Trẻ bị cảm lạnh thường rất phổ biến và ít khi nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi mắc cảm lạnh, trẻ thường rất khó chịu và có thể xảy ra một số biến chứng như viêm phổi, cúm nếu như không được chăm sóc tốt.
Nguyên nhân khiến trẻ bị cảm lạnh
Cảm lạnh thường xuất hiện do sự nhiễm trùng tại đường miệng, cổ họng, mũi (đường hô hấp trên), bệnh được gây ra do virus. Những loại virus này có thể tồn tại trong không khí hoặc trên các mặt ở khoảng thời gian ngắn nên rất dễ bị lây lan qua hít thở hoặc tiếp xúc.
Trẻ bị cảm lạnh có thể là do lây từ nhiều nguồn khác nhau. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, trẻ bị cảm lạnh có thể là do bị lây từ những người có các triệu chứng như hắt xì, chảy nước mũi, ho. Hoặc trẻ cũng có thể bị viêm nhiễm nếu chạm tay lên bề mặt bị nhiễm virus, sau đó đưa tay lên miệng, mũi, làm cho virus xâm nhập vào bên trong.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cảm lạnh
Thông thường, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi trẻ bị cảm lạnh là hắt hơi và sổ mũi, nguyên nhân là những virus gây cảm lạnh vốn đã có sẵn trong họng và mũi của trẻ. Chỉ cần cha mẹ lơ là trong việc chăm sóc trẻ nhỏ cũng có thể vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển tại dịch nhầy được tích tụ ở lồng ngực, mũi. Nếu trẻ không may bị cảm, hệ miễn dịch của trẻ lại yếu nên rất dễ bị “hạ gục”.
Trẻ thường dễ bị cảm lạnh nhiều lần trong một năm, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Để giúp trẻ có thể phục hồi nhanh chóng, mẹ cần phải lưu ý đến khâu chăm sóc trẻ. Nếu như trẻ được bảo vệ và chăm sóc kỹ lưỡng, cảm lạnh có thể tự hết khi toàn bị dịch nhầy có chứa virus bị tống ra ngoài. Với trường hợp sức đề kháng của trẻ quá yếu, virus có thể gây nhiễm trùng thứ phát dẫn đến nhiều biến chứng như viêm tai cấp tính, lên cơn hen suyễn, viêm xoang, viêm họng…
Ho, hắt hơi, sổ mũi, có thể là dấu hiệu khi trẻ bị cảm lạnh. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị cảm lạnh có nên tắm không?
Rất nhiều phụ huynh thường lo lắng về vấn đề tiếp xúc với nước sẽ khiến bệnh của con nặng hơn và lâu khỏi hơn. Nhiều người cho rằng, trẻ bị cảm lạnh, nhất là ho và sổ mũi không nên tắm gội bởi có thể sẽ khiến cho trẻ bị ốm nặng hơn, lâu khỏi hơn.
Tuy nhiên, mẹ vẫn nên tắm cho bé để giúp cho cơ thể bé luôn khô thoáng, sạch sẽ, dễ chịu hơn. Điều cần phải lưu ý là cách tắm và thời gian tắm sao cho hợp lý. Tắm nước ấm cho bé sẽ rất tốt cho bé vào lúc này. Việc tắm sẽ giúp lau sạch mồ hôi và ghét bẩn trên cơ thể bé, tránh các bệnh nhiễm trùng và các bệnh về da.
Ngoài ra, hơi nước còn có công dụng thông mũi rất tốt ở trẻ, giúp bé thư giãn và thở một cách dễ dàng hơn vì những dịch nhầy trong mũi đã được làm loãng nhờ hơi nước.
Khi tắm cho trẻ bị cảm lạnh, mẹ cần phải tắm trong phòng kín gió, có thể mở nước ấm trước hoặc dùng máy sưởi để phòng ấm áp hơn, chỉ tắm cho bé trong khoảng 5 đến 10 phút, khi ra khỏi nước cần phải lau khô cơ thể trẻ thật nhanh với khăn mềm sạch và to. Tắm xong, mẹ nên hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, có gió.
Trẻ bị cảm lạnh nôn có đáng lo không?
Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi chưa biết khạc đờm hay xì mũi thường có thể nuốt tất cả dịch mũi họng vào. Điều này khiến cho dạ dày của trẻ trong trạng thái căng và đầy hơi, dễ khiến trẻ bị cảm lạnh và nôn. Ngoài ra, trẻ bị ho nhiều hoặc khóc nhiều cũng dễ gây nôn. Khi trẻ bị nôn do cảm lạnh thường khiến cho phụ huynh lo lắng.
Trẻ bị cảm lạnh nôn thường khiến phụ huynh lo lắng. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, điều đầu tiên cha mẹ cần phải làm là phải luôn giữ được thái độ bình tĩnh để quan sát các biểu hiện của bé. Ngoài ra, phụ huynh nên thực hiện:
– Bù nước và điện giải cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ, nên cho trẻ uống chút ít một vì uống nhiều cũng có thể gây nôn ở trẻ.
– Để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể lực, thư giãn tâm lý.
