Meme giờ đây đã “nhảy” từ màn hình điện thoại, từ các trang mạng xã hội lên trang phục. Câu hỏi là: loạt trang phục được in nhanh chóng, gây sốt trên thị trường như thế đã đi về đâu khi trào lưu qua đi?
Meme giờ đây đã “nhảy” từ màn hình điện thoại, từ các trang mạng xã hội lên trang phục. Chúng giúp người mặc trở nên trẻ trung, hài hước hoặc thể hiện quan điểm cá nhân theo hướng châm biếm ngay từ trang phục đang mặc. Tuy vậy, thời trang meme cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ “tấn công” thời trang bền vững.
Meme được hiểu là những hình ảnh, video ngắn có nội dung hài hước, mang tính giải trí hay thể hiện quan điểm, lan truyền trên mạng xã hội. Thời gian qua, khái niệm meme được nhắc đến nhiều vì càng ngày người dùng mạng càng muốn tăng yếu tố giải trí bằng cách tạo hình ảnh để chọc cười, gây sốc. Những meme thực sự gây hài nhận được nhiều sự quan tâm với tốc độ tăng chóng mặt.
Nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng, một số thương hiệu thời trang từ “mì ăn liền” đến các “ông lớn” đã đưa meme lên áo, váy và một số phụ kiện khác như khăn choàng, túi xách… Họ thu lợi kha khá từ cách kinh doanh như hiện tại nhưng về lâu dài, thời trang meme mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường bởi có tuổi thọ ngắn.
Giới trẻ đổ xô mặc thời trang meme
Tạp chí thời trang Grazia cho biết khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và mọi người bị hạn chế ra ngoài, mạng xã hội là nơi kết nối chúng ta với nhau. Trên môi trường rộng lớn ấy, nhiều người tìm cách gây sự chú ý với thế giới mạng bằng những hình ảnh sáng tạo hài hước, thể hiện cái tôi sâu sắc, sở thích châm biếm.
Cho đến khi dịch bệnh dần được kiểm soát và cuộc sống dần trở lại bình thường, những hình ảnh meme vẫn liên tục xuất hiện mỗi ngày. Sự lan truyền của meme cũng giúp một số cá nhân trở nên nổi tiếng.
Như trường hợp diễn viên Kailia Posey, bức ảnh meme với biểu cảm hài hước thời bé gián tiếp giúp cô được khán giả biết đến. Nhiều năm qua, người dùng mạng xã hội khắp nơi trên thế giới đã dùng tấm ảnh của diễn viên nhí Kailia Posey nhưng không nhiều người biết danh tính thực sự của cô. Cho đến khi Kailia Posey qua đời ở tuổi 16 vào tháng 5/2022, mọi người mới vỡ òa, tiếc thương và một số người bắt đầu ngưng sử dụng hình ảnh đó.
Bộ sưu tập Fashion Statements từ thương hiệu Viktor & Rolf |
Ngoài hình ảnh biểu cảm, meme còn thống trị mạng xã hội bằng những câu nói mang tính châm biếm. Chẳng hạn sau phần thi ứng xử của người đẹp N.A. tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vừa qua, một số từ khóa trong nội dung trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội. Chúng được viết vào tấm bảng để cổ vũ học sinh theo một cách hài hước. Nếu ở các nước khác, những nội dung này hoàn toàn có thể được đưa lên áo.
Việc in khẩu hiệu, hình ảnh được chú ý trên mạng xã hội lên áo quần không phải là xu hướng mới. Theo Grazia, xu hướng này từng lên ngôi vào những năm 2000, khi phong cách thời trang châm biếm, mỉa mai được ưa thích. Những năm đó, Britney Spears mặc áo có dòng chữ “Dump Him” (Hãy “đá” hắn), Paris Hilton mặc áo thun in dòng chữ “Stop Being Poor” (Đừng nghèo nữa) hay Chloe Cherry hài hước với chiếc áo có in dòng chữ “Tôi nhớ người yêu cũ” (I miss my ex)…
Những năm qua, các hãng thời trang lớn hơn cũng liên tục đưa các câu nói lên thiết kế nhằm truyền tải thông điệp của bộ sưu tập, giúp trang phục có “sức nặng” hơn khi ra mắt công chúng.
