Gặp gỡ Mew Amazing, người nhạc sĩ luôn được gắn với danh xưng “cá tính, độc dị” của làng nhạc Việt những ngày cuối năm, anh trải lòng chân thành về âm nhạc, cách làm nghề và những góc nhìn thị trường độc đáo.
Mew Amazing và những góc nhìn độc đáo về âm nhạc, cách làm nghệ thuật
Có một năm thành công rực rỡ với những ấp ủ dự định từ lâu thành hình, Mew Amazing là một trong những nhạc sĩ/music producer góp phần định hình nên nhạc Việt 2022. Gặp anh những ngày trước thềm năm mới, Mew Amazing mang đến góc nhìn hoàn toàn mới lạ về âm nhạc, dưới cương vị là “người làm ra những bản hit”, một nghệ sĩ cá tính đã chán với danh xưng cá tính. 10 năm làm nghề, Mew Amazing có những nguyên tắc làm việc riêng, có những bài học được đúc kết. Nghe Mew Amazing trải lòng về những chuyện đã qua, về cách anh chiêm nghiệm thị trường, mối quan hệ với các nghệ sĩ thân thiết và cả những kế hoạch mới, chúng ta có cái nhìn đa sắc hơn với âm nhạc, thông qua lăng kính của một nghệ sĩ vô cùng có tâm với nghề.
Năm 2022 của Mew Amazing như thế nào?
2022 là năm tôi “chữa lành” lại những việc không vui của năm 2021, gần như dùng nó để làm bàn đạp cho 2023. Mọi người có thể thấy tôi ra không quá nhiều sản phẩm, hợp tác cũng thế. Sản phẩm tôi ra mắt trong năm 2022 gần như đã được hoàn thiện từ những năm trước đó. Còn để nói là có gì đó đột phá, tôi chưa tự tin để thừa nhận điều đó lắm đâu. Tôi vẫn thực sự hài lòng vì sau những khó khăn đã qua, tôi vẫn có thể được cống hiến cho mọi người, ra những sản phẩm cả tôi và ekip đều ưng ý, đặc biệt là có những “hạt giống” cho năm 2023. Tôi cảm thấy khá tự hào về bản thân mình.
Anh gieo “hạt giống” về âm nhạc? Hay những kỹ năng khác mà mình đã chuẩn bị cho chặng đường sắp tới?
2022 tôi có một thay đổi lớn. Sau 10 năm làm tự do, cuối cùng tôi đã trực thuộc một công ty giải trí. Tôi bắt đầu thấm câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Từ 2013 đến giờ, tôi đã bắt đầu suy nghĩ đến việc mình phải đi xa như thế nào, tôi quyết định sẽ thử làm điều trước giờ luôn khó khăn với tôi nhất, chính là teamwork. Đối với tôi điều này rất khó, việc phải hoà nhập, lắng nghe mọi người, dung hoà tất cả mọi thứ. Teamwork như một từ khoá của năm 2022, để cho 2023 có thể thực sự đi xa hơn. Những “hạt giống” Mew nói ở đây tất nhiên là những hạt giống về âm nhạc, những dự án mới, sự kết hợp mới, khía cạnh khác của Mew Amazing mà mọi người chưa thấy được. Tất cả đều đã được gieo hạt giống và chờ đến ngày nảy mầm. Thật sự rất trông chờ!
Tức là mình cũng đã có một sự bình lặng nhất định, nhưng thật ra tên Mew Amazing vẫn luôn hiện hữu xuyên suốt trong năm qua. Từ khi nào anh quyết định về với một công ty? Vì rõ ràng trước đó 10 năm anh làm một mình, vẫn tốt, vẫn có hit, tại sao không tiếp tục “độc hành”?
