Ngày cưới, ai cũng trầm trồ “thằng Tuấn chuột sa chĩnh gạo”, nhưng chẳng được bao lâu Tuấn nhận ra mọi thứ thật khác.
Mệt với vợ giàu
Nguyễn Tuấn (29 tuổi) đang sống tại TPHCM. Ba mẹ Tuấn là công nhân mất sức về hưu ở một thị xã nhỏ. Từ khi đi học đại học, Tuấn đã tự nhủ sẽ cố gắng thật tốt kiếm tiền báo hiếu cha mẹ.
Ra trường đi làm vài năm, Tuấn gặp Lan Anh và kết hôn. Hai người là đồng hương. Khi yêu, Tuấn chỉ biết cha mẹ Lan Anh là giáo viên. Anh không hề biết nhà cô rất giàu. Lúc về ra mắt, Tuấn mới hay ba mẹ của Lan Anh ngoài làm giáo viên cấp II, còn kinh doanh vật liệu xây dựng, bất động sản nên được xếp vào hàng triệu phú.
Quà cưới, ba mẹ vợ lên trao cho vợ chồng anh cả tỷ bạc, một xe ô tô, căn nhà ở thành phố Thủ Đức cũng trao thẳng sổ đỏ làm quà hồi môn, trong khi gia đình ba mẹ anh Tuấn chỉ có 2 chỉ vàng cho con dâu và con trai.
Bạn thân của anh Tuấn cười: “Ông thế mà ngon. Nhà ba vợ, xe ba vợ, tiền cũng ba vợ nốt, chuột sa chĩnh gạo rồi”. Nhưng tâm trạng của anh Tuấn chẳng vui. Anh nghĩ rằng đồng tiền mình làm ra mới đáng tự hào.
Kết hôn xong, họ sống cuộc sống vợ chồng son nhưng vô cùng áp lực. Vợ Tuấn hầu như không biết làm việc nhà. Mọi việc dọn dẹp đều Tuấn làm và thuê người giúp việc theo giờ. Bữa cơm của hai vợ chồng thường là lên mạng đặt về. Có lúc Tuấn mua về mấy thứ nấu ăn đơn giản vì thèm cơm nhà thì vợ anh chê bai. Lan Anh thích các món ăn sang chảnh chỉ bán ở nhà hàng.
Đi làm được ít hôm, Lan Anh bàn với chồng: “Hay em học lên thạc sĩ nhỉ, đi học cho vui chứ làm vài triệu đồng chả bõ bèn, mệt”. Tuấn cười “tuỳ em”. Vợ đi học thạc sĩ và tuyên bố khi nào bảo vệ thành công luận án mới sinh con.
Tiền học thì vợ Tuấn xin ba mẹ cô ấy. Hàng tháng, tiền lương anh Tuấn giữ lại 2 triệu đồng tiêu riêng mình còn lại đưa cho vợ. Nhưng số tiền hơn 20 triệu đồng đó không thấm tháp gì so với sức chi tiêu, nên mỗi lần hết tiền, Lan Anh lại xin ba.
Thi thoảng, vợ lên mạng khoe được ba gửi cho vài ba chục triệu tiêu, bạn bè trầm trồ khen “sướng” còn Tuấn cảm thấy “mất mặt”. Vợ chê anh là kỹ sư, lương chẳng mua nổi cái giỏ xách hàng hiệu cho vợ.
Ngán ngẩm vì vợ giàu – Ảnh minh họa |
Ba năm kết hôn, mỗi lần nghỉ lễ về quê vợ, Tuấn đều về nhà bố mẹ ruột chỉ vì nhà chồng không có phòng riêng. Thậm chí ngày tết, Tuấn muốn vợ về nhà mình đón giao thừa cũng là điều xa xỉ.
Gần đây, vợ anh xin ba mẹ cho tiền vốn để lập công ty, chỉ đơn giản vì bạn bè của vợ ai cũng có công ty riêng, còn chồng mãi đi làm kỹ sư công trường. Lấy vợ giàu, tưởng sướng nhưng Tuấn chỉ thấy mệt mỏi. Tuấn muốn vợ sinh con, nhưng Lan Anh bảo: “Chưa đến 30, cứ chơi cho đã”.
Coi điều kiện tốt là động lực phát triển
Ông Nguyễn An Nhiên – Công ty tư vấn Tâm lý Việt Sơn (Hà Nội) cho biết, nhiều người đàn ông thích được như câu đùa của nhiều bạn trẻ như “Sóng gió phủ đời trai tương lai nhờ nhà ngoại”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cái gì không do mình làm ra thì không dễ dàng sở hữu.
Theo chuyên gia An Nhiên, hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu. Bất kể vợ giàu hay vợ nghèo, nếu xuất phát điểm là yêu thương quý trọng nhau thì cuộc sống vui vẻ, không mệt mỏi. Tuy nhiên khi kết hôn với cô vợ nhà giàu, người chồng không dễ để sống cho vợ nể, vợ yêu, ba mẹ vợ yêu quý.
Để làm được điều đó, ông Nhiên cho rằng, cánh mày râu nên coi điều kiện tốt là bàn đạp để phát triển cho mình phát triển hơn, chứ không được ỷ lại. Có nhiều trường hợp giống của Tuấn, vợ giàu quá khiến chồng thiếu tự tin. Khi đàn ông thiếu tự tin, vợ của họ cũng coi thường chồng.
Nhưng ngược lại, nhiều người đàn ông lấy được vợ nhà giàu họ coi đó là bàn đạp phát triển bản thân. Một người quen của ông Nhiên kết hôn xong, được bố vợ cho 5 tỷ đồng làm vốn. Bạn bè trêu là “phò mã”, anh ta cũng vui vẻ không tự ti. Với số vốn bố vợ cấp, chỉ vài năm sau anh ta đã có tài sản khổng lồ và báo hiếu ba mẹ bằng nhiều cách để mình không lép vế với gia đình vợ.
“Nếu bạn tự tin và luôn cố gắng thì sẽ không bao giờ thấy mệt mỏi trước gia đình vợ, dù họ có giàu đến mức nào” – ông Nhiên nói.
Phương Thuý
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/lay-vo-giau-co-sung-suong-khong-a1463983.html” name=””]