Trong hôn nhân, với đàn ông, một khi tự do cá nhân bị đe dọa vì sự kiểm soát chặt chẽ của vợ, họ chẳng khác gì cánh diều bị bỏ xó, nếu có dịp thì sẽ tìm cách… bứt dây, dẫu sau đó thế nào cũng mặc.
Với một cánh diều, không gì tệ hơn khi phải nằm yên một xó. Nó chỉ đẹp, chỉ hấp dẫn cái nhìn của mọi người khi đang bay lượn trên bầu trời xanh. Nhờ vào gì nhỉ? Tất nhiên nhờ có gió và lúc nó đang tung bay trong tầm nhìn vừa phải. Không bay thấp lè tè nhưng cũng không cao hút tầm mắt.
Đành là thế nhưng thật ra sở dĩ ta thấy đẹp, khoái chí nhìn theo sự nhịp nhàng ấy vẫn chính là từ sợi dây diều. Nếu người điều khiển không biết giữ thăng bằng, nương theo gió, cánh diều ấy có thể quay ngược lại, chúi đầu xuống đất một cách thảm hại hoặc bứt khỏi dây bay mất hút.
***
Đàn ông một khi đã có vợ, trong nhiều tình huống, trộm nghĩ thân phận họ cũng từa tựa cánh diều. Không ai khác, cô vợ chính là người đang nắm giữ, điều khiển sợi dây diều. Có người vụng về cắt béng, giấu biệt sợi dây; có người khôn khéo vẫn thả diều, để diều thỏa sức tung bay mà không lạc mất. Ngẫm ra, chơi diều cũng là một nghệ thuật chứ nào phải đùa. Khi bàn chuyện này, tôi liên tưởng qua cách quản chồng của phụ nữ và thấy khó có thể liệt kê ra hết mọi tình huống vì “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”.
Tôi nhớ câu chuyện của người bạn là nghệ sĩ nổi tiếng với danh xưng “sát nữ đại hiệp”. Dù đã đùm đề vợ con, anh vẫn quyết không bỏ thói lăng nhăng, hễ thấy gái đẹp chẳng khác nào mèo thấy mỡ và tất nhiên, anh ta không quên “thả thính” rồi “đốn ngã” cho bằng được. Thử hỏi, có người vợ nào tha thứ cho chồng cái thói trăng hoa phiền toái “phòng nhất, phòng nhì” đó không? Vì lẽ đó, sau vài lần ly hôn, anh vẫn tiếp tục… có vợ nữa.
Lần anh “lên xe hoa” với cô X., bạn bè đều nghĩ chắc đây lại cũng chỉ là “trạm dừng chân” của anh như những lần trước. Thế nhưng kỳ lạ thay, lần này lại là lần sau chót, giúp anh ổn định gia đình và điều đó khiến bất cứ ai từng biết và hiểu anh đều ngạc nhiên. Không rõ cô X. có chiêu gì mà người đàn ông đào hoa ấy chịu “cải tà quy chính”, đi đâu thì đi, làm gì thì làm nhưng cuối cùng vẫn “tung cánh chim tìm về tổ ấm”.
Thay vì suy luận lằng nhằng mất thời gian, tôi đã trực tiếp hỏi “người trong cuộc”. Cô X. cho biết: “Em thừa biết tỏng thói xấu mèo mỡ, chim chuột của anh ấy; nhưng bọn em quy ước, đại khái anh ra khỏi nhà thì anh là người của công chúng, làm gì thì mặc, thích vẽ nhọ bôi hề thì tùy, thích mặt vằn mặt vện cũng không sao; miễn là khi trở về nhà, anh không được vác theo “của nợ” nào và anh phải là người của riêng em. Nếu vi phạm thì… xong phim”. Tôi hiểu “của nợ” ở đây là cô X. ám chỉ con rơi, con rớt gì đó.
Sau khi quy ước này được “ký kết”, anh bạn tôi cảm thấy hài lòng hết sức, vì mọi sự tự tung tự tác không bị bất kỳ ngăn cản, răn đe, theo dõi gì. Ngược lại, cô X. cũng vui vẻ, dành thời gian chăm con lo việc nhà. Nhiều người bảo cô X. xử sự như thế là dại, có ngày mất chồng như chơi.
Tôi cũng biết có những trường hợp, do sợ chồng bị cô khác hớp hồn hớp vía, “cuỗm” mất nên người vợ quản lý bằng cách hễ chồng đi đâu vợ theo đó, cả hai dính nhau như sam. Ban đầu, anh em bạn bè thấy cũng vui vui. Vậy nhưng hễ mỗi lần gặp nhau bù khú tán phét, cà phê cà pháo, bia bọt lai rai cứ nhìn thấy đôi vợ chồng ấy “bổn cũ soạn lại”, ai nấy đâm ra… oải chè đậu.
Vì rằng, đàn ông cũng thuộc hạng “bà tám” không kém và họ xem đó như một cách xả stress. Khi gặp nhau, họ thường tâm sự vô số chuyện vô thưởng vô phạt, thậm chí có lúc “khoe” cả chuyện cực kỳ tế nhị như “chiến đấu oanh liệt” hoặc cầu cứu vì sao dạo này “trên bảo dưới không nghe”… Những lúc ấy mà bạn mình lại kéo theo cái “rờ-mọt” nữa thì chẳng khác “kỳ đà cản mũi”.