Trong 10 năm qua, bài học lớn nhất mà tôi học được với tư cách một songwriter, một nhà sản xuất âm nhạc chính là sự lắng nghe. Nếu bạn gặp tôi 5, 6 năm trước, sẽ là một Mew Amazing rất cứng đầu, bảo thủ và cực đoan trong tiêu chí làm nghề. Nhưng ở hiện tại, sau tất cả sự quan sát của tôi với âm nhạc, nhìn lại những nghệ sĩ tôi đã từng không thích họ vì sự phổ cập của họ, họ quá nổi tiếng vì chiều khán giả hay họ ra những sản phẩm có tính nghệ thuật chưa làm tôi hài lòng thì tôi nhận ra “À, có lý do cho chuyện đó”. Có lý do để âm nhạc của những nghệ sĩ ấy vươn đến nhiều người như vậy.
Tôi đã hơi chán với danh xưng “nhạc sĩ cá tính”. Từ lúc ra mắt Thật Bất Ngờ đến giờ cũng 7 năm rồi, tôi mệt mỏi với danh xưng đó. Bởi chữ “cá tính” ấy vô hình nó cho mình một cái mẫu chung, vui không, vui chứ. Nhưng nghĩ lại thì cảm thấy nó chỉ thoả mãn được cái tôi thôi. Được mang danh hiệu cá tính, độc đáo, không giống ai cũng vui đó nhưng về lâu về dài sự không giống ai này sẽ phục vụ cho ai? Khán giả nghe nhạc ồ lên một vài lần rồi thôi hay sao? Tôi không muốn vậy nữa.
Sự dung hoà sẽ là bài toán tiếp theo của tôi, phải làm sao để mình vẫn có thể được gọi là nghệ sĩ cá tính, lập dị nhưng âm nhạc vươn tới nhiều người hơn nữa. Tôi muốn khi nhắc đến Mew Amazing, người ta không nói “ông này dị lắm”, tôi mệt mỏi với điều đó rồi. Tôi muốn hoà nhập hơn với mọi người, âm nhạc của tôi được khán giả mở nghe hàng ngày. Đó là lý do tôi vào công ty, tôi tin tiếng nói của tập thể có thể mang đến cái nhìn trực quan về thị trường để tôi cân chỉnh lại âm nhạc của mình.
Phải chăng anh đã có khoảng thời gian khủng hoảng khi nhắc đến vấn đề nhận diện? Khi mà mình vẫn phải giữ cá tính trong âm nhạc, độc lạ quá không có lợi về mặt thương mại hay đi đường dài, nhưng nếu quá thay đổi thì bị gọi là mất chất?
Cuối cùng nó quy về vấn đề là âm nhạc của tôi để làm gì? Mục đích âm nhạc để thể hiện cái “chất” của mình hay giúp mọi người giải toả được một sự bức bối nào đó trong cuộc sống? Âm nhạc của chị Mỹ Tâm, anh Hà Anh Tuấn, chị Hồ Ngọc Hà,… dù nó thị trường như thế nào đi nữa vẫn phải công nhận đó là hành trang mà mọi người có thể nghe và cảm thấy thư thái tâm hồn. Bây giờ tôi cũng muốn âm nhạc của mình như thế, tôi muốn nhạc của tôi có thể giúp mọi người giải toả.
Dĩ nhiên, bài toán đặt ra ở đây là phải làm sao để giữ sự hứng thú của họ. Đề bài này còn khó hơn đề bài trước. Làm một sản phẩm độc lạ dễ lắm, bạn chỉ cần là chính bạn thôi nhưng bây giờ để là chính mình nhưng vẫn chiều lòng được khán giả ngoài kia khiến bài toán trở nên khó hơn rất nhiều. Tôi muốn giải bài toán đó. Tôi không thể nào thuần 100% chiều theo ý khán giả, viết những bài hát dễ chịu, cái tôi có thể làm được là cân chỉnh lại những gia vị tôi nêm nếm cho âm nhạc để khán giả cảm thấy dễ chịu hơi. Tôi không nghĩ đây là sự “mất chất”, mà chính là nâng cấp chất của mình.
Có chất để làm gì, khi mà số lượng người cảm thụ cái chất đó không nhiều? Mục đích của tôi ở tuổi này là có thể giúp mọi người được chữa lành, vui vẻ. Bởi chúng ta đã trải qua nhiều khó khăn rồi, và phía trước chắc chắn còn khó nữa. Âm nhạc vẫn luôn là liều thuốc tốt, tại sao phải cứ gồng gánh âm nhạc chứa đựng quá nhiều cái tôi cá nhân trong khi đó mình có thể dùng công cụ này giúp cả một tập thể.
