Trẻ bị tiêu chảy mẹ nên làm gì để con nhanh khỏi? Tiêu chảy ở trẻ em thường có nguyên nhân do virus, vi trùng hoặc ký sinh trùng gây nên. Vì thế, khi phát hiện trẻ bị tiêu chảy, mẹ cần phải xử lý và điều trị ngay nếu không bệnh sẽ để lại biến chứng khó lường, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Tiêu chảy là tình trạng nhu động ruột của trẻ hoạt động mạnh hơn, phân mềm hoặc lỏng. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, trẻ em đều có thể bị tiêu chảy nhưng không diễn ra quá lâu. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ em. Khi ở độ tuổi lớn hơn, hệ tiêu hóa đã phát triển ổn định thì tình trạng tiêu chảy sẽ giảm xuống.
Trẻ bị tiêu chảy là nỗi lo lắng của nhiều mẹ. (Ảnh minh họa)
Xác định trẻ bị tiêu chảy như thế nào?
Do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tần suất đi ngoài sẽ khác nhau nên mẹ cần chú ý đến độ tuổi và số lần đi vệ sinh, tình trạng của phân để xác định trẻ có bị đi ngoài hay không. Cụ thể như sau:
– Đối với trẻ sơ sinh: Do hệ tiêu hóa chưa ổn định nên trẻ có thể đi ngoài 5-6 lần/ ngày, thậm chí là 10 lần/ ngày. Trẻ sơ sinh đi ngoài 10 lần/ngày nhưng vẫn ăn uống bình thường và không bị sút cân thì không được coi là bị tiêu chảy. Nếu trẻ đi ngoài nhiều lần, sụt cân, bỏ bú thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và xác định tình trạng cụ thể.
– Đối với trẻ em: Đi ngoài phân lỏng bất thường khoảng từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ.
Các loại tiêu chảy ở trẻ em
Tiêu chảy thường có các loại khác nhau, bao gồm:
– Tiêu chảy cấp tính (ngắn hạn): Thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày là hết, chủ yếu liên quan đến nhiễm trùng hoặc do vi khuẩn.
– Tiêu chảy mãn tính (lâu dài): Tình trạng tiêu chảy thường sẽ kéo dài trong vài tuần, nguyên nhân là do hội chứng ruột bị kích thích hoặc do những bệnh về đường ruột, rất nguy hiểm.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài nhưng nguyên nhân chính là do vi khuẩn gây bệnh nhiễm khuẩn ruột. Nếu như không điều trị đúng cách, những sai lầm có thể khiến tình trạng của bé nặng thêm. Một số nguyên nhân cơ bản như sau:
– Do nhiễm Rotavirus: Biểu hiện gồm nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần ra nước trong ngày, phân lỏng màu vàng xanh như hoa cà, hoa cải.
– Do lây nhiễm vi khuẩn: Liên quan đến vấn đề vệ sinh thực phẩm, bệnh thường do các vi khuẩn gây ra như: E.coli, Shigella, Salmonella, Campylobacter…
– Do dùng thuốc kháng sinh: Dùng thuốc kháng sinh khi bị cảm lạnh, viêm họng không chỉ tiêu diệt những vi khuẩn có hại mà còn hại chết vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây nên tình trạng loạn khuẩn ruột, dẫn đến tiêu chảy.
– Do nhiễm ký sinh trùng: Giardia Lamblia là ký sinh trùng lây qua nguồn nước hoặc thực phẩm bé ăn uống ngày. Khi nhiễm phải, bé sẽ có các triệu chứng như đi ngoài ra nước, phân không có máu hoặc chất nhầy.
– Do trẻ bất dung nạp Lactose: Một số trẻ không dung nạp đường Lactose sẽ gây ứ đọng trong ruột và chuyển hóa thành axit lactic, khiến trẻ bị tiêu chảy.
Các loại tiêu chảy ở trẻ em bao gồm cấp tính và mãn tính. (Ảnh minh họa)
– Do dị ứng, ngộ độc thức ăn: Thành phần protein có trong thực đơn ăn uống hàng ngày khiến trẻ bị dị ứng thức ăn. Dị ứng có thể xảy ra trong vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Các triệu chứng gồm có chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, khó thở, huyết áp giảm.
