Trẻ bị ngạt mũi (hay còn gọi là nghẹt mũi) khiến trẻ cảm thấy khó khăn khi thở không đơn thuần chỉ có nguyên nhân từ cảm cúm hay do thời tiết thay đổi mà còn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Phải làm sao giảm bớt khó chịu khi trẻ bị ngạt mũi hiện đang là thắc mắc của nhiều mẹ có con nhỏ.
Ngạt mũi là tình trạng trong khoang mũi có chứa nhiều dịch nhầy ngăn bít và làm hẹp đường dẫn không khí khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh chưa biết thở bằng miệng sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi hít thở, làm cho bé luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Trẻ bị ngạt mũi luôn cảm thấy khó chịu. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến trẻ bị ngạt mũi
Do bé bị cảm lạnh
Có thể nói đây là nguyên nhân chính và phổ biến nhất gây ngạt mũi cho trẻ. Thời tiết thay đổi thất thường sẽ làm cho bé dễ bị cảm lạnh và gây ngạt mũi. Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số triệu chứng cảm cúm khác như ho, chảy nước mắt, sốt nhẹ, hắt hơi liên tục.
Do trẻ bị cúm
Khi bị nghẹt mũi, bé có thể đang bị cúm gây ra với những biểu hiện đi kèm bao gồm sốt, mệt mỏi, chóng mặt, đau họng và chán ăn.
Do bị dị ứng với thời tiết
Một số trẻ em bị thường dễ bị mẫn cảm với môi trường xung quanh. Bé có thể bị ngạt mũi do dị ứng với thời tiết, khói bụi và phấn hoa…cùng theo đó là những triệu chứng đi kèm như ngứa mũi, hắt hơi, đỏ mắt.
Do có chứa dị vật trong mũi
Một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ bị ngạt mũi là do trong quá trình chơi đồ chơi, bé vô tình hoặc cố ý cho món đồ chơi nào đó vào trong mũi. Tình trạng này thường khá nguy hiểm bởi có thể làm cho trẻ không thở, cha mẹ cần phải đưa trẻ đến bác sĩ để xử lý nhanh chóng và kịp thời.
Do trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp
Bé dễ bị mắc các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm xoang…cũng có thể gây nên tình trạng nghẹt mũi và có thể không chảy nước mũi hoặc chảy nước mũi rất nhiều.
Nghẹt mũi có thể có nguyên nhân từ các bệnh về hô hấp.(Ảnh minh họa)
Mẹo trị nghẹt mũi cho bé làm giảm cảm giác khó chịu
Thông thường, đa số trường hợp trẻ em bị nghẹt mũi, khó thở khi ngủ nên sẽ phải thở bằng đường miệng sẽ rất khó chịu. Thậm chí, nhiều bé sơ sinh còn quấy khóc, gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc uống sữa. Để làm giảm tình trạng khó chịu này, mẹ nên thực hiện một số mẹo sau đây:
Làm sạch đường mũi cho bé
Trước khi áp dụng những phương pháp trị ngạt mũi cho trẻ, mẹ hãy làm sạch đường mũi cho bé, loại bỏ những chất nhầy và cứng lại xung quanh mũi con. Mẹ hãy sử dụng một miếng bông sạch, nhúng thêm qua nước ấm rồi sau đó nhẹ nhàng chấm, lau sạch những chất nhầy.
Hút dịch mũi lấy đờm
Trường hợp trẻ bị ngạt mũi và có đờm, dịch nhầy đặc, thở khó khăn, thở khò khè, mẹ hãy dùng dụng cụ hút mũi, hút bớt dịch nhầy nhằm làm sạch khoang mũi của trẻ. Trước khi hút, mẹ hãy nhỏ thêm nước muối sinh lý để làm loãng dịch nhầy, hút sạch được dịch và đờm trong mũi bé.
Thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý
Đây được coi là phương pháp làm giảm khó chịu khi trẻ bị ngạt mũi tốt nhất, hiệu quả nhất. Nước muối sinh lý có khả năng giúp làm sạch mũi, loại bỏ dịch nhầy, làm mềm những dịch nhầy cứng sẽ giúp các bé dễ thở hơn. Một số trẻ sơ sinh bị ngạt mũi thường có các dấu hiệu như thở khò khè, khó thở, dịch nhầy…nếu dùng phương pháp này có thể sẽ giảm dần.
Tuy vậy, mẹ không nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé quá 3 ngày vì có thể làm khô dịch mũi của bé. Tuyệt đối mẹ không nên dùng nước muối tự pha, cần dùng nước muối sinh lý phải còn hạn sử dụng.
Thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý để bé cảm thấy dễ chịu hơn. (Ảnh minh họa)
Day cánh mũi cho trẻ
Sau khi đã vệ sinh mũi và nhỏ nước muối sinh lý xong, mẹ có thể dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái hoặc cả 2 ngón cùng lúc để vuốt dọc 2 bên sống mũi bé nhẹ nhàng. Thực hiện thao tác này trong nhiều lần sẽ giúp làm loãng được dịch nhầy để bé dễ thở, cảm thấy dễ chịu hơn.
Kê cao đầu cho bé khi ngủ
Khi nằm ở tư thế cao đầu sẽ giúp bé dễ thở, dễ ngủ hơn, giảm nghẹt mũi hiệu quả. Cách làm cũng rất đơn giản, đặt một chiếc khăn mềm bên dưới đầu bé và để trẻ ngủ trong tư thế thoải mái nhất.