Anh đã có “thương hiệu” làm nhạc về những chủ đề châm biếm, theo dòng thời gian khán giả đã có độ nhận diện về anh như thế. Nhưng nếu là một nhạc sĩ khác, ví dụ Thật Bất Ngờ không phải là Mew Amazing thì khán giả sẽ phản ứng ra sao?
Tôi hay nói với Khắc Hưng, nếu Như Cái Lò mà tôi viết thì nhiều khi khán giả không tẩy chay đâu. Tại vì khán giả nhìn nhận Khắc Hưng ở một màu sắc khác, nghiêm túc, trưởng thành hơn. Tôi mở ngoặc thêm cho nhạc sĩ, đó là một điều oan uổng là bị đóng khung. Và đó, người ta cũng đang vô tình đóng khung Mew Amazing là cá tính, mạnh mẽ, châm biếm nên đâu ai nghĩ tôi viết Thích Em Hơi Nhiều.
Trong năm qua anh đã bắt đầu giải bài toán này bằng sản phẩm nào chưa?
Trong năm 2021, nếu mọi người để ý thì tôi có Thích Em Hơi Nhiều, đây là một sản phẩm tôi đã bắt đầu thử giải bài toán thị trường này. Hay như album Cong của chị Tóc Tiên là một album tôi có sự đong đếm, tức là sẽ có những sản phẩm tôi và ekip bỏ nhiều sự cá tính trong đó và có những sản phẩm thuần về giải trí, mang lại cho mọi người cảm giác thoải mái, đó là bài Khá Khen. Đây là một bài hát tôi khá hài lòng trong năm qua, mặc dù nó không phải bài hát chủ đề của chị Tóc Tiên. Nhưng mọi người có thể thấy, khi chị Tiên hát bài hát đó ở lễ hội countdown vừa rồi, khán giả rất tận hưởng và vui vẻ với nó. Mọi người cũng không tin tôi viết bài đó vì nó quá hiền so với Mew Amazing.
Tôi cảm thấy mình đi đúng hướng và cần phải gieo thêm nhiều hạt giống. Mew còn đặt ra mục tiêu năm sau phải viết nhạc ballad, ra nhiều sản phẩm ballad hơn. Vậy ballad của Mew Amazing sẽ khác ballad của những nghệ sĩ khác như thế nào thì hãy chờ xem!
Anh có dự định sẽ hát những ca khúc của mình?
Đây cũng là điều rất khó khăn đấy. Không phải mình không hát được mà là mình sẽ hát cái gì. Với một music producer gần như đã tìm ra được cá tính ở trong nhiều dòng nhạc khác nhau thì việc chọn ra một màu sắc âm nhạc để gửi gắm đến khán giả là điều quá khó. Tôi đã thử rất nhiều demo, thậm chí đã đi tập nhảy, luyện thanh rồi học hình thể để biết được tất cả các yếu tố ấy kết hợp với dòng nhạc nào sẽ phù hợp. Tôi phải tham vấn mọi người rất nhiều. Mỗi người sẽ phản hồi cho tôi một chút, để xem tôi sẽ ra mắt với màu sắc, hình ảnh nào là phù hợp nhất.
10 năm qua tôi gần như là sống ở phía sau sân khấu, thì bây giờ việc đứng trên sân khấu, ở một độ tuổi không còn trẻ nữa vậy sẽ giới thiệu hình ảnh nào cho công chúng đây? Đó là điều làm tôi cảm thấy đắn đo nhất khi ra mắt với vai trò mới, tôi không gọi mình là ca sĩ, chỉ là một nghệ sĩ làm được nhiều thứ hơn. Mong là 2023 sẽ cho tôi đáp án cuối cùng, để có thể ra mắt mọi người với vai trò là nghệ sĩ trình diễn.
