Các nhà khoa học vừa phát hiện ra hành tinh chết chóc nhất từng được quan sát trong lịch sử thiên văn: Kepler-1658b, cách Trái Đất 2.600 năm ánh sáng.
Theo Science Alert và SciTech Daily, nhà nghiên cứu Shreyas Vissapragada từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard – Smithsonian và các cộng sự phát hiện ra một điều lạ lùng ở Kepler-1658b: Nó đang quay theo một đường xoắn ốc tử thần thay vì quỹ đạo ổn định.
Điều dị thường này chắc chắn sẽ sớm khiến nó có một kết cục vô cùng thảm khốc: Lao thẳng vào ngôi sao mẹ để rồi tan biến trong ngọn lửa dữ dội.
Ảnh đồ họa mô tả Sao Mộc nóng Kepler-1658b trên đường chặng đường xoắn ốc kỳ dị để rồi lao thẳng vào sao mẹ – Ảnh: Instituto de Astrofísica de Canarias
Cái chết thảm khốc của hành tinh ước tính sẽ xảy ra trong 3 triệu năm tới, một khoảng thời gian nghe có vẻ dài với loài người, nhưng chỉ là một cái chớp mắt trong lịch sử hành tinh.
Điều đang xảy ra với nó là sự tương tác thủy triều thảm khốc mà những hành tinh to lớn và quay quá gần ngôi sao mẹ có thể gặp phải. Trong đó, lực hấp dẫn quá dữ dội của đôi bên sẽ kéo cả hai vào nhau, nhưng chắc chắn kẻ bị nuốt sẽ là hành tinh, vốn rất nhỏ bé so với sao mẹ của nó.
Hiện Kepler-1658b đang quay quanh ngôi sao mẹ của nó ở khoảng cách chỉ 1/8 so với khoảng cách Mặt Trời – Sao Thủy. Mỗi vòng quay quanh sao mẹ của nó chỉ còn chưa đầy 3 ngày và đang ngắn đi khoảng 131 mili giây mỗi năm.
Kepler-1658b là “Sao Mộc nóng”, tức hành tinh khí khổng lồ nhưng gần sao mẹ nên nóng bỏng. Tuy nhiên rất có thể nó sẽ sớm bị ngôi sao tước bỏ toàn bộ khí quyển, trở thành một cục sắt nhỏ bé cỡ Trái Đất trước khi chết.
Sao mẹ già cỗi của nó cũng đang trong giai đoạn phình lên thành sao khổng lồ đỏ – phút huy hoàng cuối đời của các ngôi sao đang cạn năng lượng. Điều này khiến hành tinh và ngôi sao càng gần nhau hơn, hút nhau dữ dội hơn giai đoạn trước đó và cũng có thể lý giải cách mà hành tinh già này đã bị kéo khỏi quỹ đạo ổn định.
Đáng sợ hơn, hành tinh này có thể thấy tương lai của chúng ta. Ước tính 5 tỉ năm tới Mặt Trời sẽ tiến đến giai đoạn sao khổng lồ đỏ, phình đủ lớn để nuốt gọn 3 hành tinh gần nó nhất là Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/lan-dau-tien-phat-hien-1-hanh-tinh-dang-van-xoan-roi-tan-bien-20221220182656307.chn” name=””]