Ý nghĩa của tất niên “là bữa cơm cuối năm, sau đó mọi người chia tay nhau, lên tàu xe về quê ăn tết” đã trở thành xa lạ.
1. Khuya hôm đó, cả nhà chị Yên mạnh ai nấy rút về phòng riêng, không khí lạnh lẽo còn hơn mùa đông và “nguy hiểm” bao trùm lên hai đứa con.
Mọi thứ bắt đầu từ buổi tiệc tất niên “cả năm mới có một lần” của cơ quan chồng chị. Công ty anh năm nào cũng mời cả gia đình nhân viên, và chị Yên cùng hai nhóc cực kỳ hào hứng, mong chờ từ đầu tháng Chạp. Hoành tráng và lộng lẫy, nhiều công nghệ tổ chức sự kiện mới nhất được sử dụng, đồ ăn ngon chuẩn 5 sao là những thứ mà dù đã dự nhiều lần, chị Yên vẫn phải trầm trồ.
Thế nhưng năm nay thì lại là một trải nghiệm khó quên với cả nhà. Tất cả là do cái tật hễ uống say vô là lơ là hết mọi thứ của chồng chị. Anh bị lạc mất điện thoại, không nhớ đường ra chỗ gửi xe, và mãi mới tìm gặp được nhau để cùng ra về.
Dịp vui hóa thành trận bất hòa. Khỏi phải nói, chị Yên tức giận thế nào trước thái độ “đã sai còn cãi cố” của chồng. Hai người lớn tiếng đấu khẩu trên xe, mặc kệ bọn trẻ con sợ rúm ró. Rất nhiều trách móc, kể lể đã tuôn ra. Chị Yên chốt hạ: “Sau này anh hãy đi một mình, đừng rủ mẹ con tôi theo nữa!”.
Chỉ vì mấy cái tiệc tất niên liên miên mà vợ chồng cắn đắng nhau |
2. Cũng là tất niên, nhưng gia đình anh Hải lại cãi nhau liên miên vì vợ chồng cứ thay phiên nhau vắng nhà. Thậm chí có hôm cả hai người đều bận tiệc tùng, bỏ mặc hai đứa con độ tuổi tiểu học. Đùn đẩy, khích bác nhau. Vợ anh Hải tuyên bố: “Tôi cũng đi làm như anh, sao phải nhường? Anh thích giao thiệp, tìm kiếm cơ hội gặp gỡ, thì tôi cũng phải xã giao, đáp lễ bạn bè, đối tác chứ. Nào phải chỉ đàn ông mới cần sự nghiệp? Anh có giỏi thì nuôi gia đình đi, tôi sẽ ở nhà nội trợ, giữ con, cho anh tha hồ tất niên với chẳng tân niên!”.
Hôn nhân của họ, chỉ vì những buổi tiệc tất niên dày đặc mà trở nên mâu thuẫn gay gắt.
“Đàn ông đã vô trách nhiệm còn gia trưởng!”. Lời nói nặng nề đó, Mai quát vào mặt chồng, vào buổi sáng cuối tuần, khi chồng thông báo hôm nay vẫn “phải” đi họp mặt tất niên. Gần đây tối nào chồng Mai cũng vắng nhà với các lý do như: được khách hàng mời, công ty bạn tổ chức, người quen, đối tác họ gọi… nên không thể từ chối.
Trước sự nhắc nhở của vợ, chồng Mai còn cho rằng, đàn ông ra ngoài khách khứa tất niên là bình thường. Việc chuẩn bị tết nhất là của đàn bà, sao phải ấm ức?
Khó ai vui nổi khi chồng hoặc vợ cứ mải miết tiệc tùng cuối năm |
Mai từng gào lên qua điện thoại, khi được đồng nghiệp của chồng gọi cô qua… bệnh viện đón anh về. Bởi uống quá nhiều nên anh bị mệt, phải vào cấp cứu. Những ngày giáp tết đối với Mai luôn đầy mệt mỏi chán chường, thậm chí có lúc manh nha ý định ly hôn, chỉ vì quanh quẩn với tâm trạng: vợ lầm lũi bao việc, chồng thì cứ mở miệng ra là nhậu nhẹt, tất niên…
3. “Tất niên hả, bình thường mà, tôi thông cảm được với sự bận rộn và khó xử của chồng. Uống nhiều cũng đâu sung sướng gì! Anh ấy đã đi làm cả năm vất vả rồi, cũng cần được hội hè, vui vẻ chút. Tuy chồng tôi có tật ưa la cà ham chơi đó, nhưng anh cũng là người rộng rãi, tử tế với vợ con và gia đình bên vợ. Nên tôi hiểu, bao dung và chia sẻ với chồng. Còn khuyến khích anh tham gia cho vui. Chỉ dặn chồng đừng uống nhiều, đi xe ôm mà về cho an toàn…”.
Lời tâm sự này có phải là của bà vợ trong… truyền thuyết, hay vẫn là tâm lý bình thường của một người đàn bà nhiều từng trải, trưởng thành, biết mình biết ta, biết nghĩ cho chồng con?
“Xin lỗi, mùa này thì ngay cả thuốc giảm cân cũng không cứu nổi tui” là câu tếu táo mà nhiều chị em khổ sở thổ lộ. Lắm khi một tuần vài cái đám tất niên chẳng thể chối từ. Đi làm mà, phải vì hai chữ “hòa đồng” mà tham gia, dù biết nhà bao việc. Ngoài tiền bạc để chuẩn bị chút quà tất niên, rồi thời gian, váy áo phụ kiện cho đúng “dress code” (quy định về trang phục) cho những buổi tiệc phù phiếm ấy. Chưa kể, nam giới thường khó chịu khi thấy vợ thường xuyên “tăng ca” ở nhà hàng quán xá cuối năm, đặc biệt nếu ông chồng ít “sô” mời mọc.
Tiệc tất niên có phải là cái hủ tục mà chúng ta cần phải thay đổi? Ý nghĩa của tất niên “là bữa cơm cuối năm, sau đó mọi người chia tay nhau, lên tàu xe về quê ăn Tết” đã trở thành xa lạ. Người ta coi tiệc tất niên như dịp phô trương quy mô và sự chịu chi của doanh nghiệp hoặc gia đình mình. Sao phải chịu kém cạnh, hàng xóm tất niên được thì ta đâu thể chịu lép cơ chứ!
Phú quý sinh lễ nghĩa ư? Hay rồi vui ngắn buồn dài, khích bác nhau uống, ăn nhậu ồn ào, kéo theo rất nhiều nỗi niềm của những ngày giáp tết…
Hoàng My
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/met-moi-kho-ai-vi-tiec-tat-nien-a1482880.html” name=””]