Nạn quấy tình dục rối có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và công sở là nơi khá nhiều… sóng ngầm. Nữ nhân viên cần nắm chắc một vài nguyên tắc để bảo vệ mình và bảo vệ đồng nghiệp.
Hơn 8 tiếng làm việc/ngày cùng nhiều hoạt động sinh hoạt chung như ăn trưa, ngủ trưa, thậm chí tùy tính chất công việc và thời điểm còn có thể tăng ca, làm đêm… văn phòng là chốn rất dễ xảy ra tình trạng “quý mến quá đà”.
Là người làm việc văn phòng nhiều năm, tôi thường căn dặn các cô gái trong team của mình tỉnh táo nhận định tình hình, để trước là không bị gạ gẫm, quấy rối; sau là xây dựng một hình tượng phụ nữ duyên dáng nhưng lịch thiệp và có tự trọng, tránh những tình huống không nên xảy ra.
Tác phong, trang phục, lời nói, thái độ chính là rào chắn bảo vệ bạn trước những ý đồ quấy rối cuả người khác. Ảnh: Minh họa |
Có lần phòng làm việc của tôi bỗng xôn xao về vụ lộ clip nhạy cảm của một nữ diễn viên, trong khi các bạn nam bàn tán rôm rả thì một vài bạn nữ cũng hùa theo bình luận. Tôi quan sát thấy khi một bạn nữ hùa theo câu chuyện vừa ra ngoài đi lấy nước, thì một bạn nam đi theo. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là trùng hợp, không ngờ mấy ngày sau tôi thấy bạn nữ có biểu hiện lạ, ít nói, không vui vẻ như ngày thường, đi đâu cũng rủ thêm người khác đi cùng.
Linh cảm có chuyện không hay, tôi nhẹ nhàng hỏi chuyện thì biết khi đi lấy nước, nữ nhân viên không biết phía bạn nam kia đứng rất sát phía sau từ khi nào, nên khi cô ấy khom người nhấn nút bình nước thì nam đồng nghiệp đã có cử chỉ vô tình động chạm vào vùng nhạy cảm. Khi bạn nữ giật mình, bạn nam đã có ánh mắt khiếm nhã nhìn chằm chằm vào ngực cô đồng thời nói câu chuyện khác về nữ diễn viên trong clip.
Không ít phụ nữ nghĩ những câu nói, hành vi bông lơn của đàn ông là cách họ biểu lộ sự yêu thích đơn thuần với phái nữ, nên lẽ ra phải phản đối, thì lại cho qua, tạo đà cho đối phương lấn tới. Tôi hay nhắc các em nhân viên trẻ không vào hùa khi nghe những lời trêu đùa bóng gió về tình dục; không nên cười, cũng đừng tham gia bàn tán về tình dục. Nếu bạn tỏ ra thích thú với những câu chuyện bông đùa nhạy cảm, những người khác sẽ cho rằng bạn cởi mở, dễ dài, thậm chí… bật đèn xanh.
Tác phong và thái độ chính là rào chắn bảo vệ phụ nữ không bị quấy rối, tránh xảy ra sự việc làm ảnh hưởng đến tâm lý và công việc. Tôi thường dặn các nhân viên nữ hạn chế trao đổi riêng khi làm việc, thay vào đó nên trao đổi trên nhóm công việc, email (gửi kèm cùng các thành viên khác) hoặc dùng phần mềm quản lý tiến độ công việc.
Nhóm của tôi có giai đoạn phụ trách sản phẩm liên quan đến vùng nhạy cảm của phụ nữ nên ban đầu các nhân viên nữ rất ngại làm việc với các bộ phận khác như thiết kế, sự kiện, marketing… Nhưng do đã quán triệt cách làm việc công khai nên công việc của chúng tôi vận hành thuận lợi, hiệu quả và không xảy ra tình huống không mong muốn.
Trang phục cũng là ngôn ngữ. Chọn trang phục đi làm thế nào cho vừa đẹp, thời trang, lịch sự, vừa thoải mái, vừa ngầm ý “tôi không dễ dãi” cũng có những nguyên tắc. Trong nhóm chat dành riêng cho phụ nữ của phòng tôi đã lưu ý ngầm về độ dài ngắn của váy và độ sâu của cổ áo. Chúng tôi tếu táo rằng, phụ nữ có gia đình rồi thì cứ chọn cỡ “ra vẻ đoan trang” hoặc “cổ hũ, lỗi thời” một chút… cho lành. Các em gái trẻ thì có thể chấp nhận cho váy cao và cổ áo sâu hơn một chút, nhưng không thể ở mức “mời gọi” hay “lẳng lơ” được.
Khi hội chị em chúng tôi căn dặn nhau chuyện này thì hẳn các ông các anh cũng sẽ có một nhóm riêng để bàn tán, săm soi, “đọc vị” ý tứ của phụ nữ thông qua trang phục và thái độ. Do đó, tôi nghĩ phái mình nên chủ động “nắm đằng chuôi” để bảo vệ bản thân.
Mẫn Nhi (TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nam-dang-chuoi-de-tranh-quay-roi-tinh-duc-noi-cong-so-a1516798.html” name=””]