2023 anh có dự định nhận lời viết nhạc cho nhiều nghệ sĩ khác?
Có chứ. Tôi đã và đang làm việc với nghệ sĩ mới cùng nghệ sĩ kì cựu. Có những nghệ sĩ kì cựu mà tôi cảm thấy đề bài của họ rất thú vị. Tôi muốn đem giá trị của nghệ sĩ lứa trước về đây để họ tái khẳng định vị trí. Bởi vì Gen Z bây giờ các bạn quá thuận lợi khi có social media, có fanbase và kênh truyền thông hỗ trợ các bạn nhanh gọn.
Những nghệ sĩ ở thế hệ trước không có nhiều công cụ như vậy hỗ trợ, tại sao mình lại không giúp họ đem lại giá trị đó ở thời điểm này, để các bạn trẻ hiểu được thế hệ trước đã có những nghệ sĩ này và họ đã thành công đến thế nào.
Khi trò chuyện với các nghệ sĩ trẻ, tôi hay hỏi các bạn có biết về lứa nghệ sĩ trước và các bạn có làm gì để chúng ta giao thoa với nhau hay không. Countdown 2023 vừa rồi Miley Cyrus có một concert cùng với Dolly Parton, với tôi, đó là một nỗ lực của Miley trong việc giao thoa hai thế hệ, thậm chí Dolly Parton còn hát Wrecking Ball.
Điều đó đặt cho tôi một câu hỏi tại sao mình không giao thoa nhiều thế hệ nghệ sĩ ở Việt Nam để cuối cùng âm nhạc là bức tranh không biên giới? Tại sao không kết hợp nghệ sĩ Gen Z với nghệ sĩ millennials và cả trước millennials? Đó là lý do vì sao tôi vừa muốn làm việc với nghệ sĩ trẻ vừa muốn làm việc với các nghệ sĩ kì cựu. Nghệ sĩ chỉ hết thời khi họ nghĩ rằng họ hết thời, còn nếu họ vẫn đem lại giá trị cho ngành âm nhạc, tên tuổi và âm nhạc của họ vẫn còn, bất chấp tuổi tác.
Mew Amazing giống như một người giải bài toán của thế hệ? Mew Amazing có cảm thấy bản thân dễ thấu hiểu, kết nối các thế hệ?
Đặc ân của lứa millennials như Mew chính là được sống ở thời điểm giao thoa của các thể loại âm nhạc. Tôi được sống trong Làn Sóng Xanh, rồi Paris by Night, có thể tiếp nhận được rất nhiều tư liệu âm nhạc từ bố mẹ, ông bà.
Bây giờ các bạn trẻ mở Spotify, iTunes lên là đã kết nối được với thế giới rồi. Đôi khi sẽ chiếm hết quỹ thời gian của họ để họ không có thời gian quay về tìm lại âm nhạc Việt Nam đã như thế nào. Cả những nhạc sĩ ở thế hệ trước cũng mất kết nối với Gen Z hiện tại. Cuối cùng thì, ở những thị trường lớn như Mỹ có sự giao thoa giữa các thế hệ thì tại sao mình không làm điều đó ở Việt Nam.
Tôi thấy chị Thu Minh là một ví dụ tiêu biểu, chị đã rất cố gắng trong việc thích nghi với thời đại, chị không ngại cover những bài hát trẻ, nhận những phản hồi trái chiều của mọi người. Chị không ngại vì chị biết đó là những nỗ lực để kết nối. Tôi mong nghệ sĩ khác họ cũng có nỗ lực như thế, tôi rất vui nếu như là một người có thể giúp họ trở nên gần gũi với thị trường.
Nhiều nghệ sĩ gạo cội rất muốn thâm nhập, cùng đi vào đời sống âm nhạc hiện đại nhưng cách làm của nhiều người vẫn “cấn cấn” khiến khán giả khó lòng đón nhận? Như mới đây Hồng Nhung cover Waiting For You nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Sự “cấn cấn” này đến từ music producer. Nếu một nghệ sĩ thế hệ trước cover nhạc bây giờ, họ phải có một bản phối, cách trình bày của họ. Họ phải kéo ngược bài hát đó về, biến bài hát đó thành của họ. Những nỗ lực của các cây đa, cây đề trong làng nhạc khi thể hiện ca khúc trẻ rất đáng ghi nhận.