– Cho trẻ ăn nhẹ và chia nhỏ bữa ăn, các loại thức ăn dễ tiêu hóa như chuối, thịt băm, bánh mì mềm…, hạn chế chất béo hoặc gia vị. Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn quá no.
– Không cho trẻ ăn trong vòng 30-60 phút vì có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn.
Khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì?
– Bổ sung nhiều nước cho trẻ: Khi bị cảm lạnh, trẻ có thể bị sốt và thấy khát nước hơn. Vì thế, cha mẹ cần phải khuyến khích bé uống nhiều nước. Ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra tình trạng mất nước nghiêm trọng với các dấu hiệu như môi khô, không có nước mắt khi khóc, những điểm mềm có vẻ như bị lõm vào, giảm hoạt động, đi tiểu ít hơn bình thường. Mẹ nệ cho bé bú nhiều nhất có thể.
– Làm thông mũi nếu trẻ bị nghẹt mũi: Các loại thuốc xịt mũi thường không được khuyến khích dùng cho trẻ nhỏ. Thay vào đó, mẹ nên dùng máy tạo ẩm dạng phun sương để làm tăng độ ẩm phòng của bé. Ngoài ra, sử dụng nước muối sinh lý cũng giúp các dịch nhầy loãng chảy ra dễ dàng hơn. Điều này rất hữu ích trước khi cho bé ăn và trước khi đi ngủ.
– Làm dịu cơn ho: Với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể dùng một chút mật ong để trị ho thay vì dùng thuốc, khoảng từ 2-5ml/lần. Theo các chuyên gia, mật ong có thể an toàn và mang đến hiệu quả hơn so với các loại thuốc ho.
– Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn: Nghỉ ngơi nhiều sẽ giúp con phục hồi nhanh chóng. Hãy mặc quần áo thoải mái, tránh đắp chăn dày hoặc nhiều lớp vì nó có thể khiến con bị nóng hơn.
Mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị cảm lạnh. (Ảnh minh họa)
Trẻ bị cảm lạnh nên ăn gì?
Mẹ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm dưới đây để tăng sức đề kháng cho bé khi bị cảm lạnh:
– Súp hoặc cháo gà: Có tác dụng giúp làm sạch đường hô hấp, hỗ trợ làm thuyên giảm nghẹt mũi hơn so với các món khác . Thêm một số nguyên liệu như hành, gừng sẽ giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh hơn.
– Sữa: Là nguồn bổ sung không thể thiếu để cung cấp nước, dưỡng chất giúp trẻ tăng đề kháng.
– Trái cây họ cam, quýt: Bé trên 1 tuổi có thể dùng nước ép trái cây nhiều vitamin C như nước chanh, nước cam…trước khi có các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện hoặc bé sẽ cảm thấy khỏe và mau khỏi bệnh hơn.
– Các loại rau củ tăng đề kháng: Việt quất, bông cải xanh, cây cải xoăn, hành đỏ…đều chứa lượng oxy hóa nhất định giúp bé chống lại những cơn cảm lạnh thông thường.
– Sữa chua: Là thực phẩm có chứa những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe, thúc đẩy sức khỏe hệ tiêu hóa và giúp ngăn ngừa bệnh dạ dày.
– Cà rốt và khoai lang: Rất giàu thành phần beta-carotene nên khi bổ sung những thực phẩm này, cơ thể sẽ chuyển đổi hợp chất hữu cơ thành vitamin A – loại vitamin cần thiết để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Khi nào trẻ bị cảm lạnh cần đến bác sĩ?
– Trẻ bị sốt trên 38 độ C (đối với bé dưới 3 tháng tuổi) và trên 39 độ C (với bé dưới 6 tháng tuổi).
– Trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm sau vài ngày bị cảm lạnh.
– Trẻ cảm thấy bị khó thở hoặc ho dai dẳng.
– Bé có các dấu hiệu bị nhiễm trùng tai hoặc dấu hiệu bị kích thích tai.
– Dịch mũi của bé có màu xanh lá cây hoặc màu vàng.
Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ, mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ.(Ảnh minh họa)
Mẹ tuyệt đối không nên dùng thuốc uống cho trẻ nếu không được bác sĩ kê đơn, chỉ định liều dùng phù hợp. Nếu tự ý dùng sẽ mang đến những tác dụng phụ nguy hiểm đối với sức khỏe của bé.
Phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ
– Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé. Nếu trẻ đã lớn thì dạy bé rửa tay trước khi ăn và sau khi chơi với động vật.
– Không cho bé tiếp xúc gần với những người đang bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc nghi ngờ bị cảm lạnh.
– Thực hiện dạy trẻ che tay khi ho hoặc hắt hơi.
– Luôn nhắc trẻ không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Không được mút tay hay cắn móng tay.
– Thực hiện vệ sinh phòng ở, phòng đồ chơi hoặc đồ dùng của bé thường xuyên.
– Nếu ra ngoài nên mang theo chai nước rửa tay khô cho bé.
[yeni-source src=”https://phununews.nguoiduatin.vn/tre-bi-cam-lanh-me-can-lam-gi-cach-xu-ly-va-dieu-tri-a566298.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con/tre-bi-cam-lanh-me-can-lam-gi-cach-xu-ly-va-dieu-tri-c13a517743.html” name=””]