Năm 2019, thương hiệu Viktor & Rolf của bộ đôi nhà thiết kế Viktor Horsting và Rolf Snoeren đã mượn cảm hứng từ một số meme trên mạng xã hội để đưa lên bộ sưu tập mang tên Fashion Statements. Họ dùng lại câu nói: “I’m not shy I just don’t like you” (Tôi không ngại đâu, tôi chỉ không thích bạn), “NO”, “Sorry, I’m late, I didn’t want to come” (Xin lỗi, tôi đến trễ nhưng thực sự thì tôi cũng không muốn đến)… Bộ sưu tập từ Viktor & Rolf được chú ý vì mang tính thời sự bởi những câu nói đó đang thịnh hành vào thời điểm chúng ra mắt.
Hiểm họa từ thời trang nhanh
Meme trên mạng xã hội liên tục xuất hiện và được chú ý chỉ trong một thời điểm nhất định. Sau thời điểm đó, meme sẽ dần hạ nhiệt, thậm chí bị quên lãng vì có quá nhiều meme mới liên tục ra mắt. Cứ tiếp nối như sóng sau xô sóng trước, các meme đa phần có tuổi thọ ngắn. Nếu muốn kéo dài tuổi thọ, meme phải thực sự độc đáo, có tính gây cười mạnh, có thể phù hợp nhiều bối cảnh, câu chuyện phiếm khác nhau trên mạng xã hội.
Hiện tại, có khá ít meme mang tính “kinh điển”, tồn tại xuyên suốt. Ví dụ như bộ sưu tập của thương hiệu Viktor & Rolf, cho tới nay, những câu nói ấy đã hạ nhiệt trên mạng, ít khi được nhắc lại. Nói để thấy, khi đưa meme lên trang phục, các thiết kế đó cũng chỉ nổi lên trong một thời gian nhất định, sau đó chúng trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với bối cảnh.
Câu hỏi là: loạt trang phục được in nhanh chóng, gây sốt trên thị trường như thế đã đi về đâu khi trào lưu qua đi?
Thời trang nhanh đang là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Do đó, nếu những chiếc áo in meme nhanh chóng được bán thì chúng cũng nhanh chóng được cất gọn vào tủ vì không còn hợp thời. Điều này gây lãng phí, tạo thêm gánh nặng lên môi trường vì rác thải của ngành thời trang.
Theo một khảo sát được đăng trên trang Guardian, Alessia Teresko, một sinh viên 21 tuổi ở Nottingham (Anh), cho biết, với một bộ trang phục đã được chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, cô sẽ không mặc lần hai vì sợ trùng lặp, nhàm chán.
Vì lẽ đó, Alessia Teresko liên tục mua những món trang phục rẻ tiền trên các nền tảng bán hàng trực tuyến để bản thân luôn tươi mới. Cô cũng khá yêu thích những chiếc áo được in chữ có giá phải chăng. Cô thường mặc chúng, chụp ảnh đăng lên mạng để mọi người thấy cô là người bắt kịp xu hướng, có khiếu hài hước và cá tính.
Trang phục in meme luôn được lòng giới trẻ |
Tương tự Alessia Teresko, Mikaela Loach (23 tuổi) cũng “chịu áp lực” về việc phải luôn luôn mới mẻ, đặc biệt là trên mạng xã hội. Do đó, cô cũng chi nhiều tiền cho thời trang nhanh để liên tục thay đổi diện mạo. Năm 2020, Vogue Business từng khảo sát hơn 100 thanh niên thuộc thế hệ Z về lựa chọn thời trang và hầu hết họ đều lựa chọn từ các thương hiệu thời trang nhanh.
Trong đó, có đến 64% người trẻ đã mua một số trang phục nhưng chỉ cất trong tủ và chưa mặc bao giờ. Trong các thiết kế đó có những chiếc áo in meme nhưng vì quá trình mua hàng vận chuyển mất thời gian, meme không còn hot hoặc lúc mua thì thích, lúc nhận hàng không còn thích nữa nên họ không mặc.
Trong bài viết trên Times, tác giả Cady Lang cho biết một số thương hiệu thời trang muốn tận dụng việc đưa meme lên trang phục để tăng tương tác với mạng xã hội, giúp trang phục được nhắc đến nhiều hơn. Dù trong thời gian ngắn, nếu thương hiệu được mạng xã hội lùng sục, đó cũng được xem là một dạng thành công. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu phải đi cùng những đánh giá tác hại đến môi trường. Nếu phát triển một cách vô tội vạ, chắc chắn trong thời gian tới, những tác hại từ thời trang đến môi trường sẽ càng nặng nề hơn.
Khánh An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/meme-ke-thu-cua-thoi-trang-ben-vung-a1468751.html” name=””]