Tôi tin rằng sẽ luôn có sự khác nhau khó tránh khỏi, và music producer không giải được nó. Ví dụ giai điệu của Waiting For You với giai điệu quen thuộc của cô Hồng Nhung như Bống Bồng Ơi hay Hoa Sữa quá khác nhau. Melody của Waiting For You yêu cầu một màu sắc âm thanh khác. Tôi đã nghe MONO hát Người Tình Mùa Đông, với tôi nó là một nỗ lực nhưng rõ ràng tôi nghe vẫn thấy cấn cấn.
Tức là tuyến giai điệu của những bài hát xưa với những bài hát nay về cơ bản là khác nhau, dù người sản xuất có xoay chuyển bản phối cho phù hợp nghệ sĩ thế nào thì vẫn còn vài phần không giải được, là về tuyến giai điệu. Yếu tố đó quyết định xem màu sắc âm nhạc nào phù hợp nhất. Thế nên có bài hát chỉ người trẻ hát hợp, âm sắc “Gen Z” của họ phù hợp hơn âm sắc cổ điển như cô Hồng Nhung hay Mỹ Linh.
Chúng ta nhìn nhận những sản phẩm đó nên theo tinh thần cởi mở, rằng nghệ sĩ ở lứa trước cũng rất nỗ lực để tôn vinh bài hát hiện đại, cũng như các nghệ sĩ trẻ hát nhạc xưa là một hình thức để tôn vinh đối với nghệ sĩ trước. Đương nhiên bài toán về sự “cấn cấn” đó không thể nào giải quyết được 100%. Mình cứ xem như đó là một nỗ lực giao thoa, tôi hay đùa đó là “đấu giao hữu” vui vẻ giữa mọi người, không nên quá khắt khe.
Có phải khán giả đang ngày càng độc đoán? Có nguy hiểm khi trao toàn quyền quyết định cho khán giả?
Thật ra mình không trao cũng không được. Bởi vì sản phẩm làm ra là để phục vụ khán giả, vô hình chung đã cho khán giả quyền được phán quyết sự sống còn của tác phẩm đó. Chúng ta có thể giải thích, thanh minh, kể những câu chuyện như “tôi không cố ý”, “xin lỗi vì quá nhạy cảm” hay “xin lỗi vì đã ra không đúng lúc” nhưng quyền sinh sát vẫn ở khán giả.
Tôi không bao giờ đổ lỗi cho khán giả ở bất kì quyết định nào của họ, dù là việc yêu thích một nghệ sĩ tôi không thích, hoặc tẩy chay một nghệ sĩ mà mình thấy sự tẩy chay đó hơi vô lý. Tôi không có quyền phán xét khán giả, nghệ sĩ phải tuân thủ điều đó. Với tôi, sứ mệnh của người nghệ sĩ là phục vụ khán giả, ngoài phục vụ cái tôi của mình. Vậy nên sẽ có những lúc khán giả mang lại cho mình sự bức bối, giận dữ vì cuộc sống xung quanh họ không tốt làm ảnh hưởng đến tâm lý nghe nhạc, đến những nhận định của họ.
Tôi không có đủ dữ liệu để nói rằng khán giả sai hay đúng, chỉ là đôi khi một sản phẩm gọi là cũng có phần oan uổng, nhưng không phải vì oan uổng mà mình trách ngược lại quyết định của khán giả, họ có cái lý của họ. Việc nghệ sĩ có thể làm là cố gắng thấu hiểu tại sao khán giả lại vậy. Ngay cả khi sản phẩm không hề có ý đó, bị hiểu lầm và bị thổi phồng lên về thông điệp. Chúng ta chỉ có thể xin lỗi vì đã làm khán giả phật ý, giải thích ý của mình, còn lại để khán giả quyết định. Còn những sản phẩm sau bạn làm tốt hơn, khéo hơn, hiểu được thời điểm đúng để ra mắt thì tôi tin rằng khán giả luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận bạn.
