Con đường trở về nhà mỗi buổi chiều của lũ học trò quê vui nhất vào mùa thơm chín. Chắc chắn sẽ có thơm rơi vãi từ những chiếc xe tải lớn. Lũ học trò chia nhau lượm mang về cho mẹ.
Tôi đi bộ trên một con đường trong suốt chín năm đầu đời đến lớp với những đứa bạn thân quen nhất. Trường tiểu học của chúng tôi nằm ven con đê trải đất đỏ, mùa nắng bụi tung mù trời, mùa mưa bùn theo nhịp chân bắn đầm đìa vạt áo.
Trường trung học của tôi cũng trên con đường đó, đám choai choai phải cuốc bộ thêm ba cây số nữa. Ngay sau lưng làng xóm là một nông trường rộng mênh mông trồng toàn những luống thơm lá nhọn hoắt đầy gai. Nếu không có những người nông dân và những đoàn xe bất kể nắng mưa vẫn chuyên cần lui tới làm việc trên nông trường thì nơi đây vắng vẻ vô cùng.
Lũ học trò luôn trông chờ mùa thơm chín. Đó là loại trái cây duy nhất trong làng. Khi những trái thơm lớn dần và bắt đầu chuyển màu, xe tải nối đuôi nhau vận chuyển suốt ngày đêm phân phối cho cư dân nội thành cùng các nhà máy ép nước trái cây xuất khẩu.
Con đường trở về nhà mỗi buổi chiều của lũ học trò quê vui nhất vào mùa thơm chín. Chắc chắn sẽ có thơm rơi vãi từ những chiếc xe tải lớn, nhất là khi họ cố gắng chứa thơm cao hơn thành của thùng xe. Lũ học trò chia nhau lượm trái, một tay xách cặp, một tay xách thơm, mang về cho mẹ.
Mẹ tôi có một sạp bày bán rau củ, thịt cá trước nhà. Suốt các mùa thơm tuổi thơ, tôi chỉ ăn những quả xấu xí, bầm dập. Quả tươi nguyên đẹp mắt tôi đều cẩn thận đặt lên quầy hàng của mẹ. Khi được giới thiệu “thơm của con Quỳnh”, các dì, các bác trong xóm đều ưu tiên mua giúp. Con heo đất của tôi cứ thế no dần.
Sau mùa thu hoạch, nông trường tạm “nghỉ xả hơi” một thời gian. Đó là lúc cánh đồng khô hạn không một bóng người. Những quả thơm “đẹt” trổ muộn từ các nhánh phụ lớn dần. Không ai quan tâm tới chúng, ngoại trừ lũ học trò. Thỉnh thoảng mỗi chiều chúng tôi cùng nhau đi vòng con đường phụ dẫn vào vườn thơm, len lỏi qua các lối mòn để tìm quả đẹt chín bói.
Không biết từ bao giờ cả bọn đặt tên cho chúng là “thơm út” bởi trái nào trái nấy chỉ lớn bằng một phần tư quả bình thường. Thơm út chín cây vào lúc nắng nóng nhất trong năm nên giòn và ngọt lịm. Giờ tan lớp, cả đám í ới tung tăng khắp cánh đồng, vui vẻ tìm hái thơm cho đến khi mặt trời sắp lặn, cứ như bọn nhóc là chủ của cánh đồng.
Mẹ tôi cẩn thận gọt từng trái thơm nhỏ, chẻ đôi, giữ cuống vừa tay cầm. Tôi ăn một lượt mấy miếng thơm út chấm muối ớt giòn ngọt cay cay, ăn cho đến khi rát lưỡi, ê răng. Rồi hôm nay ăn chán chê ngày mai lại tiếp mà vẫn không đã thèm.
Đến lúc trồng vụ mới, xe máy cày bứng hết các gốc thơm cũ để dọn đất. Chúng bị chất từng đống cao ngút, chờ mục nát làm phân. Những trái thơm út chưa kịp chín cố gắng ngoi ra khỏi đám đông khổng lồ để hứng chút ánh nắng, kiên trì sinh trưởng cho đến khi chín vàng. Lũ học trò lại được dịp rồng rắn quanh mấy “đống rác”, tìm hái những trái thơm nhỏ cuối cùng.
Bây giờ, nông trường thơm trở thành vùng đất sản xuất công nghiệp. Rất nhiều cư dân mới đã di cư đến đây, đông đúc, tất bật. Màu xanh bạt ngàn trải dài tận chân trời của cánh đồng thơm lui vào dĩ vãng. Mùa thơm chín với trái lớn rớt rơi, trái nhỏ vàng óng xinh như những bông hoa cũng ở lại với tuổi thơ của chúng tôi.
Việt Quỳnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mua-thom-ut-tren-nong-truong-a1462727.html” name=””]