Mấy chục năm lời thương dễ chừng chưa từng nói, nhưng ba má vẫn cứ vậy mà bền bỉ bên nhau. Giản dị và bình yên.
Má kể, hồi đó ba chèo ghe tam bản đi thăm cô Mười tôi lấy chồng về xứ khác, ngang qua bến sông nhà ngoại, thấy má ngồi trên cầu ván giặt quần áo, dù ghe trôi đã xa mà ba vẫn còn ngoái lại nhìn hoài. Quay sang nguýt yêu ba, má ghẹo: “Chắc ổng lần đầu thấy con gái đẹp”.
Mà hồi trẻ má tôi ngộ gái thật. Đã 35 năm, đến giờ tôi vẫn còn giữ bức hình cũ ngày má vu quy, mỗi khi ngắm lại đều nghĩ hoa hậu chắc cũng chỉ đẹp đến vậy. Hoặc là trong mắt những đứa con, mẹ mình luôn là người phụ nữ đẹp nhất.
Hồi má gật đầu cho định ước trăm năm, khi ba nhờ người tới mối mai, những anh trai hàng xóm thầm thương trộm nhớ má thất tình hội đồng, người buồn, kẻ khóc. Ngày đưa dâu tiễn má về cái xứ khỉ ho cò gáy, thưa nhà chợ xa, lau lách bịt bùng, bác Bảy Hiên – anh trai làng đem lòng yêu má từ lâu – quay mặt đi giấu đôi mắt đỏ hoe. Bác sợ đời má rồi sẽ khổ.
Ảnh mang tính minh họa – Shutterstock |
Má cười, nói: “Hơn 30 năm trước, có gì khổ cho bằng làm dâu”. Ba là con út, ở chung với ông bà nội. Đâu chỉ cha mẹ già, anh chị em đông, lại ở xúm xít hay dòm ngó soi mói, nhà còn có thêm người cô là chị ruột ba tôi bị tâm thần nặng từ hồi chiến tranh. Ngày qua ngày, cô đều chửi rủa thâu đêm; nhiều khi phát cơn, cô còn cầm cây rượt đánh má.
Má tôi hồi lấy chồng chỉ mới bước qua tuổi 22, vẫn còn trẻ với nhiều sự ngỡ ngàng mà nhà mẹ ruột thì “chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Ông nội mù lòa, tính tình nóng nảy. Bà nội là kiểu bà già xưa, khắc nghiệt và khó dễ trăm chiều. Ông và bà khắc khẩu, chưa kể tính ăn nết uống lại trái ngược nhau.
Được lòng bà thì mất lòng ông nên để chiều chuộng được cả ba lẫn mẹ chồng là điều không dễ. Có cảm giác mình có làm gì đều không nhận được sự hài lòng. Gần như ngày nào má cũng nước mắt chan cơm bởi biết bao lời nhiếc móc, nặng nhẹ.
Nhưng thời ấy, đời con gái lấy chồng là coi như không còn đường về nhà mẹ đẻ. Thương chồng con, má cắn răng chịu đựng, dù vất vả cay đắng đến thế nào. Mỗi tội mấy chị em tôi đứa nào đứa nấy sinh ra đều èo uột, đau yếu nên càng làm khổ má gấp trăm. Thương vợ, nhưng phận làm con, chỉ đêm về nằm cạnh nhau, ba xoa dịu má bằng những lời an ủi.
Chúng tôi lớn thêm, nhà nhiều miệng ăn mà đất ruộng ít ỏi lại cằn cỗi, ba má phải đi làm thuê làm mướn ở xa. Mùa làm đất chuẩn bị cho vụ mới, lúc ba cầm cày thì má làm cỏ, đắp bờ; còn lúc đi suốt lúa, nếu ba hứng lúa, vác lúa bó thì má đứng cho máy ăn nơi họng suốt. Dù cực cỡ nào, ba má đều đồng cam cộng khổ. Thấm thoát mà đã ba mươi mấy năm rồi.
Ảnh mang tính minh họa – Pressfoto |
Từ đôi bàn tay trắng, nhờ đồng vợ đồng chồng mà ba má dần xây được căn nhà cột đúc bê tông đầu tiên, mua được miếng đất mở rộng điền địa gia đình đầu tiên. Dù quần quật ruộng cạn đồng sâu, phía sau là cha mẹ già và đàn con thơ có lúc lâm vào cảnh kiệt cùng túng quẫn thì vẫn chưa bao giờ tôi nghe ba má gây cãi lớn tiếng. Tôi hỏi má, vợ chồng làm sao tránh khỏi vài khi mâu thuẫn, đôi lúc bất hòa. Má tôi nhẹ nhàng nói: “Thì có cắn đắng chứ sao không. Nhưng lúc ổng nóng thì má nguội và ngược lại”.
Bắt đầu từ cuộc mai mối, mấy chục năm lời thương dễ chừng chưa từng nói, nhưng ba má vẫn cứ vậy mà bền bỉ bên nhau. Giản dị và bình yên là cái cách ông bà cùng thức dậy thật sớm vào mỗi buổi sáng. Vẫn nằm trong mùng, bà thủ thỉ với ông chuyện con gà dậy ổ, bầy vịt đẻ rớt trứng đầu tiên. Ông lại rù rì khoe mấy bụi cà ra bông, những dây mướp ông lên giàn hôm rồi nay đã có trái.
Vài lần, khi mấy chị em ngồi nói chuyện, tôi bảo: “Tình yêu của ba má mình thật lạ. Đơn sơ mà bền bỉ với thời gian dẫu cho đắng ngọt đã từng”.
Hiền Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/may-chuc-nam-loi-thuong-de-chung-chua-tung-noi-a1514984.html” name=””]