Khi ra mắt 906090 dù không lớn lắm nhưng vẫn gây ra một vài ý kiến tiêu cực, khiến cho Mew Amazing khi ấy cũng phải viết 1 2 bài đăng, gây xôn xao một thời gian…
Ekip luôn luôn hướng đến chân – thiện – mỹ trong sản phẩm khi đưa ra công chúng, dĩ nhiên chúng tôi đã phải luôn nhẫn nại trong việc giải thích tại sao lại làm một sản phẩm với hình ảnh, lời lẽ như thế. Việc làm sao để khán giả đón nhận tất cả thông điệp âm nhạc một cách trong sáng là một bài toán khó. Ví dụ, quay lại với những bài hát đã từng bị nói là cổ súy cho cái A, cái B, tôi đặt câu hỏi tại sao nghệ sĩ lại gánh vác sứ mệnh truyền tải lời hay ý đẹp như vậy.
Vốn dĩ âm nhạc phản ánh cuộc sống, trung lập và không chia phe. Vậy tại sao trong một bài hát luôn bị yêu cầu phải có ý nghĩa, thông điệp. Bài hát nào mà không có thông điệp? “Thích chuối tây, chuối ta”, “nóng như cái lò” nó vẫn là một thông điệp, sao mình phải trở thành cô tiên xanh trong sáng tác trong khi cuộc sống này đa màu sắc, có mảng vui mảng buồn.
Âm nhạc đơn giản chỉ là một lăng kính thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả khi tôi có một bài về “tiểu tam” hay “trà xanh” đi chăng nữa thì nó vẫn là cuộc sống. Bài hát về kết thúc cuộc đời khi còn đang trẻ vẫn là một câu chuyện, việc diễn dịch như thế nào là ở khán giả. Cái tôi mong muốn nhất ở khán giả là khán giả hãy mở lòng đón nhận như một ý niệm đơn sơ của âm nhạc thôi, đó là thể hiện cuộc sống.
Tại sao những bài hát về “tiểu tam”, “trà xanh” hay tình dục công sở lại không được tồn tại trong khi nó là một mảnh ghép của cuộc sống? Tại sao âm nhạc luôn phải là một lời kêu gọi sống tốt sống đẹp. Tại sao âm nhạc không được quyền chứa đựng cảm xúc của những nhân vật phản diện? Tôi muốn âm nhạc của tôi ngày càng thể hiện được cuộc sống của nhiều người, hoàn cảnh hơn. Tôi muốn viết về tình tay ba mà ở vai của người thứ ba, tôi muốn viết về tình dục công sở mà ở vai thủ phạm để biết được câu chuyện đằng sau họ là gì. Đó là điều tôi mong muốn, để cho âm nhạc được đa dạng hơn, ở hoàn cảnh nào cũng có thể tìm thấy sự cảm thông trong âm nhạc.
Sự chữa lành với sự cổ suý là khác nhau chứ… Phải chăng có bóng dáng của 1 sự cổ súy ở đây?
Cổ suý hay không là do sự khéo léo trong cách nhào nặn bài hát. Đó là lý do tôi thấy làm nhạc về những mảnh ghép trong cuộc sống về chủ đề gây tranh cãi nó khó đến như vậy. Làm thế nào để khán giả hiểu mình không cổ suý, mình chỉ đứng ở giữa phản ánh cuộc sống này. Đương nhiên sẽ có người ở vai chính diện – vai phản diện, tại sao âm nhạc lại chỉ được ở phe chính diện.
Có cảm giác như anh đang mô tả chính mình là người viết nhạc cho kẻ phản diện?
Tôi hay nói như vậy. Tôi luôn muốn là tiếng nói của những nhân vật phản diện. Tiếng nói ở đây không phải là tôi cổ suý cho lối sống đó, mà tôi muốn nói rằng ngay cả những người làm điều sai trái họ vẫn nên có bài hát của họ. Còn việc họ bị phán xét thế nào, số phận được xã hội quyết định làm sao tôi không tham gia. Tôi chỉ muốn là người cho nhân vật phản diện một tiếng nói, để lỡ họ cũng có uẩn khúc gì thì sao?
