lòng mình khi bà đến thăm trường trung học Lallapet ở Hyderabad, Ấn Độ, tháng 2/1992.
Trẻ em là một trong những niềm đam mê bất tận của Công nương Diana. Đi đến đâu, bà luôn quan tâm và để ý đến các em nhỏ. Trái tim nồng ấm của bà là một trong những điều đưa bà trở thành huyền thoại bất tử, không ai có thể đánh đổ tượng đài vững chắc này.
Các nhân viên hoàng gia trên chuyến bay tới Úc vào tháng 10/1985 đã có cuộc trò chuyện sôi nổi với Công nương Diana.
Công nương đối xử với các nhân viên không phải như cấp trên với cấp dưới, mà là những người thân quen. Bà thường đến nhà bếp của họ và dùng bữa với họ tại một bàn ăn chung. Ngoài ra, trái với truyền thống, Công nương Diana thường trao cơ hội cho những nhân viên trẻ, những người trước đây chưa có cơ hội thăng tiến trong công việc.
Khoảnh khắc biển người tập trung chỉ để ngắm nhìn Công nương Diana đủ khiến Thái tử Charles phải cảm thấy “ganh tỵ” trong chuyến công du tới Úc của cặp đôi vào năm 1983.
Bông hồng nước Anh là thành viên hiếm hoi của hoàng gia tạo ra sức hút khổng lồ đến như vậy. Nhiều chuyên gia cho hay, Thái tử Charles từng phải thừa nhận rằng, mọi người xuất hiện trong đám đông chỉ để được nhìn thấy Công nương Diana một lần. Mỗi khi bà lộ diện đều trở thành tâm điểm chú ý.
Những di sản không thể nào quên
Bông hồng nước Anh đi thăm các nạn nhân bị bom mìn tàn phá tại Angola vào năm 1997. Tấm lòng nhân ái của bà đã khiến hàng triệu trái tim phải thổn thức.
Cũng trong chuyến đi này, Công nương Diana đã mặc đồng phục của tổ chức từ thiện và đeo kính bảo hộ, một mình đi bộ qua bãi mìn chưa bị vô hiệu hóa vào năm 1997. Cảnh bà đi qua bãi mìn đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng, Diana khiến mọi người phải suy nghĩ về vấn đề bom mìn vẫn còn tồn tại và đe dọa sự sống của hàng triệu người.
Cả thế giới phải ngỡ ngàng khi Công nương Diana trực tiếp bắt tay một bệnh nhân AIDS mà không cần đeo găng bảo hộ. Khoảnh khắc này đã làm thay đổi nhận thức của mọi người đối với những bệnh nhân AIDS.
Sức lan tỏa từ bức ảnh đã giúp cải thiện tích cực tình trạng kỳ thị người nhiễm căn bệnh thế kỷ. Dù bà đã qua đời nhưng Hoàng tử Harry quyết tâm sẽ tiếp tục con đường này của mẹ mình.
Trong chuyến công du tới Ấn Độ cùng với Thái tử Charles, khi dừng chân tại Trung tâm Phúc lợi Tuổi già Mianpur, bà đã gặp và bắt tay với những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ.
Cuộc đời của Vương phi xứ Wales tuy ngắn ngủi, nhiều bi kịch nhưng nổi bật trên hết vẫn là một tấm lòng và trái tim nhân ái. Bà là người bảo trợ cho gần 100 tổ chức thiện nguyện. Với vị trí là Công nương, bà đã hỗ trợ cho nhiều tổ chức nhân đạo trên toàn hành tinh.
Công nương Diana làm từ thiện tại trung tâm tị nạn Nemazura ở Zimbabwe năm 1993. Bà tự tay phát đồ ăn cho những đứa trẻ tại đây.
Hai năm sau khi bà mất, Công nương Diana được tạp chí Time ghi vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. 5 năm sau khi qua đời, Công nương Diana vẫn đứng thứ 3 trong danh sách 10 người con vĩ đại nhất của nước Anh trong cuộc bình chọn do đài BBC tổ chức. Chính những hành động nhân đạo cao cả của bà đã để lại cho đời những di sản vẫn còn tồn tại mãi mãi.
Công nương Diana ôm một em nhỏ ốm yếu ở trong lòng khi bà có chuyến thăm tới bệnh viện ung thư Imran Khan ở thành phố Lahore, Pakistan, năm 1996.
Các bệnh nhân ung thư cũng là những trường hợp mà Công nương Diana đặc biệt quan tâm và tích cực hoạt động từ thiện. Mọi hành động của bà đều giúp cho xã hội xóa bỏ những ánh nhìn kỳ thị và hà khắc đối với những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong chuyến công du đầu tiên sau khi chia tay Thái tử Charles, Công nương Diana đã cùng Hội Chữ thập đỏ đến Nepal thăm những người mắc bệnh phong để tiếp tục xóa bỏ những kỳ thị của dư luận về người mắc bệnh này.
Sau khi chia tay Thái tử Charles, Công nương Diana vẫn tiếp tục tận dụng sức ảnh hưởng của mình để giúp đỡ càng nhiều người càng tốt. Bà đã đem đến ánh sáng niềm tin và hy vọng cho nhiều người.
Công nương Diana lắng nghe một cậu bé khuyết tật trong chuyến thăm của bà ở Paris vào năm 1992.
Trước khi qua đời, Công nương Diana dành phần lớn thời gian vào các hoạt động từ thiện và nhân đạo. Bà đã đến thăm nhiều trung tâm và gặp gỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, truyền cảm hứng cho hàng triệu người.
Một trong những di sản to lớn bà để lại cho đời đó chính là phong cách thời trang trường tồn với thời gian. Những bộ trang phục bà mặc vẫn còn truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo.
Nguồn: Tổng hợp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/ky-niem-25-nam-ngay-mat-cong-nuong-diana-loat-khoanh-khac-dac-biet-chua-tung-thay-trong-cuoc-doi-cua-huyen-thoai-bat-tu-20220830230313346.chn” name=””]