Hàng chục triệu người khắp Đông Á đang phải hứng chịu một đợt lạnh giá nghiêm trọng kể từ ngày 25/1; tuyết rơi dày, có nơi nhiệt độ xuống tới âm 53 độ C.
Điều đáng lo ngại là các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy đã trở thành “chuẩn mực mới”, “điều bình thường mới”.
Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo tuyết dày trong tuần này khi nhiệt độ ở thủ đô Seoul xuống thấp tới âm 15 độ C và giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều thành phố khác.
Tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju, thời tiết khắc nghiệt đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy trong khi các tàu chở khách buộc phải ở lại cảng do sóng lớn.
Sóng cao do bão tuyết ở đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 24/1/2023. Ảnh: Yonhap.
“Không khí lạnh từ Bắc Cực đã đến thẳng Hàn Quốc”, sau khi đi qua Nga và Trung Quốc, người phát ngôn Cục Khí tượng Hàn Quốc Woo Jin-kyu nói với CNN ngày 25/1. “Chúng ta có thể coi thời tiết khắc nghiệt này – cực nóng vào mùa hè và cực lạnh vào mùa đông – là một trong những tín hiệu của biến đổi khí hậu”, Woo nói.
Bên kia biên giới ở Bình Nhưỡng, giới chức Triều Tiên cảnh báo về điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi đợt lạnh tràn qua Bán đảo Triều Tiên. Truyền thông nhà nước đưa tin nhiệt độ ở nhiều vùng của Triều Tiên dự kiến sẽ giảm xuống dưới âm 30 độ C.
Ở nước láng giềng Nhật Bản, hàng trăm chuyến bay nội địa đã bị hủy vào hôm 24/1 và 25/1 do tuyết rơi dày và gió mạnh cản trở tầm nhìn. Các hãng hàng không lớn Japan Airlines và All Nippon Airways đã hủy tổng cộng 229 chuyến bay.
Trong khi đó, các chuyến tàu cao tốc giữa các ga phía bắc Fukushima và Shinjo đã bị tạm dừng, Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản cho biết.
Tuyết rơi dày ở Kyoto, Nhật Bản ngày 25/1/2023. Ảnh: The Yomiuri Shimbun.
Cơ quan khí tượng của Trung Quốc cũng đã dự báo nhiệt độ giảm mạnh ở các vùng của đất nước và hôm 23/1 đưa ra cảnh báo về một đợt lạnh có mức nhiệt thấp nhất trong hệ thống cảnh báo bốn cấp.
Các nhà khí tượng học cho biết Mohe, thành phố cực bắc của Trung Quốc (ở tỉnh Hắc Long Giang), hôm 22/1 chứng kiến nhiệt độ giảm xuống âm 53 độ C – mức lạnh nhất từng được ghi nhận.
Một du khách tới Mohe, Bắc Cực của Trung Quốc, chơi trò hất nước nóng lên trời lạnh. Ảnh: China Daily.
Chính quyền địa phương cho biết, sương mù băng – một hiện tượng thời tiết chỉ xảy ra khi cực lạnh – cũng có thể xuất hiện ở thành phố Mohe trong tuần này. Mohe được coi là Bắc Cực của Trung Quốc.
Nhiệt độ âm 50 độ C ở Mohe được ghi nhận 3 ngày liền, Xinhua đưa tin.
Thành phố Mohe, Bắc Cực của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
“Bình thường mới”
Yeh Sang-wook, giáo sư khí hậu tại Đại học Hanyang ở Seoul, cho rằng làn sóng cực lạnh trên Bán đảo Triều Tiên là do gió Bắc Cực từ Siberia. Tuyết rơi nhiều hơn ở Hàn Quốc trong năm nay là do sự tan chảy của các chỏm băng ở Bắc Cực bởi khí hậu đang ấm lên.
Ông nói: “Đã có sự tan chảy kỷ lục vào năm ngoái và năm nay. Khi băng trên biển tan chảy, biển mở ra, đưa nhiều hơi nước vào không khí hơn, dẫn đến nhiều tuyết hơn ở phía bắc”. Khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, khu vực này sẽ phải đối mặt thời tiết lạnh giá khắc nghiệt hơn trong tương lai, ông nói.
“Biến đổi khí hậu thực sự đang ngày càng nghiêm trọng và các nhà khoa học toàn cầu nhất trí nhận định rằng loại hiện tượng lạnh giá này sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai”, ông nói.
Tuyết rơi dày ở Kyoto, Nhật Bản ngày 25/1/2023. Ảnh: The Yomiuri Shimbun.
Kevin Trenberth công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, nói rằng “các hiện tượng thời tiết cực đoan là tiêu chuẩn mới”. “Chúng ta chắc chắn có thể dự đoán rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tồi tệ hơn trước đây”.
Ông cũng chỉ ra các chu kỳ mô hình khí hậu El Niño và La Niña ở Thái Bình Dương ảnh hưởng đến thời tiết trên toàn thế giới. Ông nói, La Niña, hiện tượng thường có tác dụng làm mát nhiệt độ toàn cầu, là một trong những nguyên nhân gây ra đợt lạnh giá hiện nay.
Cảnh sát giao thông trong tiết trời sương mù băng ở Mohe, Hắc Long Giang. Ảnh: Xinhua.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/lanh-am-53-do-c-o-trung-quoc-nhat-ban-va-han-quoc-20230126073615138.chn” name=””]