Wren Evans là nghệ sĩ Gen Z duy nhất hợp tác với Mew Amazing, sau này Mew Amazing sẽ tiếp tục kết hợp cùng nghệ sĩ Gen Z khác chứ? Thích Em Hơi Nhiều đã ra mắt với bao nhiêu % của anh?
Wren là người viết rap, tôi viết giai điệu và phần lời. Bài đó tôi làm nhanh, tầm 15 phút là đã xong hết. Còn những sản phẩm tiếp theo thì Wren muốn tự mình trải nghiệm âm nhạc nên tôi tạm hẹn Wren ở một dịp khác.
Tôi sẽ đi tìm những nghệ sĩ mới khác, hoặc những nghệ sĩ tôi đã làm. Tôi còn nợ Trúc Nhân một album, hai anh em vẫn đang tính toán với nhau xem sẽ trở lại với thông điệp, hình ảnh gì. Và chắc chắn tôi cùng chị Tóc Tiên không dừng lại ở Cong. Lại chuẩn bị “em ơi”, “ê”,… nữa đây (cười). Mew hạnh phúc khi hành trình âm nhạc của mình có được những nghệ sĩ đi cùng mình và tiếp tục muốn đồng hành. Không nói về sự trưởng thành trong âm nhạc, đó là sự trưởng thành trong mối quan hệ, là thấu hiểu. Khán giả nhìn nghệ sĩ ở phương diện toả sáng trên sân khấu còn mình nhìn họ ở phương diện con người, cũng có những hỉ nộ ái ố bình thường, có những tâm sự sâu kín nhất. Với tôi, việc hiểu được người nghệ sĩ ngoài khía cạnh sân khấu là một đặc ân của nghề music producer.
Nói về Cong, nếu khi ra mắt không đụng phải album Link Hoàng Thuỳ Linh, liệu anh có kỳ vọng nó sẽ chiếm trọn spotlight trong năm qua?
Chúng tôi không đặt chỉ tiêu đó cho Cong. Khi mà đã gọi nó là Cong thì không có định nghĩa cho đúng thời điểm, vì mọi thứ đều bị bẻ cong hết rồi (cười).
Tóc Tiên theo cái cách mà mọi người xung quanh biết, không phải công chúng là một người như thế nào?
Đó là một con người rất nhiều ý kiến và quan điểm. Nhiều quan điểm ở đây có nghĩa là chị có quan điểm rõ ràng ở mọi góc nhìn trong cuộc sống. Tóc Tiên không phải là một người chỉ hát những bài hát vui vẻ rồi nhận cát xê đi về, chị là người có sự kết nối với thế giới. Tóc Tiên hiểu những điều đang xảy ra xung quanh và có quan điểm rõ ràng. Đó là lý do tại sao chị có thể tách biệt âm nhạc và cuộc sống của chị.
Nếu mà mọi người nhìn thấy, Tóc Tiên ngoài đời và Tóc Tiên trên sân khấu là hai con người hoàn toàn khác nhau. Cần có ý chí rất vững chắc để có thể không để cuộc sống riêng tư ảnh hưởng công việc và ngược lại. Với tôi, tôi phải đem quan điểm đó lên âm nhạc cho chị để người ta nhìn nhận ca sĩ Tóc Tiên không chỉ thông minh trong lời nói mà còn thông minh trong âm nhạc. Không ai phán xét gu âm nhạc của Tóc Tiên được, chị quá đỉnh trong việc thể hiện âm nhạc rồi. Nhưng ca từ của chị cũng nên có sức nặng như lời chị nói ra và tôi phải truyền tải sức nặng đó trong ca từ cho Tóc Tiên.
Cảm ơn Mew Amazing vì buổi trò chuyện!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/mew-amazing-nguoi-nghe-si-luon-phai-tuan-thu-mot-dieu-do-la-khong-phan-xet-khan-gia-20230121081806507.chn” name=””]