Liên tiếp các bộ phim Hàn Quốc chịu phản ứng dữ dội vì những yếu tố sai sự thật về quốc gia và dân tộc khác. Phải chăng các nhà làm phim đã quá vội vã, chỉ vì tham vọng nhanh chóng vươn ra toàn cầu?
Cùng với âm nhạc, phim truyền hình cũng là một “chủ công” của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong nỗ lực vươn ra thế giới. Với sự hỗ trợ của các nền tảng trực tuyến, phim Hàn Quốc ngày càng tiếp cận đông đảo đối tượng khán giả toàn cầu. Tuy nhiên việc phục vụ khán giả ở nhiều quốc gia là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đòi hỏi sự hiểu biết và tinh tế của các nhà làm phim để tránh những yếu tố sai lệch hoặc xúc phạm văn hóa của dân tộc khác. Trong thời đại bùng nổ thông tin, gần như mọi yếu tố xúc phạm dù rất nhỏ trong phim cũng nhanh chóng bị phát hiện, bằng chứng là nhiều phim Hàn Quốc đã chịu chỉ trích dữ dội trong thời gian gần đây.
Cảnh trong phim “Narco-Saints” (tựa đề “Suriname” tại Hàn Quốc). Nguồn: Netflix
Theo tờ KoreaTimes, đã đến lúc các nhà sản xuất phim Hàn Quốc phải đối mặt nghiêm túc với những yếu tố nhạy cảm về văn hóa, sau khi phim “Little Women” bị xóa khỏi Việt Nam vì xuyên tạc lịch sử Việt Nam; còn “Narco-Saints” (với tựa đề “Suriname” tại Hàn Quốc) thậm chí bị chính phủ Suriname dọa khởi kiện các nhà sản xuất, khi mô tả nước này như một điểm nóng về ma túy. Một quan chức của Suriname lên tiếng khẳng định nước này không còn những hình ảnh như trong phim và “Narco-Saints” dễ tạo ra một nhận thức tiêu cực về quốc gia Nam Mỹ.
Không riêng “Little Women” hay “Narco-Saints”, nhiều chi tiết “xấu xí” từng xuất hiện trong phim Hàn Quốc đã khiến khán giả tại quốc gia khác cảm thấy bị xúc phạm. Phiên bản Hàn Quốc của loạt phim “Money Heist” từng bị chỉ trích vì thêm một chi tiết không có trong bản gốc, khi nhân vật nữ mang tên “Tokyo” giải thích về cái tên này bằng câu thoại: “Bởi vì ta sẽ làm điều gì đó tồi tệ”. Điều này bị coi là không phù hợp và kích động tâm lý kỳ thị Nhật Bản. Năm ngoái, phim “Racquet Boys” khiến người Indonesia giận dữ khi miêu tả nước này như một nơi chuyên sử dụng tiểu xảo để giành chiến thắng trong các trận thi đấu cầu lông quốc tế. Nhà sản xuất bộ phim này đã phải xin lỗi vì những miêu tả tiêu cực về đội cầu lông của Indonesia. Cả những bộ phim như “Penthouse: War in Life” hay “Vincenzo” cũng gây tranh cãi khi có các chi tiết nhạy cảm về quốc gia hoặc dân tộc khác.
Cảnh trong phim “Racket Boys”. Nguồn: Handout
Sau những vụ việc này, các nhà sản xuất phim Hàn Quốc chỉ lên tiếng xin lỗi khá chung chung kiểu như “sẽ cẩn thận hơn ở những tác phẩm sau”, giống như cách phía “Little Women” hay “Racquet Boys” xin lỗi khán giả. Tuy nhiên trường hợp của “Narco-Saints” có vẻ sẽ gây ra hiệu ứng tồi tệ hơn: thay vì quảng bá văn hóa Hàn Quốc thì lại khiến hình ảnh Hàn Quốc xấu đi. Trong khi người Hàn Quốc sống ở Suriname có nguy cơ mất an toàn do phim “Narco-Saints”, thậm chí quan hệ ngoại giao giữa 2 nước có thể bị ảnh hưởng, thì nhà sản xuất bộ phim này chỉ lên tiếng khá “vô cảm” với thông báo rằng họ không có ý định xúc phạm ai và khán giả có thể có các quan điểm khác nhau.
Bình luận về “Narco-Saints” và “Little Women”, nhà phê bình và giảng viên đại học Yun Seok-jin (Đại học quốc gia Chungnam, Hàn Quốc) nhận định: “Vấn đề thực sự ở đây là việc thiếu tôn trọng dân tộc và quốc gia khác. Tôi băn khoăn liệu có cần lấy tên nước Suriname để đặt cho phim, và liệu nhà sản xuất có làm điều tương tự nếu chuyện phim nói về một quốc gia có tầm vóc lớn hơn?… Còn với ‘Little Women’, đáng tiếc là biên kịch không nghĩ thấu đáo khi miêu tả chiến tranh tại Việt Nam. Những cảnh phim đó thực sự không cần thiết”.
Thẳng thắn hơn, nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Duk-hyun cho rằng sự thiếu hiểu biết và vô cảm của công ty sản xuất phim “Little Women” là đáng trách: “Khán giả Việt Nam tiêu thụ nhiều nội dung văn hóa Hàn Quốc và phim truyền hình Hàn Quốc rất phổ biến tại đó. Có thể nhà sản xuất không nhận thức được về những phản ứng dữ dội, tuy nhiên điều này không thể biện minh cho những sai lầm của họ. Họ cần rút kinh nghiệm từ vụ việc này và nâng cao nhận thức”.
Theo các nhà phê bình tại Hàn Quốc, nếu nước này muốn trở thành siêu cường về văn hóa thì ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh cần có bộ phận kiểm tra và giám sát nội dung ngay từ giai đoạn đầu làm phim, nhằm giảm thiểu những sai sót tương tự như các bộ phim nêu trên. “Trong thời đại phát trực tuyến, những người sáng tạo nội dung Hàn Quốc nên có ý thức hơn về văn hóa” – Yun Seok-jin nói.
Những sai sót như của “Little Women” hay “Narco-Saints” đang kéo lùi bước tiến của làn sóng điện ảnh Hàn Quốc, khi “châm ngòi” cho những tức giận, chỉ trích hoặc thậm chí là xung đột. Các yếu tố sai lệch cũng phô bày sự hạn chế về hiểu biết văn hóa của các nước khác, nếu chưa muốn nói là cẩu thả. Nếu những chi tiết sai lệch và xúc phạm tiếp tục xuất hiện, sẽ sớm có một bộ phận khán giả đề phòng và cảnh giác với phim Hàn Quốc. Một bình luận trên trang Allkpop (Hàn Quốc) cho rằng: “Một số nhà sản xuất nội dung Hàn Quốc có thể bị coi là ngạo mạn và chịu các phản ứng dữ dội, tạo ra tác động tiêu cực tới làn sóng Hàn Quốc nói chung”.
Ảnh: Handout, Netflix
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/little-women-narco-saints-la-buoc-thut-lui-cua-lan-song-phim-han-quoc-20221017084019762.chn” name=””]