Dùng máy phun sương tạo độ ẩm nơi trẻ nằm
Trẻ bị ngạt mũi dẫn đến khô mũi, hơi nước từ máy phun sương sẽ giúp làm ẩm và làm lỏng dịch nước mũi. Ngay cả khi trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi, mẹ cũng nên làm sạch và thay nước cho máy phun sương hàng ngày. Một cách khác, mẹ có thể thực hiện trong phòng tắm đầy hơi nước rồi đưa trẻ vào đây một lúc trước giờ đi ngủ.
Cho trẻ uống nhiều nước
Nước có tác dụng làm loãng chất nhầy để giúp bé dễ thở hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung thêm các loại nước trái cây nhằm bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Dạy trẻ cách xì mũi
Với nhiều trẻ lớn hơn (khoảng trên 3 tuổi), mẹ có thể dạy bé cách xì, loại bỏ những chất dịch, nhầy trong mũi ra. Bé tự biết xì mũi sẽ rất tốt, mũi bé sẽ thông thoáng, sạch sẽ và dễ thở hơn.
Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh dân gian
Đối với trẻ sơ sinh, ngoài những cách trên, mẹ có thể áp dụng một số mẹo trị nghẹt mũi cho bé từ dân gian đơn giản như:
Vỗ lưng cho trẻ
Mẹ đặt bé nằm sấp lên đùi rồi vỗ nhẹ nhàng, massage lưng cho con. Với cách làm này sẽ giúp các chất nhầy trong giảm, bé sẽ dễ dàng hít thở hơn, thông thoáng hơn.
Chườm nóng tay
Trước khi cho bé đi ngủ, mẹ sử dụng khăn mềm đã thấm nước rồi nhẹ nhàng đặt tại hai tai của trẻ trong khoảng 10 phút. Các dây thần kinh tại hai bên tai có tác dụng điều tiết máu ở mũi, khi gặp nhiệt độ cao, huyết quản sẽ giãn ra và làm thông lỗ mũi, bé sẽ dễ thở, dễ chịu và ngủ ngon hơn.
Dùng tinh dầu tràm
Trước khi đi ngủ, mẹ có thể dùng tinh dầu tràm để xoa vào lòng bàn tay, bàn chân, ngực, cổ…cho bé. Sau đó, đổ một chút ra ngón tay và đưa lên mũi để bé hít. Tinh dầu tràm có công dụng làm giảm ngạt mũi, chảy nước mũi, làm thông thoáng mũi và làm ấm cơ thể, giúp bé ngủ ngon hơn.
Xông hơi bằng tinh dầu
Khi bé ngủ, mẹ cho khoảng 3-4 giọt tinh dầu sả vào máy xông hơi. Hơi nước kết hợp cùng tinh dầu sẽ giúp làm ẩm không khí, gỉ mũi của bé mềm ra, những chất nhầy giảm dần, thông thoáng mũi. Bé sẽ cảm thấy dễ ngủ và không còn mệt mỏi hơn.
Xông hơi bằng các loại tinh dầu sả hoặc quế sẽ giúp đường thở của bé dễ chịu hơn. (Ảnh minh họa)
Dùng bột nghệ
Dùng bột nghệ là một trong những mẹo dân gian trị nghẹt mũi cho bé. Mẹ hãy đặt bột nghệ lên trên giấy bạc rồi đặt trên một ngọn nến, đảm bảo khoảng cách đặt an toàn với bé nhưng đủ để bé hít được khói này. Bột nghệ khi cháy sẽ giúp giải phóng làn khói mỏng, giảm tình trạng ngạt mũi khi trẻ hít vào.
Khi nào cần đưa trẻ bị ngạt mũi đi khám?
Sau khi áp dụng những biện pháp trên nhưng tình trạng của bé không cải thiện và kèm theo các triệu chứng sau, cần phải đưa bé đến gặp bác sĩ ngay.
– Bé thường xuyên sốt cao.
– Chất nhầy bên trong mũi có màu xanh hoặc vàng.
– Trẻ cảm thấy khó thở, thở nhanh. Nếu trẻ dưới 2 tuổi và thở hơn 45 lần một phút, mẹ cần đưa ngay đến bác sĩ.
– Trẻ bị khó chịu ở tai và có nguy cơ bị nhiễm trùng, phát ban.
– Trẻ bị nghẹt mũi cùng với sưng tại vùng mắt, trán, mũi hoặc má.
– Trẻ bị nghẹt mũi từ hơn 2 tuần trở lên.
– Trẻ cảm thấy khó khăn khi ăn uống, biếng ăn, có biểu hiện quấy khóc, đau đớn.
Cách phòng ngừa nghẹt mũi dành cho trẻ
– Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp tăng cường đề kháng.
– Cho trẻ uống thật nhiều nước, nên cho uống nước ấm hoặc nước trái cây, súp.
– Vệ sinh đồ chơi, nhà cửa cùng đồ dùng trong nhà sạch sẽ.
– Không hút thuốc trong nhà, không cho trẻ tiếp xúc với vật nuôi vì có thể lông của vật nuôi sẽ bay vào mũi bé.
– Hạn chế cho trẻ ngửi những mùi dễ kích thích như nước hoa, phấn hoa.
– Nếu nằm điều hòa thì cần vệ sinh điều hòa định kỳ, bổ sung độ ẩm trong không khí.
– Vệ sinh thường xuyên mắt, mũi cho bé.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi, khó thở
– Không dùng trực tiếp miệng để hút chất nhầy trong mũi bé.
– Không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ cho bé.
– Không kiêng tắm cho bé để tránh tình trạng vi khuẩn càng sinh sôi, ủ bệnh.
– Dùng phương pháp dân gian cũng cần đảm bảo sự an toàn cho bé.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/lam-sao-de-giam-kho-chiu-khi-tre-bi-ngat-mui-d307770.html” alt_src=”” name=””]