Loại rau này từ khi xuất hiện đã trải qua rất nhiều biến cố, từng bị người Trung Quốc xưa coi là “tai họa”, nhưng khi vô tình nếm thử, người ta mới thấy được sự tuyệt vời của nó.
“Chân dài mỹ nữ”
Theo trang tin Sohu của Trung Quốc, loại rau được mệnh danh là “chân dài mỹ nữ” chính là củ niễng. Trên thế giới cũng chỉ có Trung Quốc và Việt Nam trồng cây niễng lấy củ làm rau. Trong đó, diện tích và sản lượng trồng của Trung Quốc là lớn nhất, thường được trồng ở lưu vực sông Dương Tử.
Cây niễng là một loại cây thủy sinh cổ, cùng bộ Poales và họ Poaceae với lúa gạo, và cũng trổ bông, có hạt nấu cơm ăn được, nên trong tiếng Anh người ta gọi loài cây này gọi là lúa hoang (wild rice); trong tiếng Trung, nó được gọi là cô (菰).
Cây niễng trông giống lau, sậy, mọc ở dưới nước hay ở đất nhiều bùn, cao tới 1 – 2,5m. Cây có nhiều rễ, thân rễ và thân bò rất phát triển. Đây là loại cây thân rỗng, có vách ngang, phần dưới phát triển lớn, xốp. Lá hình mác, dài khoảng 30 – 100cm, rộng khoảng 2 – 3cm; cả hai mặt lá đều ráp, mép lá dày hơn.
Cụm hoa hình chùy dẹp, dài khoảng 30 – 50 cm, cuống to, phân thành nhiều nhánh. Hoa cái phía trên có màu vàng xanh và hoa đực phía dưới màu tím.
Loài cây này chậm lớn vào mùa đông, phát triển nhanh vào mùa xuân, và thu hoạch vào mùa thu.
Tại Trung Quốc, vào thời nhà Chu (khoảng năm 1027 đến năm 256 trước Công nguyên), giao bạch tử (hạt của cây niễng) – một loại hạt thực vật có màu đen – đã xuất hiện trên bàn ăn của người dân địa phương cùng với gạo, lúa mỳ, kê… Nhưng từ khi củ niễng được sinh ra vì lý do “ngoài ý muốn”, số phận của giao bạch tử đã hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Giao bạch tử (hạt của cây niễng) từng được người Trung Quốc xưa coi là một loại ngũ cốc (Ảnh: Sohu)
Cây niễng thường bị một loài nấm than ăn được (Ustilago esculenta) ký sinh nên không thể trổ bông kết hạt được. Loại nấm này khiến cho thân cây phồng lên, có nhiều đốm đen, càng già thì đốm đen càng nhiều. Các đốm đen này tạo bởi bào tử của nấm. Phần này có đường kính khoảng 2,5 – 3cm, đó chính là củ niễng.
Vì người Trung Quốc xưa chưa từng thấy một loại lúa nào mà thân rễ của chúng bỗng trở nên phì đại, nên lúc đầu nhìn thấy củ niễng, họ tưởng đó là một thứ “tai họa”, vì chỉ cần nó xuất hiện là không thể thu hoạch được giao bạch tử, đồng nghĩa với việc mất mùa.
Bởi vậy, người Trung Quốc xưa đã trồng cây niễng bằng cách giữ lại những mầm chưa lớn, chưa bị nấm còn sống sót qua mùa đông, chứ không có hạt để gieo. Vì thế, cây niễng rất khó trồng, và cũng không nhân giống được nhiều.
Sự xuất hiện của củ niễng từng bị coi là “tai họa” (Ảnh: Sohu)
Sau đó, người dân nhận thấy thân rễ mập mạp của cây niễng có màu trắng, mềm, có vẻ giống với các loại rau khác nên đã đào lấy thân rễ và thử chế biến thành món ăn. Thật không ngờ, những thân rễ mập mạp này không chỉ ăn được mà còn có vị rất ngon, bùi và béo.
Dần dần, ấn tượng của mọi người về củ niễng đã bắt đầu thay đổi, thậm chí người ta còn nghiên cứu cách trồng cây niễng lấy củ. Nhưng giao bạch tử – sản phẩm ban đầu của cây niễng – lại dần biến mất khỏi bàn ăn của người dân.
Theo đó, những cơ sở trồng cây niễng lấy củ đã xuất hiện ở nhiều vùng tại Trung Quốc. Như thôn Hà Mỗ Độ (thành phố Dư Chiêu, tỉnh Chiết Giang) trồng được cây niễng lấy củ có chất lượng rất cao, được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc gọi là “Quê hương của củ niễng Trung Quốc”.
Ruộng trồng cây niễng lấy củ tại thôn Hà Mỗ Độ (thành phố Dư Chiêu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) (Ảnh: thepaper.cn)
Một loại thực phẩm có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể
Với người Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, khi nhắc tới củ niễng, chúng ta thường hay nghĩ tới món niễng xào – một món ăn dễ chế biến trong những bữa cơm gia đình, mà ít khi để ý rằng, củ niễng còn có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
Thời xưa, củ niễng đã được sử dụng để trị đái tháo đường, xơ gan, ngăn ngừa bệnh tim, giúp bổ thận.
Theo kết quả nghiên cứu y học hiện đại, củ niễng giúp phòng bệnh xơ vỡ động mạch, tăng huyết áp, urê máu cao hay bệnh xơ cứng gan. Người mắc những chứng bệnh này đều có thể sử dụng củ niễng để cải thiện tình trạng bệnh. Không những vậy, củ niễng có vị ngọt và tính lạnh, nên rất có tác dụng trong việc điều trị ruột non và dạ dày.
Những món ăn làm từ củ niễng có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe (Ảnh: Sohu)
Hạt và rễ của cây niễng cũng được dùng để giải khát, thanh nhiệt; đồng thời, có tác dụng lợi tiểu, điều vị tràng, thúc sữa và thông sữa ở phụ nữ cho con bú.
Gần đây, trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản còn phát hiện ra, củ niễng có tác dụng giữ ẩm, tăng trắng, làm đẹp da và kéo dài tuổi xuân cho phụ nữ. Với trẻ nhỏ, củ niễng giúp chữa bệnh táo bón, lỵ, sốt, nóng ruột nhờ hàm lượng chất xơ, chất đạm và tinh bột cao.
Củ niễng tuy có rất nhiều tác dụng tốt nhưng không phải ai cũng ăn được. Những người mắc bệnh tỳ vị, sỏi tiết niệu, tiêu chảy, đau bụng, dương suy hoạt tinh… tuyệt đối không được ăn củ niễng. Một điều cần chú ý nữa, đó là không được kết hợp củ niễng với mật ong khi nấu ăn.
Thời gian thu hoạch niễng thường bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 âm lịch và kéo dài đến gần cuối tháng 2 âm lịch của năm sau.
Người nông dân sẽ háí những cây niễng dưới đầm, bóc đi lớp bẹ vỏ khô bên ngoài và ngắt lấy phần củ niễng mập trắng phía dưới.
Củ niễng có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: củ niễng xào rươi, củ niễng xào trứng, hoặc nấu cùng thịt bò, thịt lợn, tim, cật… Vị tươi mới của củ niễng mới hái chắc chắn sẽ làm hài lòng kể cả những thực khách khó tính nhất.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/loai-rau-chan-dai-my-nu-the-gioi-chi-co-viet-nam-va-trung-quoc-trong-de-an-20220525204510171.chn” name=””]