– Do uống quá nhiều nước ép trái cây: Sử dụng các loại nước ép trái cây, kể cả trái cây tươi, đóng hộp có chứa thành phần sorbitol- một dạng đường khó tiêu cũng sẽ khiến cho hệ tiêu hóa của bé không tiêu hóa được và dẫn đến tiêu chảy.
– Do bé mắc một số bệnh: Viêm tai giữa, sởi, suy dinh dưỡng, thiếu men tiêu hóa, bị suy giảm miễn dịch.
Dấu hiệu chứng tỏ bé bị tiêu chảy
Dấu hiệu bị tiêu chảy của trẻ thường là do từng nguyên nhân gây bệnh và cơ địa, tình trạng sức khỏe của bé. Tuy nhiên, nhìn chung, những triệu chứng cơ bản nhất để xác định đi ngoài ở trẻ em tiêu chảy như sau:
– Dấu hiệu tiêu chảy nhẹ: Buồn nôn, đầy hơi, đau bụng, sốt, mất nước, đi ngoài nhiều lần, sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy theo cơ địa mỗi bé.
– Dấu hiệu tiêu chảy nặng: Thường xuyên đau bụng và tần suất liên tục, trong phân lẫn máu, nôn thường xuyên, chán ăn, ăn mất ngon hoặc bỏ ăn, sốt cao, miệng khô, dính miệng, sụt cân, đi ngoài nhiều lần nhưng đi tiểu ít, khát nước và uống nước nhiều, mệt mỏi và ngủ li bì, khó đánh thức, trẻ ít hoặc không có nước mắt khi khóc, không khỏi bệnh sau 7 ngày.
Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì?
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường hay bị mất nước và chất điện giải nên trên hết cần phải bù nước và chất điện giải cho bé càng sớm càng tốt. Ở trẻ sơ sinh, mẹ hãy cho bé bú nhiều hơn. Với trẻ nhỏ, mẹ nên cho bé ăn nhiều đồ ăn mềm, loãng và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, với trẻ đủ tuổi, mẹ có thể pha dung dịch điện giải oresol cho trẻ. Lưu ý, mẹ hãy pha và sử dụng đúng theo những hướng dẫn ghi trên bao bì.
Ngoài oresol, cũng có một số mẹ tự ý mua thuốc điều trị tiêu chảy cho con. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, một số loại thuốc không được bác sĩ kê đơn để điều trị tiêu chảy có thể mang lại hiệu quả đối với trẻ em và người lớn nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, uống các loại thuốc này có thể gây hại vì chúng sẽ nhanh chóng tích tụ trong cơ thể trẻ nhỏ.
Trẻ bị tiêu chảy luôn cảm thấy mệt mỏi. (Ảnh minh họa)
Trường hợp bé bị tiêu chảy nặng, kéo dài và có các triệu chứng mất nước, bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng một số loại thuốc sau, tùy theo từng trường hợp cụ thể riêng:
– Thuốc kháng sinh.
– Dùng thuốc ở dạng bột để hòa vào cùng thức ăn, nước uống hoặc sữa cho trẻ uống ngay lập tức.
– Bổ sung kẽm đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi với định lượng 10mg/ ngày. Với trẻ trên 6 tháng thì định lượng là 20mg/ ngày. Thời gian sử dụng kéo dài khoảng từ 10-14 ngày.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Với những bé đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, tiêu chảy, mẹ cần phải lưu ý đến chế độ ăn của bé. Kết hợp với việc điều trị tiêu chảy, mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn và thực phẩm tốt cho đường ruột như:
– Gạo trắng: Là một trong những loại thực phẩm dễ tiêu hóa, đặc biệt tốt dành cho trẻ bị tiêu chảy. Gạo trắng sẽ giúp làm phân cứng hơn, giảm tình trạng đi ngoài nhiều, kích thích sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong vi khuẩn ruột. Mẹ có thể nấu cháo hoặc nấu bột gạo trắng cho con khi bé bị tiêu chảy.
– Cà rốt: Thành phần protein trong cà rốt có công dụng làm thư giãn các cơ co bóp đường ruột, vi khuẩn lợi khuẩn phát triển tốt hơn, pectin có khả năng thấm hút chất nhầy và cặn bã tốt hơn, tiêu diệt vi khuẩn có hại cho đường ruột. Bên cạnh đó, cà rốt còn chứa kali, vitamin giúp bù đắp chất điện giải để trẻ phục hồi sức khỏe.
