Bà trách mình sao yếu đuối cam chịu kiếp vợ hờ hơn ba mươi năm. Có phải con gái bà đã theo cái gương mờ của bà?
Thà vất vả nuôi con một mình còn hơn chịu cảnh chung chồng (Ảnh minh họa) |
Khi còn trẻ, bà Chi có nước da trắng, dáng người thanh mảnh và khuôn mặt xinh xắn nên khá nhiều người theo đuổi. Cuối cùng bà chọn ông Minh, người đàn ông hiền lành từ Quảng Ngãi vào Đắk Lắk thuê nhà, làm nghề thợ mộc ở xóm bên.
Hai người qua lại, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, bà Chi mang thai. Cái thai đến tháng thứ sáu, bà hối chuyện đám cưới, ông Minh mới khai thật đã có vợ con ở quê. Ông nói vợ chồng ông không hợp tính, việc ngoài quê cũng không nhiều, ông Minh mới đi làm xa gửi tiền về để vợ nuôi ba con.
Thai lớn và dù sao cũng không chạm mặt vợ ông Minh, nên sau một thời gian suy nghĩ, mặc kệ phản đối của ba mẹ, bà Chi thuê một căn nhà nhỏ, sống riêng và sinh con. Ông Minh thi thoảng mới ghé ăn cơm và ngủ lại, vì ông sợ chuyện mình có “nhà riêng” đến tai vợ.
Con gái lớn dần, hàng xóm và ba mẹ khuyên can nhưng bà Chi vẫn tiếp tục cuộc sống như vậy. Rồi đứa con thứ hai, thứ ba ra đời. Cha mẹ bà Chi cuối cùng cũng cho con gái miếng đất nhỏ để làm nhà và buôn bán túc tắc nuôi con.
Con gái lớn lấy chồng, con gái nhỏ vào đại học, con trai sắp tốt nghiệp cấp III, các con đều nên người, bà Chi nghĩ mình sắp thảnh thơi.
Một ngày nọ, Tâm – cô con gái thứ hai sinh viên năm ba đột ngột về thăm nhà. Khi Tâm bước vào cửa, nhìn chiếc bụng hơi phồng dưới chiếc áo khoác, bà Chi đã sinh nghi, đến khi con gái cởi áo khoác, để lộ hẳn chiếc bụng, bà Chi muốn ngất.
Tâm kể, vào thành phố học, cô được Hùng, người cùng quê, lại là bạn học của chị gái, giúp đỡ nhiều. Tâm và Hùng yêu nhau, Hùng hứa rất nhiều về một cuộc sống chung hạnh phúc khi cả hai ra trường.
Nhưng khi biết Tâm có bầu, Hùng bắt đầu tránh né, không nghe điện thoại và đổi phòng trọ. Tâm buộc phải vác cái thai về quê, đến nhà Hùng, thưa chuyện cùng ba mẹ anh. Lúc này Tâm mới biết anh ta có vợ từ hai năm trước. Thì ra, thấy Tâm chân ướt chân ráo vào thành phố, Hùng chỉ muốn có thêm chút tình qua đường. Cha mẹ Hùng thì cho rằng Tâm có thai với ai rồi đổ cho con trai họ.
Thấy Hùng và gia đình Hùng kiên quyết như thế, thấy Tâm chỉ biết lấy nước mắt rửa mặt, bà Chi không biết nên thương hay nên trách con gái. Hàng xóm, không ít người mỉa mai: “Mẹ sao con vậy”. Bà Chi không dám ra khỏi nhà.
Đêm, bà Chi hay nằm khóc. Nước mắt của sự hối hận vì ngày trước cha mẹ bà khuyên bà nên chia tay ngay ông Minh sau khi sinh con, bà không nghe lời. Bà trách mình sao yếu đuối cam chịu kiếp vợ hờ hơn ba mươi năm. Có phải con gái bà đã theo cái gương mờ của bà? Nếu bà danh chính ngôn thuận, liệu Hùng có dám coi thường con gái bà? Liệu ba mẹ Hùng có dám phủ nhận đứa cháu nội? Càng nghĩ, bà càng thấy đau đớn.
Giờ, con trai của Tâm gần ba tuổi. Thằng bé thông minh và giống ba như đúc. Bà Chi rất cưng cháu ngoại và dần nguôi ngoai chuyện cũ. Vợ Hùng không sinh con được nên cả Hùng và ba mẹ anh đều có ý nhận cháu, nhận dâu. Bà Chi tôn trọng ý con gái, nhưng Tâm không đồng ý. Tâm khác mẹ cô.
Tâm mang con vào TPHCM. Bà Chi bán một miếng đất nhỏ để con gái có vốn làm ăn. Tâm đi xa để tránh dây dưa, để thằng bé không phải nhận những ánh mắt, những lời nói không thiện cảm của hàng xóm. Tâm nói cô sai khi yêu vội, tin nhanh, nhưng cô đã tha thứ cho tuổi trẻ nông nổi của mình. Cô làm lại cuộc đời, làm mẹ đơn thân dù cực nhọc vẫn sang hơn làm vợ bé.
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lam-me-don-than-sang-hon-lam-vo-be-a1463205.html” name=””]