Nếu bạn hoặc người thân quen của bạn có con trong độ tuổi vị thành niên (tuổi teen), bạn có thể đã nghe đến chuyện trẻ tự cắt vào tay hoặc có những hành động tự gây thương tích khác.
Một số người cho rằng đó chỉ là một xu hướng nhất thời và không quá coi trọng. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng tự hủy hoại bản thân ở lứa tuổi vị thành niên là một hiện tượng rất thực tế.
Trẻ tuổi teen lại tự ngược đãi bản thân là một cách đối phó không lành mạnh để phản ứng với những cảm xúc khó khăn |
Hiện tượng này đang gia tăng không chỉ riêng ở một quốc gia nào đó mà trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo kết quả của một cuộc nghiên cứu được tiến hành tại 41 quốc gia, có khoảng 17% thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi cố ý gây thương tích cho bản thân mỗi năm.
Tại sao trẻ tuổi teen lại tự cắt tay hoặc sử dụng các hình thức tự ngược đãi bản thân khác? Theo các chuyên gia, những hành động này là một cơ chế đối phó không lành mạnh để phản ứng với những cảm xúc khó khăn.
Tự hại hay tự gây thương tích, tự hủy hoại bản thân là một cách để các thanh thiếu niên giải phóng cảm giác đau đớn, căng thẳng và lo lắng. Những cảm xúc đau đớn này có thể bao gồm tức giận, xấu hổ, đau buồn và tội lỗi. Các bạn trẻ coi đây là một cách để kiểm soát cảm xúc của mình, hoặc sử dụng cách này để đánh lạc hướng bản thân khỏi cảm xúc hoặc hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, trẻ có thể muốn trừng phạt bản thân vì một lý do nào đó mà các em coi là lỗi hoặc khuyết điểm của mình.
Theo các chuyên gia, tự gây thương tích có thể mang lại cảm giác bình tĩnh và giải tỏa căng thẳng tạm thời nhưng không thể giải quyết được các vấn đề bên trong. Những cảm xúc đau khổ nhanh chóng quay trở lại. Một số trẻ vị thành niên chỉ tự gây thương tích vài lần rồi dừng lại. Nhưng có những em tiếp tục lặp đi lặp lại, trong một thời gian dài.
Những hành động này là một cơ chế đối phó không lành mạnh liên quan đến một tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn như trầm cảm, rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu. Hơn nữa, trẻ tự làm hại bản thân thường hành động như vậy khi đang bị ảnh hưởng bởi rượu hoặc ma túy. Một số chuyên gia cũng tin rằng thanh thiếu niên từng trải qua tổn thương, bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng có nguy cơ cao hơn.
Mặc dù hành động này không được coi là một cách để tự tử, nhưng nó có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ tự tử. Vì thế, cắt tay và các hình thức tự gây hại khác cần được hỗ trợ và nên sớm giải quyết bằng các biện pháp điều trị chuyên nghiệp ngay khi được phát hiện.
Trẻ vị thành niên thường thực hiện những hành động này một cách riêng tư. Tuy nhiên, các em có thể sử dụng việc tự làm tổn thương bản thân như một cách để gắn kết với những người khác, những người cũng trải qua nỗi đau khổ và đau đớn. Hơn nữa, những em có bạn bè từng thực hiện hành vi này có nhiều khả năng cũng làm giống như vậy.
Ngoài ra, ngày nay, trẻ vị thành niên đang tìm cách giải tỏa những cảm xúc đau đớn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trực tuyến về cách tham gia vào những dạng hành động tự làm hại bản thân.
Áp lực thi cử và dành nhiều thời gian cho các phương tiện kỹ thuật số cũng lấy đi thời gian dành cho các hoạt động lành mạnh hơn, chẳng hạn như ngủ, tập thể dục hoặc tiếp xúc với thiên nhiên. Do đó, thanh thiếu niên có ít cơ hội phát triển các phương pháp tích cực để đối phó với căng thẳng.
Những hành động có thể được mô tả là “tự gây hại cho bản thân” bao gồm (nhưng không giới hạn): Cắt hoặc cạo da; tự bứt tóc, đốt da, xương bị bầm tím hoặc gãy, ăn các chất độc hại.
Nếu các phụ huynh đang lo lắng về khả năng “tự làm hại bản thân” của con họ, bà Hayley Van Zwanenberg, bác sĩ người Anh, chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần cho đối tượng tuổi teen đề xuất một số giải pháp thực tế như sau:
– Nếu trẻ đang rất căng thẳng và chuyển sang tự làm hại bản thân, bác sĩ Hayley van Zwanenberg gợi ý một hình thức ít gây đau đớn hơn: Hãy bảo con bạn nắm thật chặt ít đá lạnh (cảm giác như bị bỏng nhưng sẽ không gây tổn thương). Khi đá tan, các em có thể cảm thấy căng thẳng tan biến.
– Nhắc nhở con bạn rằng việc trải qua những cảm xúc mạnh như buồn bã, tức giận, sợ hãi và lo lắng là bình thường, nhưng những cảm xúc này không kéo dài và bạn có thể làm những việc để giúp con như cùng nhau xem các clip hài hước trên YouTube, trò chuyện hay tập thể dục.
– Tuổi trẻ thường “thảm họa hóa” nhiều thứ; các cô cậu tin rằng mình sẽ “thất bại một cách ngoạn mục”. Phụ huynh nên cùng con thảo luận về những thành quả đến từ sự chăm chỉ cũng như kỹ năng và phẩm chất cá nhân, để các em có thể thách thức kiểu suy nghĩ phi lý của mình với bằng chứng cụ thể.
– Giúp trẻ giải quyết vấn đề và hình thành một kế hoạch để ngay cả khi những hy vọng trước mắt không thành hiện thực, trẻ vẫn có những lựa chọn và tin vào tương lai.
– Khuyến khích trẻ vận động mạnh 20 phút mỗi ngày để giúp cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.
– Nếu trẻ quá lo lắng về việc thi cử, hãy nói rằng “con chỉ cần lo trong một thời gian ngắn thôi, chỉ 10 phút thôi, rồi hãy thư giãn.
– Nhắc trẻ rằng bạn yêu con một cách vô điều kiện.
Mai Ngọc (tổng hợp)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lam-gi-khi-con-khung-hoang-tinh-than-co-hanh-vi-tu-hai-a1464511.html” name=””]