Cứ tưởng khi chuyện được giải quyết, gia đình sẽ êm ấm trở lại, nhưng chị lại bị cả nhà chồng hắt hủi, mọi chuyện còn căng thẳng hơn cả trước đây.
Tuần trước, chồng chị bắt xe về nhà ba mẹ vợ để xin lỗi. Đây là lần đầu tiên kể từ sau 5 năm kết hôn, chị bỏ về ngoại. Lý do không phải chồng ngoại tình, cũng chẳng phải nợ nần, kinh tế… chỉ là chị đã quá sức chịu đựng khi sống cùng nhà chồng. Mấy hôm chị về quê, cũng có lời đồn quanh xóm, là do chị làm dâu không khéo, hỗn hào với mẹ chồng.
Chị biết bỏ về nhà mẹ ruột là quyết định không sáng suốt, nhưng người trong cuộc mới hiểu, trong cơn giận và sự bức xúc đến đỉnh điểm, chị chẳng còn mong muốn gì hơn là về nương vào vòng tay người thân.
Nửa ngày sau khi chị xách vali và ôm theo đứa con đi ra khỏi cổng, chồng chị nhắn tin năn nỉ chị về. Cơn giận vẫn chưa nguôi, chị im lặng không phản hồi.
Mọi chuyện xuất phát từ việc mẹ chị hay gửi đồ ăn lên cho con gái và cháu ngoại. Quà quê thì bao giờ cũng quý, cũng sạch, chị phải ra tận bến xe lấy về. Bao nhiêu là đồ ngon mẹ ruột cất công chuẩn bị, từ hũ mắm, cái bánh tráng cho con gái lúc thèm cho đến mớ rau quê, con vịt đồng ngọt thịt… Nhưng trái với sự háo hức, vui vẻ của chị, nhà chồng lúc nào cũng tỏ vẻ không vui, không thích những món đồ ấy.
Bỏ về ngoại, chị bị cả nhà chồng lạnh nhạt (ảnh minh họa) |
Điều này không chỉ diễn ra một hai lần, mà trong suốt nhiều năm sống chung, chị chứng kiến mẹ chồng và các chị em nhà chồng luôn coi thường những món đồ nhà ngoại gửi. Có lần tranh thủ lúc chị đi làm, mẹ chồng đã đem đồ đi cho hàng xóm gần nửa số quà nhà ngoại gửi, bà còn nói với hàng xóm là khi nào muốn ăn cứ qua lấy.
Xuất thân từ nông thôn, chị hiểu vất vả thế nào mới thu được quả ổi, con gà, hạt lúa… Chị không những thèm hương vị quê nhà suốt từng đó năm xa xứ, mà còn thương công sức của ba mẹ ngày đêm chăm bẵm. Chị chẳng tiếc gì với bà con lối xóm, nhưng dù sao đó cũng là những món ngon mà mẹ chị dành cho con cháu.
Ban đầu, chị cũng nghĩ mẹ chồng thảo tính, thấy quý mến hàng xóm thì cho, nhưng sau này chị hiểu ra, chẳng qua bà đem cho vì không thích đồ bên ngoại gửi. Đỉnh điểm là lần này, mẹ chồng và chị chồng đem hũ mắm mẹ chị làm vứt thẳng ra sọt rác vì “sợ hôi tủ”, vì món này “nhà chẳng ai biết ăn ngoài con”.
Hành động ấy khiến chị không chịu đựng được. Ban đầu chỉ là lời qua tiếng lại nho nhỏ, nhưng càng về sau càng căng thẳng khi chị chồng cũng bênh mẹ, nói chị hỗn hào… Sự ấm ức dồn nén lâu ngày khiến chị quá sức. Ngay chiều hôm ấy, chị lẳng lặng gom đồ, nói về thăm mẹ ốm rồi cứ thế ôm theo cả con vượt quãng đường dài, đến cổng nhà là nước mắt cứ chực trào ra.
Chồng chị nhắn không được thì về năn nỉ, sau mấy ngày ở ngoại, chị cũng bình tâm, tự biết mình cũng có phần sai nên lại cùng con về nội, không quên dặn mẹ ruột ngừng gửi đồ lên, vừa vất vả mà vừa không được sui gia trân trọng.
Cứ tưởng mọi chuyện được giải quyết, nhưng vừa bước chân vào cổng nhà, chị đã bị nói bóng nói gió: “Tưởng đi luôn chứ cuối cùng cũng quay về, nhà này riết rồi chẳng còn phép tắc gì”. Chồng chị nháy mắt ra hiệu cho vợ lên phòng trước, đến nửa cầu thang chị vẫn nghe tiếng mẹ và chị chồng cố nói vài câu như dao cứa.
Từ hôm ấy, cả nhà chồng đối xử với chị lạnh lùng. Dù chồng vẫn yêu thương chiều chuộng, nhưng cảm giác bị các thành viên khác coi như người thừa khiến chị không dễ dàng vượt qua. Có hôm cứ nằm nghĩ mãi mà chị không ngủ được, chồng thì hiểu ý, nên lại quay ra thủ thỉ: “Em ráng cho anh thêm 3 tháng, anh chuẩn bị thêm tiền, rồi kiếm chỗ, mình dọn ra riêng”.
Câu nói ấy khiến chị như được an ủi, xoa dịu. Thôi thì cũng là lúc thích hợp nhất để xin phép dọn ra ngoài. Những năm trước xin thế nào cũng không được, nhưng chỉ mới hôm qua, chị còn nghe mẹ chồng nói: “Tụi nó mà ở riêng càng đỡ lắm chuyện”.
Chị thấy đầy hi vọng, vợ chồng rồi sẽ sớm có không gian riêng tư. Chị vẫn sẽ cùng chồng lui tới thăm nom ba mẹ, coi như cũng đủ đầy trách nhiệm, còn hơn là cứ phải sống trong cảnh khó chịu, không vừa mắt mẹ chồng như bây giờ.
N. Ngọc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mot-lan-bo-ve-ngoai-a1516215.html” name=””]