– Quả táo: Chất xơ hòa tan pectin trong táo rất dễ tiêu hóa, giảm bớt các triệu chứng tiêu chảy ở bé. Ngoài ra, táo chứa lượng đường tự nhiên, nước tốt giúp bổ sung, bù đắp lượng đường và nước bị thiếu hụt do tiêu chảy. Ngoài táo, mẹ có thể cho bé ăn các loại quả khác như việt quất, ổi, hồng xiêm…để giúp phân se và cứng hơn.
– Cháo/ súp: Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên cho bé ăn cháo thịt hầm xương, cháo/sú thịt gà hoặc thịt heo… Những món ăn mềm, lỏng này sẽ giúp bé dễ ăn, dễ tiêu hóa và có lợi cho đường ruột hơn.
Trẻ bị tiêu chảy ăn gì? (Ảnh minh họa)
– Nước gừng: Gừng có công dụng kích thích nhu động ruột, giúp thức ăn tiêu hóa dễ hơn, không gây tình trạng co thắt quá mức, chống buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy ở trẻ. Mẹ có thể pha nước gừng tươi cho bé uống sau khi ăn.
– Nước chanh: Thành phần trong chanh chứa nhiều vitamin C, axit citric mang tính kháng khuẩn cao giúp đẩy lùi và tiêu diệt các vi khuẩn, virus, kí sinh trùng. Ngoài ra, nước chanh cũng giúp bù chất điện giải, nước tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Lưu ý: Nước gừng và nước chanh chỉ nên dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
– Nước gạo rang: Nước gạo rang từ gạo trắng được dùng như nước bù điện giải, bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất cho cơ thể và giúp cơ thể giải độc.
Trẻ bị tiêu chảy không nên ăn một số loại thực phẩm để tránh tình trạng kéo dài hơn như:
– Bí đỏ: Sẽ khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn, trẻ mệt mỏi, buồn nôn kéo dài.
– Sữa bò, sữa công thức: Lượng đường trong sữa công thức sẽ khiến tình trạng tiêu chảy ở trẻ nặng hơn, protein trong sữa khiến bé đầy bụng, khó chịu.
– Nước ép trái cây: Lượng đường từ nước ép trái cây có thể khiến bé bị khó chịu, đặc biệt như nước ép đào, lê, bưởi, dưa hấu… Mẹ nên tránh xa những loại nước ép này khi bé bị tiêu chảy.
– Hải sản: Tôm, cua, cá…đều là thực phẩm có nhiều protein gây dị ứng, kích thích và đau bụng, nôn trớ ở trẻ. Hơn nữa, hải sản còn có các lớp nhầy ở mặt, có mùi tanh hấp dẫn, dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn đường ruột xuất hiện gây tiêu chảy, tiêu chảy cấp ở trẻ em.
– Thực phẩm giàu chất xơ: Rau sống, gạo lứt, ngô, đậu nguyên hạt…sẽ khiến bé bị khó tiêu hóa, đầy bụng và đi ngoài nhiều lần hơn.
– Nước ngọt có gas: Những loại nước này cần tuyệt đối tránh khi bé bị tiêu chảy, thậm chí còn khiến bệnh kéo dài, nặng hơn, khó điều trị hơn.
Khi nào cần đưa trẻ bị tiêu chảy đến bác sĩ?
Mẹ hãy đưa trẻ bị tiêu chảy đến bác sĩ khi gặp các triệu chứng bất kỳ sau đây, đặc biệt là với trẻ dưới 2 tuổi:
– Đau bụng, đi ngoài có máu trong phân.
– Sốt cao, nôn nhiều lần, thường xuyên.
– Trẻ bị khô, dính miệng.
– Trẻ đi tiểu ít và đi ngoài thường xuyên.
– Bị khát nước cực độ.
Cách phòng tránh trẻ bị tiêu chảy
Các bác sĩ thường khuyến cáo phòng tránh tiêu chảy ở trẻ, bố mẹ nên thực hiện những điều sau:
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm cho trẻ, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi chơi.
– Vệ sinh bình sữa, đồ pha sữa cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bằng nước sôi 100 độ C.
– Thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi vào miệng, tránh các loại ký sinh trùng bám vào.
– Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu để tăng cường miễn dịch.
– Không cho trẻ uống quá nhiều nước trái cây, nước uống công nghiệp, có gas, ăn đồ ăn nhanh.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/tre-bi-tieu-chay-me-nen-lam-gi-de-con-nhanh-khoi-d307387.html” alt_src=”” name=””]