Mới 30 tuổi nhưng thấy mình già dặn như phụ nữ 40 vì những lo toan trĩu nặng. Tôi vẫn yêu chồng, tôn trọng chồng, nhưng thấy nặng nề khi không thể thoát ra khỏi cuộc sống bức bí này.
|
|
Lấy chồng là con một đồng nghĩa với việc không thể san sẻ trách nhiệm với ai vì chồng không có anh chị em. Ảnh: Freepik |
Từ một cô gái vui vẻ, hoạt bát, yêu tự do, sau khi lấy chồng 5 năm tôi đã trở thành con người khác. Tuy cảm thấy bản thân trưởng thành, giỏi giang, biết quán xuyến việc gia đình hơn, nhưng gánh nặng giang sơn nhà chồng khiến tôi thấy mệt mỏi.
Không chỉ là con một, chồng tôi còn là cháu đích tôn. Vì vậy, tuy nhà chồng khá giả với 2 căn nhà cho thuê ở thành phố, tôi vẫn không mơ chuyện ra ở riêng. Tôi phải ở chung với cả bố mẹ chồng và ông bà nội chồng.
Vì là con trai duy nhất và cháu trai trưởng, nên tất cả mọi việc lớn nhỏ trong gia đình và gia tộc đều đặt lên vai chồng tôi. Dĩ nhiên – với vai trò là vợ, tôi cũng phải kề vai gánh vác không thiếu việc gì, từ việc tổ chức giỗ, lễ thượng thọ, kỉ niệm ngày cưới, xây mộ phần, họp họ tộc, họp mặt tất niên, tân niên… đến việc dung hòa bữa cơm cho gia đình nhiều thế hệ.
Nhà đông người, mỗi người mỗi tính nên tôi rất khổ khi không biết nghe ai, chiều ý ai. Nấu bữa ăn tôi cũng đau cả đầu vì người thích ăn luộc, hấp, người thích nướng, xào… Nhiều người không vừa ý là giận dỗi, vùng vằng không ăn, khiến tôi chỉ biết xin lỗi và rút kinh nghiệm.
Không chỉ mang nặng trọng trách, vợ chồng tôi còn là tâm điểm chú ý của mọi người. Từ ông bà, ba mẹ, cô dì chú thím đến cả những đứa cháu bên chồng rất hay để ý chuyện trang điểm, ăn mặc, kiểu tóc của tôi. Nhiều lần tôi bị mẹ chồng nhắc nhở phê bình không nên mặc váy ngắn, áo hở vai, tóc nhuộm… để làm gương cho mấy đứa cháu trong nhà vì tôi là dâu trưởng… Ở nhà tôi cũng không được thoải mái, phải ăn mặc kín đáo, đi đứng nói cười nhẹ nhàng lịch sự.
Chồng tôi tuy không có tính gia trưởng nhưng có lẽ vì là con một nên anh sống hướng nội, khép kín, ít chia sẻ, tâm sự với vợ. Mỗi lần thấy tôi ấm ức, chồng lại bảo: “Ông bà, bố mẹ có dạy, có mắng mỏ thì cũng chỉ muốn tốt cho con cháu. Dù thế nào cũng phải vâng lời, không được phản đối, không được cãi lại”.
Năm ngoái, ông bà của chồng cùng lúc nhập viện. Vợ chồng tôi và ba mẹ chồng phải xoay ca vào chăm sóc ông bà gần một tháng khiến ai cũng phờ phạc vì mệt mỏi. Sau đó mẹ chồng tôi bị tai biến, phải nằm bệnh viện 3 tuần, vợ chồng tôi cũng thay phiên nhau. Nhìn những người cùng nằm phòng nay đứa con này vào chăm, mai đứa con khác vào trông, tôi ước gì chồng mình có anh chị em cùng đỡ đần chứ không phải là con một.
Tôi mới 30 tuổi nhưng thấy mình già dặn như phụ nữ 40 vì những lo toan trĩu nặng. Tất cả mọi người đều nhắc tôi sớm có con, nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng vì chưa cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại. Tôi vẫn yêu chồng, tôn trọng chồng, nhưng thấy rất nặng nề khi nghĩ mình không thể thoát ra khỏi cuộc sống bức bí ở nhà chồng.
Nếu có con, tôi biết bé sẽ được nhiều người chào đón và thương yêu, nhưng tôi sợ sau này lớn lên, nếu là con trai một thì cháu sẽ phải mang gánh nặng như chồng tôi hiện tại. Còn nếu không muốn gánh nặng thì phải sinh nhiều hơn một đứa để con có anh chị em, nhưng liệu tôi có đủ sức hay không khi bây giờ đã nặng gánh lo toan cho ông bà và bố mẹ chồng.
Hồng Loan (TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lay-chong-con-mot-moi-30-tuoi-toi-da-gia-nhu-40-a1525215.html” name=””]