Nếu bạn gái đòi một bản cam kết “nuông chiều” như thế khi về làm dâu, thì chắc chắn tôi phải “đàm phán” lại.
Người yêu đưa cho tôi một bản “hợp đồng mẹ chồng” thể hiện bằng tin nhắn trên mạng rồi nói: “Anh xem, mẹ anh có thực hiện được những điều như này không?”.
Tôi ngớ người. Trong các tin nhắn qua lại giữa mẹ chồng và con dâu là những điều khoản rất rạch ròi. Chuyện góp tiền ăn, tiền điện, quy định về giỗ chạp, dọn nhà, đi chơi đêm…
“Hợp đồng” bằng tin nhắn giữa mẹ chồng và con dâu được lan truyền trên mạng |
Bạn gái tôi vẫn khen nức nở: “Mẹ chồng thì phải thoáng như thế này chứ!”. Suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi lúc ấy là: “Mẹ con chứ có phải là người dưng đâu mà làm hợp đồng!”.
Tôi thấy lạ khi cộng đồng khen ngợi bà mẹ chồng đã soạn ra bộ tin nhắn. Nhìn qua thì có vẻ “thoáng” khi viết rõ từng hạng mục, chi tiết và tường tận, cũng ưu tiên sự dễ chịu trong lối sống của con dâu. Nhưng đọc kỹ, tôi thấy không ổn. Cuộc sống vốn hàng trăm ngàn vấn đề nhỏ, viết ra thế kia có bao quát được hết không?
Ví dụ các vấn đề tiền – vàng không nên đặt nặng thành chuyện chính, mà cần quan tâm việc khi ba mẹ chồng ốm đau, con cái nên làm gì? Bây giờ ba mẹ đang khỏe, đang có thu nhập thì không sao, nhưng ai mà chẳng già, chẳng bệnh? Chẳng nhẽ đến ngày ấy, em lại nói rằng “vì mẹ không quy định từ trước nên con không chăm”.
Cũng có những việc đối nhân xử thế vốn dựa trên tình nghĩa, sự ý nhị, tinh tế giữa người với người. Ví dụ như chuyện bà nói về của hồi môn, nếp sinh hoạt, giờ giấc, xưng hô vợ chồng… là những điều bình thường, cơ bản. Hay như chuyện quần áo thay ra phải bỏ vào giặt, ăn xong phải rửa chén, phòng ngủ phải tự dọn… mà bà phải “nhắc nhở” như điều luật, bỗng trở thành vấn đề nặng nề.
Những dòng tin nhắn cũng cho thấy, cô con dâu có vẻ chưa được ngoan lắm và mẹ chồng nuông chiều quá mức, hoàn toàn không tốt cho một phụ nữ đang xây dựng gia đình.
Giả sử sau một năm sống chung rồi ra riêng như mẹ chồng nói, vợ chồng cô ấy sẽ phải làm sao để xoay xở với các bữa ăn, với tiền nong…
(Ảnh minh họa) |
Tôi chưa có ý định xem ngày cưới. Nhưng nếu bạn gái buộc lời cầu hôn của tôi phải kèm bản cam kết “nuông chiều” như thế, thì chắc chắn tôi phải “đàm phán” lại.
Tình yêu vốn là những cảm xúc lãng mạn cần có nhưng để đi với nhau lâu dài lại cần nhiều thứ hơn. Em luôn nói em cần một nhà chồng thoải mái, cho em tự do được là mình. Nhưng em lại quên mất việc nhà chồng cũng mong có một người con dâu coi cha mẹ chồng là người thân, luôn nỗ lực đỡ đần ông bà, và đối với nhau bằng sự chân thành chứ không phải là phân định ranh giới.
Hùng Anh
(Biên Hòa, Đồng Nai)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/me-chong-con-dau-chu-co-phai-nguoi-dung-dau-ma-giao-keo-a1485802.html” name=””]