Họ không hề thích. Câu chuyện chung của đám đàn ông mà có người phụ nữ, lại là vợ của bạn ngồi đó, làm sao có thể nói cho hả dạ hả lòng? Chán lắm.
Điều gì đã hoặc sẽ xảy ra? Anh chàng kia chắc chắn mất bạn. Đã thế, nào ai biết nỗi khổ của người chồng lúc đã bị đưa vào “tầm ngắm” của cái sự quản chặt chẽ đó? Anh ta đâu phải trẻ con mà lúc nào cũng cần có “bảo mẫu” cận kề, giám sát? Lại nữa, anh ta cũng cảm thấy bất cập là do luôn theo chồng thì cô vợ còn đâu thời gian lo cho con, vun vén cửa nhà? Thử hỏi quý bà, quý cô vốn thừa thông minh rằng quản chồng như thế có nên chăng?
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
***
Trở lại với trường hợp anh bạn nghệ sĩ của tôi, tôi nhận thấy, từ đó anh đổi hẳn cách sống, không như trước nữa. Tại sao lạ lùng vậy? Không, phải nói kỳ diệu mới đúng.
Sự kỳ diệu này, trước khi “bật mí”, cho phép tôi kể lại sự lựa chọn của chí sĩ Phan Châu Trinh. Chuyện rằng, thời cụ còn trai trẻ, sống ở Huế, sau khi cụ đậu phó bảng, biết bao nhan sắc mê tít cụ, trong số đó có “lá ngọc cành vàng” nhà quan lớn dành cho cụ nhiều thiện cảm. Cả hai cùng cảm thấy tâm đầu ý hợp, cùng xướng họa thơ văn: “Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở lúc chờ trăng lên” tương đắc hết sức. Vì lẽ đó, cụ những muốn lập “phòng nhì”. Ý định là thế nhưng cụ vẫn giữ kín trong lòng, chỉ cụ Huỳnh Thúc Kháng – người bạn chí thân – biết rõ chuyện này mà thôi.
Lần nọ từ kinh đô, cụ Phan về thăm nhà ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Khi đến gần nhà, ông ngỡ ngàng trước một bóng dáng đàn bà, thầm thắc mắc: “Ơ kìa, có phải vợ mình không?”. Người phụ nữ lam lũ ấy xắn váy quai cồng, tất tả xách ấm nước, mang rổ khoai lang đang chân thấp chân cao chạy băng qua cánh đồng đưa cho thợ cấy ăn xế.
Bất ngờ nhìn thấy hình ảnh chịu thương chịu khó của người vợ tào khang, cụ Phan nghĩ gì? Cụ nghĩ, nếu giai nhân “mình hạc xương mai” quyền quý ấy về nhà mình, người đó sẽ ngồi ở đâu?
Hình ảnh của người vợ như gáo nước lạnh tạt thẳng vào ngọn lửa tình ái đang nhen nhóm trong lòng. Từ đó, cụ có sự lựa chọn khác. Suy ra, cách quản chồng của vợ cụ Phan vẫn là mặc cho chồng đi Đông đi Tây, được sống theo sở nguyện còn mình cứ làm hết bổn phận làm dâu, trách nhiệm làm mẹ nuôi con.
***
Nói ra điều này, tôi không hề suy diễn. Tôi đã hỏi rất nhiều người đàn ông. Trăm người như một đều thú thật, một là, với người vợ, điều họ “sợ” nhất, khiến họ không dám vượt qua “rào cản quy định” vẫn chính là sự gương mẫu, nết na, chu toàn việc nhà đâu ra đó; hai là, qua đó, họ tự điều chỉnh nếp sống của mình để không phụ lòng của vợ.
Nào có ai bắt buộc. Họ tự nguyện. Họ tự giác. Đôi lúc (như… tôi đây), họ tặc lưỡi: “Cô vợ sống như thế tốt quá. Mọi việc đâu ra đó nhưng rồi mình nào có bị mất tự do, vẫn cứ như thời… độc thân. Thế thì dại gì phải đứng núi này trông núi nọ, thả mồi bắt bóng, không khéo mất cả chì lẫn chài mà nào có ai thèm thương hại.
Chẳng dại!”. Suy nghĩ này cũng là của anh bạn nghệ sĩ trong câu chuyện tôi đã kể.
Quản chồng thế nào là hiệu quả, thế nào là vừa đủ là câu hỏi khiến các bà vợ đau đầu (Ảnh minh họa) |
Tóm lại, vấn đề quản lý chồng vốn thiên hình vạn trạng. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ trao đổi ngắn qua dăm trường hợp cụ thể. Dù sao, tôi vẫn giữ suy nghĩ rằng đã sở hữu cánh diều thì hãy cho nó bay trong tầm mắt mà mình cảm thấy hài lòng nhất, bởi với đàn ông, một khi tự do cá nhân bị đe dọa, họ chẳng khác gì cánh diều bị bỏ xó, nếu có dịp sẽ tìm cách bứt dây.
Lê Minh Quốc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/muon-quan-chong-tot-hay-dung-nghe-thuat-tha-dieu-a1461461.html” name=””]